Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐàm luậnHà Nội không đi quá nhanh trong quan hệ với Washington

Hà Nội không đi quá nhanh trong quan hệ với Washington

Thời gian qua, việc mở rộng quan hệ quân sự với Việt Nam cho thấy lập trường mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Tổng thống Donald Trump về cuộc tranh chấp Biển Đông. Hiện dư luận quốc tế đang có những tồn nghi: liệu ông Trump có những động thái mạnh mẽ thách thức thế áp đảo của Bắc Kinh, và ngả về 5 chính phủ khác đang nỗ lực phản đối các đòi hỏi phi lý chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này?

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis vừa có chuyến thăm Việt Nam và tiếp theo là kế hoạch điều các tàu hải quân Mỹ có thể báo trước một chính sách cứng rắn hơn của Washington đối với Trung Quốc.

Trong chuyến thăm, ông Mattis đã gặp Chủ tịch Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, và người đồng nhiệm, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Trang web của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết họ chia sẻ những quan ngại về tự do hàng hải và “tôn trọng luật pháp quốc tế”, hàm ý nói đến vụ tranh chấp 6 bên đòi chủ quyền ở Biển Đông, trong đó Bắc Kinh chiếm thế áp đảo. Vào tháng 3 sắp tới một tàu sân bay Mỹ sẽ ghé thăm Việt Nam – một quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất chống lại Trung Quốc trong cuộc tranh chấp này.

Theo nhận định của ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington: “Chuyến thăm của ông Mattis và chuyến thăm của tàu sân bay vào tháng 3 là nhằm phát đi một tín hiệu tới Trung Quốc về hành vi quyết đoán của họ ở Biển Đông…Các chuyến thăm này là một phần trong một loạt các bước của Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm gần đây nhằm tăng cường các quan hệ chính trị và an ninh giữa lúc Trung Quốc đang trỗi dậy và đẩy mạnh các hoạt động trên Biển Đông”.

Ông Sean King, phó chủ tịch tổ chức tư vấn Park Strategies ở New York, cho biết chuyến thăm Việt Nam của ông Mattis cho thấy một “đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh nói chung” ở Washington. Tuy nhiên, nhà phân tích này nói thêm rằng sự thay đổi dường như đã quá muộn. Quá muộn là vì, quan hệ với Việt Nam giờ đây có tính quan trọng sống còn hơn bao giờ hết vì Hoa Kỳ dường như đã để mất Philippines trên Biển Đông.

Ông Sean King khẳng định: “Có thể mọi chuyện đã quá muộn khi việc Bắc Kinh khư khư nắm lấy Biển Đông hình như đã trở thành chuyện đã rồi”. Quan hệ Việt – Mỹ được cải thiện có thể dẫn tới việc Việt Nam mua vũ khí từ Hoa Kỳ. Năm 2016, Tổng thống Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương đã áp dụng trong nhiều thập niên đối với Việt Nam.

Sang thập niên thứ 2 thế kỷ 21 Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Washington ủng hộ chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam, và quan hệ Việt – Mỹ phát triển có thể cũng có ích cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, hay xử lý quan hệ với láng giềng Trung Quốc.

Hiện tại để tránh mất lòng Bắc Kinh, giới lãnh đạo tại Hà Nội không quá vội vã xích lại gần Hoa Kỳ để quan hệ song phương trở nên nồng ấm hơn. Hà Nội vẫn coi trọng quan hệ với Trung Quốc trong tư cách là nước láng giềng và đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM – ông Nguyễn Thành Trung, nhận định: “Tôi tin chắc rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rằng họ sẽ không đi quá nhanh tiến tới cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ”.

RELATED ARTICLES

Tin mới