Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ vạch trần âm mưu đằng sau lệnh cấm đánh cá vô giá trị Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông.
Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Ngày 22/3 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam từ 1/5 – 16/8/2018.
Để làm rõ hơn vấn đề này, trả lời phỏng vấn, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng: “Phạm vi của lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc công bố hàng năm được coi là “bẫy pháp lý” nhằm hợp thức hóa tham vọng mở rộng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho toàn bộ quần đảo Hoàng Sa”.
– Ai cũng thấy Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông là phi lý, thể hiện sự ngang ngược, tư tưởng bá quyền, coi thường luật pháp quốc tế, coi thường chủ quyền của các quốc gia láng giềng. Sao họ có thể làm như thế, thưa ông?
Căn cứ vào nội dung Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, chúng ta thấy rõ, sở dĩ Việt Nam kiên quyết bác bỏ Lệnh cấm đành bắt cá do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo ngày 8/2/2018, vì có những lý do chính đáng sau đây.
Thứ nhất, lệnh cấm đánh bắt cá này là quyết định vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Lý do là phạm vi áp dụng của nó bao trùm lên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo mà nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử chiếm hữu và thực thi chủ quyền, khi quần đảo này còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ XVII.
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền nảy là thật sự, rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của Luật pháp quốc tế hiện hành. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để chứng minh và bảo vệ chân lý đó.
Trong khi đó, Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, với 3 lần sử dụng vũ lực bất hợp pháp từ cuộc đổ bộ chớp nhoáng của Lý Chuẩn năm 1909; bí mật đưa quân chiếm đóng nhóm đảo phía Đông năm 1956 và huy động lực lượng Hải quân, Không quân xâm chiếm nhóm phía Tây năm 1974.
Sau khi thâu tóm xong toàn bộ quần đảo này, Trung Quốc áp dụng nhiều thủ đoạn, để hợp thức hóa “chủ quyền lịch sử” đối với “Tây Sa quần đảo”, như xây dựng các căn cứ quân sự kiên cố; ồ ạt đưa quân, dân ra quần đảo để tạo lập các đơn vị hành chính “Tam Sa”, ‘Tứ Sa”; công bố văn bản pháp lý quy định hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng các vùng biển và thềm lục địa bao lấy toàn bộ quần đảo; thường xuyên ra các lệnh, quyết định hành chính, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm là một ví dụ điển hình.
Thứ hai, phạm vi của Lệnh cấm đánh cá này xâm phạm các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Theo quy định của UNCLOS 1982, Việt Nam công bố Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam, ngày 12/11/1982. Đó là một đường, bao gồm những đoạn thẳng gãy khúc, nối liền 11 điểm có tọa độ ghi trong Phụ lục kèm theo Tuyên bố này. Điều 8 của Luật biển Việt Nam 2012 quy định: “Đường có sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường có sở thẳng được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn”.
Dựa vào Tuyên bố 12/11/1982, Việt Nam hoàn toàn có quyền xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa ven bờ lục địa hình cong chữ S của mình. Phạm vi mà Lệnh cấm đánh cá của Trung quốc có giới hạn phía Nam từ vĩ tuyến 12° vĩ Bắc, gộp một phần vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đoạn cơ sở thẳng nối các điểm A7, Tại Hòn Đôi, tọa độ: 12°39’0, 109°28’0; A8,Tại Mũi Đại Lãnh, tọa độ: 12°53’8, 109°27’2; A9, Tại Hòn Ông Căn, Tọa độ: 13°54’0, 109°21’0; A10, Tại đảo Lý Sơn, Tọa độ: 15°23’1, 109°09’0; A11, Tại đảo Cồn Cỏ, Tọa độ: 17°10’, 107°20’6.
Liên quan đến nội dung xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa tại khu vực này, tôi xin lưu ý đến hiệu lực của các thực thể địa lý của quần đảo Hoàng Sa trong việc mở rộng phạm vi các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982.
Trung Quốc đã và đang cố tình giải thích và áp dụng sai UNCLOS1982 để xác lập hệ thống đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa theo tiêu chuẩn xác lập đường cơ sở “quốc gia quần đảo”.
Họ công bố chính thức hệ thống đường cơ sở ở quần đảo này và hầu hết các chuyên gia tin rằng, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố cái gọi là đường cơ sở quần đảo ở Trường Sa như từng làm với Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) năm 1996, để biến các vùng nước bên trong đó trở thành “ao nhà” của họ.
Phạm vi của lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc công bố hàng năm được coi là một “bẫy pháp lý” nhằm hợp thức hóa tham vọng mở rộng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, “bẫy pháp lý” đó bị phát hiện và bị vô hiệu hóa không những trên thực tế mà còn cả về mặt lý thuyết. Đó là sự kiện giàn khoan HD 981 năm 2014, Trung Quốc cố tình hoạt động cách đảo Tri Tôn 16 hải lý, với lập luận rằng giàn khoan này hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Tây Sa của Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía Việt Nam phát hiện và khẳng định giàn khoan HD981 cắm sâu vào trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, không liên quan gì đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Về mặt lý thuyết, Phán quyết Tòa Trong tài tháng 7/ 2016 cũng bác bỏ cơ sở pháp lý của yêu sách “đường lưỡi bò” mà điểm mấu chốt là Trung Quốc khẳng định các thực thể địa lý ở các quần đảo nằm giữa Biển Đông đáp ứng đủ điều kiện để mở rộng phạm vi vàng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh chúng.
Thứ ba, phạm vi lệnh cấm đánh cá còn vi phạm quy chế của vùng chồng lấn nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán phân định vùng chồng lấn này.
Theo quy định của UNCLOS1982 và theo thực tiễn quốc tế, trong khi đàm phán phân định vùng chồng lấn, các bên liên quan không được phép đơn phương tiến hành bất kỳ một hoạt động nào.
Việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh cá ở vùng chồng lấn là trái với quy định của UNCLOS1982, bất chấp thông lệ quốc tế và hoàn toàn đi ngược lại cam kết chính trị của hai bên.
– Liên tục bị phản đối và vô giá trị, theo ông, dựa vào điều gì mà năm nào Trung Quốc cũng đưa ra lệnh cấm này?
Mặc dù liên tục bị phản đối và bị vô hiệu hóa, nhưng Trung Quốc năm nào cũng đưa ra lệnh cấm đánh cá phi lý này vì nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc áp dụng và phối hợp đồng bộ các mũi tiên công lợi hai; trong đó không thể không nói đến mũi tiến công pháp lý.
Thứ hai, một trong số những nội dung của “cuộc chiến pháp lý” do Trung Quốc phát động là việc công bố chính thức đường cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa năm 1996; trong đó họ công khai xác nhận họ sẽ làm điều tương tự cho các quần đảo khác trong Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa mà gọi là Nam Sa, vào lúc thích hợp.
Việc làm này được các chuyên gia pháp lý khẳng định Trung Quốc giải thích và áp dụng sai quy định của UNCLOS 1982, bằng cách dùng quy định về hệ thống đường cơ sở của các quốc gia quần đảo để áp dụng cho các quần đảo xa bờ không phải là quốc gia quần đảo.
Từ đó, Trung Quốc luôn luôn khẳng định họ có các vùng biển và thềm lục địa liền kề với 4 quần đảo (Tứ Sa) ở giữa Biển Đông. Sau khi chiếm đóng các thực thể địa lý không phải là đảo, họ bắt tay đầu tư cải tạo chúng thành các đảo nhân tạo cực lớn, việc đưa người ra sống trên các thực thể đó, xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế, dân sự, quân sự, thành lập các đơn vị hành chính (thành phố Tam Sa…) công bố các quyết định hành chính, cấc lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm nhằm chứng minh các thực thể địa lý đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng”.
Vì vậy, chúng có hiệu lực trong việc mở rộng phạm vi các vùng biển và thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý. Và với bằng chứng ngụy tạo đó, họ khẳng định rằng yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn có cơ sở pháp lý; thậm chí rất phù hợp với quy định của Công ước luật biển 1982.
– Những chiêu trò phi pháp này sẽ gây ra ảnh hưởng gì, thưa ông?
Mỗi khi họ giành lấy “sự công nhận trên thực tế” yêu sách phi lý do họ chính thức nêu ra, các bên phải chính thức công nhận yêu sách phi lý này và đó là cơ sở để họ đòi quyền “thăm dò, khai thác chung” tài nguyên trong vùng chồng lấn được tạo nên bởi yêu sách đầy tham vọng này.
Trong thực tế, họ sử dụng lý lẽ này để mặc cả, răn đe, hăm dọa, mua chuộc các quốc gia, các công ty, các cá nhân đang thực hiện các dự án đầu tư khai thác tài nguyên trong phạm vi hoàn toàn nằm trong các vùng biển hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.
Với thực trạng Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Trường Sa trong thời gian qua, đứng trước yêu yêu cầu thực hiện “Trung Hoa mộng” theo định hướng chiến lược xây dựng thành công “Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc” được nêu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 và, đặc biệt là dư luận trong và ngoài nước đang đòi cắt bỏ “đường lưỡi bò” bởi tính chất bất hợp pháp, phi lý, phản khoa học của nó.
Trung Quốc sẽ tính đến việc sớm công bố hệ thống đường cơ sở ở Trường Sa theo cách mà họ thực hiện ở Hoàng Sa năm 1996 và họ có thể coi đây là một mũi tiến công chủ lực trong “cuộc chiến pháp lý” đã và đang phát động.
– Theo ông, những lệnh cấm này vô giá trị này ảnh hưởng thế nào đến ngư dân Việt Nam?
Trong nhiều năm qua, mặc dù Nhà nước Việt Nam kiên quyết phản đối và không thừa nhận giá trị hiệu lực của nó, nhưng phía Trung Quốc vẫn ngang nhiên sử dụng sức mạnh để ngăn cản các ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên các vùng biển thuộc các quyền hợp pháp của mình.
Bắt bớ, giam giữ, bắn cháy tàu thuyền, phá hủy ngư cụ, tịch thu hải sản,… là những hành xử bị nghiêm cấm bởi UNCLOS 1982 và đặc biệt là cố tình tước mất nguồn sống của biết bao ngư dân Việt Nam vô tội bao đời nay gắn bó với biển khơi, phải vượt qua sóng gió, bão bùng vì mưu sinh.
– Vậy ngư dân Việt có thể phớt lờ lệnh cấm vô giá trị này và chỉ cần tuân theo luật của Việt Nam và thế giới khi khai thác trong vùng biển chủ quyền?
Trong nhiều năm qua, ngư dân Việt Nam từng phớt lờ lệnh cấm phi pháp này. Họ vẫn ra khơi bám biển, vẫn góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông theo đúng luật pháp Việt Nam và Quốc tế, cho dù nhiều lần bị Trung Quốc cản phá, gây thiệt hại về người và của cải.
Tuy nhiên, để tránh được những thiết hại do phía Trung Quốc gây ra, các Cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất các phương án cụ thể, thiết thức để vừa bảo đảm an toàn cho các hoạt động bình thường, vì mưu sinh của ngư dân Việt Nam, vừa góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bảo vệ các quyền hợp pháp đối với các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
– Các biện pháp đó là gì?
Kiên quyết phản đối bất kỳ một động thái nào của Trung Quốc vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong Biển Đông là việc làm hoàn toàn chính đáng và rất cần thiết trong bối cảnh có những tranh chấp phức tạp đang diễn ra hiện nay, nhất là trong trường hợp Trung Quốc xâm chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang tìm mọi cách hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở những tuyên bố cần thiết đó, theo tôi, Nhà nước Việt Nam nên tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân và những người hoạt động trên biển có đủ các điều kiện cần thiết cả về vật chất, lẫn tinh thần và cả kiến thức, để luôn vững tin khi đối mặt trước những đe dọa, thách thức luôn luôn rình rập mỗi một chuyến bám biển ra khơi.
Điều quan trọng là, theo tôi, lệnh cấm bắt cá mà Trung Quốc hàng năm công bố, là một trong những nội hàm quan trọng của “cuộc chiến pháp lý” thực sự. Vì vậy, chúng ta nên tạo được sự đồng thuận trong dư luận.
Trước mắt, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi động thái của Trung Quốc để kịp thời có những cảnh báo và phân tích, thông tin cho mọi người hiểu rõ bản chất của “cuộc chiến pháp lý” này và không để Trung Quốc mua chuộc, lôi kéo, kích động, đe dọa hay gây sức ép.
Xin cảm ơn ông!
Nhiều học giả không sai khi ví mũi tiến công này là “cuộc chiến pháp lý”. Họ tính toán rất kỹ để phát động “cuộc chiến pháp lý”, có tính toán kết hợp với các cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ lực và các cuộc chiến tranh khác mà dư luận được biết với tên gọi “chiến tranh mềm”, “xâm lược mềm”…
“Cuộc chiến tranh pháp lý” mà Trung Quốc tính toán triển khai trong thực tế nhằm thực hiện chủ trương chiến lược “giành lấy sự công nhận trên thực tế” yêu sách phi lý của họ trên biển, thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biên năm 1982, để hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” đầy tham vọng trong Biển Đông.