Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐBQH: Cát Linh-Hà Đông và "điểm mù" khó hiểu?

ĐBQH: Cát Linh-Hà Đông và “điểm mù” khó hiểu?

ĐBQH, chuyên gia tiếp tục lên tiếng kiến nghị thanh tra toàn diện dự án Cát Linh – Hà Đông để làm rõ những “điểm mù” khó hiểu.

Mù mờ thông tin

Mặc dù Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã lên tiếng bác bỏ thông tin sẽ lùi dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến năm 2021. Mốc thời gian 2021 được giải thích là để thực hiện quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành công trình sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. ĐBQH đoàn Thái Bình – Nguyễn Văn Xuyền vẫn thiếu tin tưởng và cho rằng “chưa thấy ngày về đích”.

“Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa thể có lòng tin với lời cam kết của Bộ GTVT về tiến độ dự án. Bộ GTVT báo cáo, dự án đã hoàn thiện tới 95%, chỉ còn 5% công việc nhưng 5% đó là thế nào thì không ai rõ và 5% sẽ bị kéo dài đến bao giờ cũng không có ai trả lời được”, ông Xuyền bức xúc.

Vị đại biểu đoàn Thái Bình nói rõ, sự nhây nhưa của dự án kể từ khi bắt đầu khởi công, thực hiện cho tới bây giờ đã gây ra quá nhiều bức xúc, nhiều vấn đề không rõ ràng.

Điều khiến ông Xuyền băn khoăn nhất là một dự án lớn như vậy, tổng vốn đầu tư lên tới gần 1 tỷ USD như thế nhưng việc tiếp cận thông tin, số liệu về dự án này hoàn toàn là con số 0.

“Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường (Quốc hội), các cơ quan chức năng khác đều đã tiến hành giám sát dự án nhưng không thể có được số liệu, thông tin cụ thể về dự án. Từ việc hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu thực hiện thỏa thuận, ký kết thế nào? Việc cam kết trách nhiệm của các bên với dự án ra sao? Rồi ai phải chịu trách nhiệm về việc lùi, hoãn, đội vốn của dự án…? Tất cả đều không có được một thông tin đầy đủ, rõ ràng.

Cho tới thời điểm này, chúng tôi cũng chỉ nghe thông tin từ dư luận. Thông tin duy nhất chúng tôi biết được từ báo cáo dự án là dự án bị đội vốn bao nhiêu và cho phép được lùi, hoãn tiến độ đến thời điểm này, thế thôi”, ông Xuyền bức xúc.

Từ những khúc mắc khó hiểu trên, vị ĐBQH kiến nghị Thanh tra Chính phủ phải thực hiện thanh tra toàn diện dự án để có báo cáo, đánh giá cụ thể về nguyên nhân và trách nhiệm của những người liên quan.

Theo ông Xuyền, một dự án càng lớn càng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, nghiêm ngặt về trách nhiệm mới có thể đem lại hiệu quả cho đất nước. Tuy nhiên, những gì đang thấy ở dự án này lại đang đi ngược lại.

“Phải tiến hành thanh tra toàn diện, không thể cứ để một dự án được thực hiện mà không tuân theo quy luật, quy trình nào như thế được. Không thể thực hiện dự án cả tỷ USD mà thông tin mù mờ, số liệu không có, không thể giám sát…”, đại biểu Xuyền nhấn mạnh.

Thiếu trách nhiệm, có lợi ích…

Cũng đồng tình với kiến nghị trên, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường cũng cho rằng, việc thực hiện thanh tra toàn diện một dự án có nguồn vốn hàng tỷ USD là rất cần thiết.

Vị chuyên gia cho rằng, việc thanh tra là nhằm làm rõ những nguyên nhân đội vốn, lùi tiến độ đồng thời thanh tra để làm rõ trách nhiệm của những người liên quan. Thanh tra còn nhằm làm rõ vì sao một dự án có quá nhiều vấn đề như vậy nhưng nhà thầu vẫn được ưu ái, thậm chí còn được nhận thêm nhiều dự án quan trọng khác. Liệu có sự che giấu sai phạm, móc ngoặc, lợi ích nhóm hay không…?

“Đây là một dự án trọng điểm, được cả xã hội trông chờ nhưng lại đang phải gánh chịu những tác động ngược. Hàng chục năm trời, người dân phải sống và đi lại dưới môi trường khói bụi, phải đối diện với những nguy cơ tai nạn chết người, phải chịu cảnh tắc đường thường xuyên, xen lẫn cả những bức xúc, áp lực nhưng không một ai đứng ra nhận trách nhiệm.

Ở đây có cả trách nhiệm quản lý chung, và trách nhiệm khi thực hiện dự thảo, ký hợp đồng; việc quyết định tổng mức đầu tư, quyết định tăng vốn; việc lựa chọn kỹ thuật, công nghệ… “, ông Thủy thẳng thắn.

Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng, thanh tra toàn diện còn là cơ sở để đánh giá lại tính hiệu quả của dự án này sau khi đưa vào hoạt động.

Ông lưu ý, đường sắt trên cao được điều hành toàn bộ bằng hệ thống tự động, rất nhạy cảm, do đó, mức độ an toàn của phương tiện còn phụ thuộc rất lớn ở trình độ, kỹ thuật của người tham gia vận hành.

Bên cạnh đó, ông còn cho rằng việc xây dựng thang bộ thay vì lắp đặt thang cuốn tại các nhà ga là một chủ trương lạc hậu, gây khó cho dân.

“Người dân rất khó tính, khi phải đi bộ quá xa họ sẽ bỏ. Một dự án hoành tráng như vậy nhưng lại không trang bị thang cuốn là một sai lầm lớn”, ông Thủy nói.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới