Wednesday, September 11, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhập khẩu Việt Nam vẫn phụ thuộc rất mạnh vào khu vực...

Nhập khẩu Việt Nam vẫn phụ thuộc rất mạnh vào khu vực Đông Á

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, do gần gũi về vị trí địa lý, lại có quan hệ thương mại tự do (FTA) nên xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhất là nhập khẩu, vẫn phụ thuộc rất mạnh vào khu vực Đông Á. Trong đó, nhập siêu với một số nền kinh tế trong khu vực này (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan) vẫn còn khá lớn.

 

25 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD

 Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 2 năm 2016 – 2017 giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức trung bình 15%/ năm. Riêng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 200 tỷ USD, ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Thị trường xuất khẩu và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục có chuyển biến tích cực.
 
Theo đó, thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng. Có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao như Hàn Quốc đạt mức tăng 31,1% (cao hơn mức 28,4% năm 2016), Chi-lê là 26,3% (cao hơn mức 23% năm 2016), Liên bang Nga là 35,7% (so với 25,7% năm 2016), Nhật Bản là 14,2% (so với 3,9% năm 2016).
 
Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng tới 60,6% trong năm 2017 sau khi đã tăng 28,4% trong năm 2016. Xuất khẩu sang ASEAN có sự chuyển biến tích cực, chuyển từ giảm 4,7% năm 2016 sang tăng trưởng 24,3% vào năm 2017. Cán cân thương mại với Trung Quốc và ASEAN, vì vậy, đã có sự cải thiện đáng kể.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực. Cả nước đã có 25 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 173,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2016, chiếm hơn 81% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và trở thành động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu. 
 
Nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt xấp xỉ 26 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2016 (mức tăng này cao gấp đôi mức tăng của 2016), chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43,1%; xuất khẩu gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 22,7%. Đáng chú ý, trái cây của Việt Nam đã liên tục thâm nhập được vào các thị trường mới có yêu cầu cao về chất lượng (như vải và xoài vào Australia và EU; vải, nhãn, thanh long, chôm chôm vào Hoa Kỳ; xoài và thanh long ruột trắng vào Nhật Bản; thanh long và xoài vào Hàn Quốc và Niu Di-lân).
 
Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản tuy có tốc độ tăng trưởng khá cao (27%) nhưng giá trị xuất khẩu năm 2017 chỉ đạt 4,42 tỷ USD và chỉ còn chiếm khoảng 2% kim ngạch xuất khẩu.
 
Thông tin Bộ Công Thương cũng cho biết, tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2017 đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2016. Trong đó, tới 89,3% là đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu. Các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 5,9% tổng kim ngạch và chỉ tăng 8,6% so với năm 2016, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng nhập khẩu chung.
 
Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam tiếp tục là Trung Quốc (58,5 tỷ USD, tăng 16,9%), Hàn Quốc (46,8 tỷ USD, tăng 45,5%), ASEAN (28 tỷ USD, tăng 16,4%), EU (12 tỷ USD, tăng 7,7%) và Hoa Kỳ (9,1 tỷ USD, tăng 5%).
 

Tăng trưởng xuất khẩu chưa bền vững

 
Mặc dù đạt được những thành tích hết sức to lớn (xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 200 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư năm thứ hai liên tiếp, cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực ..), nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, hoạt động xuất nhập khẩu 2 năm 2016 – 2017 vẫn tồn tại một số hạn chế.
 
Bằng chứng, xuất khẩu vẫn dựa mạnh vào khối FDI (chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu). Các doanh nghiệp trong nước dù đã có nhiều nỗ lực, nhất là trong việc đưa các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam ra thế giới nhưng nhìn chung vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong hoạt động xuất khẩu.
 
“Nông sản, thủy sản đạt mức tăng trưởng khá, một số mặt hàng có mức tăng trưởng rất ấn tượng (như rau quả, gạo), nhưng nhìn chung mức tăng chưa bền vững và vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ.
 
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện sản xuất và xuất khẩu vẫn dựa khá mạnh vào nguyên, nhiên, phụ liệu nhập khẩu nên cán cân thương mại tuy đạt thặng dư (trong 6 năm kể từ 2012, trừ năm 2015 có thâm hụt, các năm còn lại đều thặng dư), nhưng mức thặng dư còn khiêm tốn và chưa thật bền vững. 
 
Một điểm nữa cũng được Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đưa ra là, do gần gũi về vị trí địa lý, lại có quan hệ FTA nên xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhất là nhập khẩu, vẫn phụ thuộc rất mạnh vào khu vực Đông Á. Nhập siêu với một số nền kinh tế trong khu vực này (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan) vẫn còn khá lớn.   
RELATED ARTICLES

Tin mới