Thương lái Trung Quốc sẽ không còn dễ dãi khi mua trái cây Việt Nam khi cơ quan quản lý nước này ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu
Trung Quốc chiếm hơn 75% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2017 với kim ngạch hơn 2,6 tỉ USD. Do đó, những thay đổi của Trung Quốc trong việc kiểm soát nhập khẩu sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành rau quả của Việt Nam.
“Siết” từ bao bì
Từ ngày 1-4, các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc khi làm thủ tục nhập khẩu sẽ phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì để được thông quan. Trên bao bì phải chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm bao gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Ngoài ra, DN có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin mã vạch, mã QR code hoặc tem chống hàng giả…
Trao đổi với phóng viên ngày 29-3, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết vừa qua, phía Trung Quốc phát hiện một số lô trái cây từ Việt Nam nhiễm dịch hại nhưng không truy xuất được nguồn gốc vì trên bao bì ghi nhãn không đầy đủ. “Ghi nhãn không phải là quy định khó nhưng vừa qua có một số DN không thực hiện nên phía Trung Quốc mới ra văn bản chấn chỉnh. Ngoài ghi nhãn, các DN cần lưu ý kiểm soát ruồi đục quả và rệp sáp là 2 đối tượng dịch hại phải kiểm dịch thực vật chính trên trái cây xuất sang Trung Quốc” – ông Thiệt lưu ý.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là Trung Quốc đang siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang nhập khẩu chính ngạch nên đòi hỏi nông sản phải truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, tất cả trái cây tươi đều có thể đi qua Trung Quốc bằng đường biên mậu, chỉ có 8 loại trái cây gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm được xuất khẩu chính ngạch. “Những mặt hàng chỉ xuất khẩu qua đường biên mậu sẽ gặp nhiều khó khăn khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát biên giới” – ông Thiệt cảnh báo.
Ông Thiệt thông tin thêm trước trái cây, Trung Quốc đã thực hiện kiểm soát đối với mặt hàng gạo từ Việt Nam vì mặt hàng này được buôn bán tiểu ngạch rất nhiều. Hiện nay, xuất khẩu gạo đi Trung Quốc chủ yếu là chính ngạch. Cục Giám sát, Kiểm tra chất lượng và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) đã đi đánh giá thực tế 31 DN và cấp phép cho 22 DN gạo từ Việt Nam. Qua kiểm tra, phía AQSIQ đưa ra 3 tiêu chí để đánh giá là: kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm của lãnh đạo DN, vùng nguyên liệu phải bảo đảm đủ sản lượng xuất khẩu và trang thiết bị máy móc, nhà xưởng bảo đảm an toàn thực phẩm. “Ngành trái cây cũng sẽ được đưa vào khuôn khổ như gạo. Do đó phía DN xuất khẩu cũng phải xây dựng vùng trồng để kiểm soát tương tự như xuất khẩu đi Mỹ, Nhật,… Nếu cứ làm ăn theo kiểu ăn xổi ở thì, không đầu tư bài bản sẽ trở tay không kịp khi Trung Quốc siết chặt nhập khẩu” – ông Thiệt nhấn mạnh.
Chính ngạch đỡ lo
Ông Nguyễn Bá Tùng, chủ vựa trái cây Ba Tương (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), cho biết có thông tin về trái cây xuất khẩu đi Trung Quốc phải ghi nhãn nhưng hiện các mối đặt hàng tại vựa của ông vẫn chưa yêu cầu. “Vựa của tôi chỉ bán cho các mối ở chợ đầu mối Long Biên (TP Hà Nội) như kiểu bán nội địa còn chuyện xuất khẩu có người khác lo” – ông Tùng thông tin.
Những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành trái cây buôn bán sang Trung Quốc cho biết rất nhiều thương nhân Trung Quốc thích mua hàng tiểu ngạch vì ít chi phí. Ngoài ra, khi mua hàng không nhãn mác từ Việt Nam, họ có thể gian lận thương mại, đánh tráo nguồn gốc để thu lời cao. Khi đó, hàng Việt Nam sẽ không có thương hiệu tại Trung Quốc dù xuất khẩu rất nhiều.
Trong khi đó, các HTX và DN xuất khẩu trái cây đều cho rằng việc Trung Quốc siết chặt quản lý là cơ hội để trái cây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, giảm các khâu trung gian không cần thiết. Bởi lẽ, xuất khẩu trái cây hiện nay bị thương lái Trung Quốc lũng đoạn khiến DN, HTX khó tham gia thị trường. Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Suối Lớn (tỉnh Đồng Nai), cho biết ông rất muốn được xuất khẩu chính ngạch xoài đi Trung Quốc vì đây là thị trường rất lớn, giá cả sẽ tốt hơn. “Buôn bán tiểu ngạch rủi ro rất lớn vì không có hợp đồng nên các thương lái đều đưa ra mức lời cao để phòng ngừa rủi ro bị giật tiền. Vì vậy người trồng rất dễ bị ép giá, còn người tiêu dùng phải mua giá cao. Nếu việc buôn bán đi vào chính ngạch sẽ ít rủi ro, chuỗi cung ứng trái cây sẽ bền vững hơn, dễ kiểm soát về chất lượng” – ông Bảo đánh giá.
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Chế biến nông sản Cát Tường (tỉnh Tiền Giang), chuyên xuất khẩu thanh long chính ngạch đi Trung Quốc, cho biết ông đã thực hiện việc ghi nhãn đầy đủ từ lâu và được đối tác đánh giá cao. Theo ông Sang, xuất khẩu trái cây chính ngạch sẽ tốn nhiều chi phí hơn nhưng đổi lại, sản phẩm mang thương hiệu của công ty vào sâu trong nội địa Trung Quốc.
Đàm phán mở cửa thêm nhiều loại quả
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang tập trung tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật, mở cửa thị trường cho trái cây tươi Việt Nam. Riêng thị trường Trung Quốc, Việt Nam hiện đang đàm phán mở cửa chính ngạch các loại quả: chanh, dừa, măng cụt, mận, bưởi, chanh dây và mãng cầu ta.