Saturday, April 27, 2024
Trang chủĐàm luậnCác nước thân hữu chống lại sự lấn lướt ở Biển Đông

Các nước thân hữu chống lại sự lấn lướt ở Biển Đông

Trong một tuyên bố chung công bố hôm 3/3 vừa qua, Thủ Tướng Ấn độ Narendra Modi và Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang “tái khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, một khu vực phát triển kinh tế bền vững với một hệ thống thương mại tự do, cởi mở, công bằng và thuận lợi cho đầu tư”.

Ngay khi lãnh đạo hai nước Việt -Ấn mở các cuộc thảo luận cấp cao thì hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và các tàu hộ tống của Mỹ tiến vào cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng. Đây là lần đầu một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam kể từ khi chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt (4/1975).

Tờ Daily News and Analysis Online của Ấn Độ (dnaindia) hôm 5/3 tường thuật: Ông Trần Đại Quang ca ngợi “Chính sách Hướng Đông” của Ấn Độ. Ông Quang tuyên bố ủng hộ cuộc vận động của New Dehli muốn trở thành một Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo GS Tạ Văn Tài – nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Harvard thì: Sự xuất hiện của của tàu Carl Vinson tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, là “một biến cố rất đặc biệt”. Sự kiện này như một thông điệp mạnh mẽ đối với Trung Quốc, dẫu rằng điều này này không phải là dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của một “liên minh quân sự” Mỹ-Việt. Bởi Việt Nam không phải là một liên minh quân sự mà Mỹ nhắm tới. Nếu có xung đột với Trung Quốc, Mỹ không cần dùng tới một căn cứ trong đất liền Việt Nam, vì đã có những vòng đai bên ngoài, các đảo như Guam, Wake, hay là những căn cứ quân sự xa hơn, và các tàu chiến, hay tàu ngầm, cũng đủ để đánh lại Trung Quốc.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương. Hà Nội duy trì chính sách 3 không: “Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất cứ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia”.

Việt Nam tìm mọi cách tránh không muốn liên minh quân sự với nước nào, kể cả Hoa Kỳ. Việc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ghé cảng Việt Nam mang một ý nghĩa tâm lý, nhằm xây dựng “tình hữu nghị giữa Việt Nam với Hoa Kỳ”. Đây được coi là chính sách có từ nhiều đời Tổng thống Mỹ cho đến nay, xóa cấm vận và nối lại bang giao bình thường.

Nhiều thập niên qua tất cả các đời Tổng thống Mỹ đều muốn biến Việt Nam thành một nước thân thiện, nhằm làm lá chắn đối với Trung Quốc. Trước đây Trung Quốc giúp Việt Nam xâm nhập xuống Đông Nam Á, Việt Nam là mũi dùi của thế giới cộng sản. Còn ngày nay Việt Nam trở thành lá chắn chống lại sự bành trướng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á, nhất là tại Biển Đông.

Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, sự hiện diện của tàu sân bay USS Carl Vinson tại Việt Nam thể hiện quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về quốc phòng đã được nâng lên tầm mức mới, nhất là trong bối cảnh Mỹ hỗ trợ các biện pháp quốc phòng của Việt Nam, như đồng ý cho Việt Nam mua vũ khí, nhờ máy bay do thám, trao đổi tin tình báo v.v..

Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng: bài học ở đây là, nhân cuộc thăm viếng này, Việt Nam nên mạnh mẽ lên tiếng, không nên sợ Trung Quốc. “Mình cứ làm tới thì nó phải rụt lại, ông Trung Quốc là ‘mềm nắn rắn buông’, bây giờ mình rắn thì nó buông ra. Thì đó là cái ý nghĩa của chuyến thăm viếng, tăng gia tình hữu nghị, đồng thời đẩy mạnh những cộng tác, kể cả cộng tác quân sự, nhưng mà không đi tới liên minh.”

Tại Ấn Độ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ Tướng Narendra Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, đồng thời đồng ý mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Như vậy cũng không có nghĩa là hai nước muốn tiến tới một liên minh quân sự. Bởi Việt Nam có chính sách vừa cứng rắn bảo vệ chủ quyền chống Trung Quốc, nhưng “vừa đánh vừa đàm” theo truyền thống Việt Nam từ xưa tới nay. Chống cự khi bị xâm lược, nhưng vẫn phải cố giao hảo.

Còn Ấn Độ cũng tuyên bố không liên minh với nước khác, không muốn gây sự với Trung Quốc. Nhưng New Dehli muốn cộng tác với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh trên biển. Một trong những mục đích là để bảo vệ những giếng dầu mà Ấn Độ tính khai thác với giấy phép của Việt Nam, hoặc liên doanh với Việt Nam. Ấn Độ muốn khuyến cáo Trung Quốc chớ coi thường New Dehli, bởi Ấn Độ cũng là một cường quốc khác ở Châu Á.

Trong bối cảnh Việt Nam và Ấn Độ xích lại gần nhau và hợp tác về quốc phòng, thế giới đang có sự hình thành của một khối “không hẳn là một liên minh”, mà đúng ra là một khối các nước thân hữu gồm Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam và một số nước khác… Khối này tăng cường hợp tác để chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc xuống vùng Đông Nam Á, nhất là Biển Đông.

Tuần trước, trong một bài phát biểu với học giả và các sinh viên Ấn Độ, ông Trần Đại Quang đặt câu hỏi: “Thế kỷ này có trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương – Châu Á-Thái Bình Dương hay không?”. Rồi ông tự trả lời: “Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do, thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại, không để Ấn Độ Dương – Châu Á-Thái Bình Dương bị chia cắt thành các khu vực ảnh hưởng, bị thao túng bởi chính trị cường quyền, bị ngăn cản bởi chủ nghĩa bảo hộ hay bị chia rẽ bởi chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới