Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGiới trẻ Hong Kong bây giờ nghĩ về TQ đại lục?

Giới trẻ Hong Kong bây giờ nghĩ về TQ đại lục?

Đa số học sinh tham gia một cuộc khảo sát gần đây cho biết không thấy sự tương đồng giữa bản sắc người Hong Kong và người Trung Quốc đại lục.

Cuộc khảo sát do đảng Tân dân thực hiện gần đây cho thấy thế hệ trẻ Hong Kong hiểu biết về tình hình kinh tế, chính trị ở đại lục khi 95% học sinh được hỏi cho biết từng đến tham quan đại lục và 85% có thể đọc tiếng phổ thông, ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc, lấy giọng Bắc Kinh làm chuẩn. Tuy nhiên, chỉ 22% trong số 1.279 học sinh tham gia khảo sát muốn chuyển đến sống ở đại lục và 26% muốn tìm kiếm công ăn việc làm ở đó, SCMP đưa tin. 

Khảo sát được tiến hành từ tháng 10/2017 đến tháng 2/2018 với các học sinh lớp 4 và 5 tại 11 trường học, trong số đó 79% các em sinh ra Hong Kong và 20% sinh ra ở đại lục.

Giáo sư Lui Tai-lok, giám đốc học viện nghiên cứu về Hong Kong thuộc đại học Giáo dục, cơ quan tiến hành việc khảo sát, nhận xét kết quả đã phủ nhận quan điểm bấy lâu nay rằng người Hong Kong có định kiến với dân đại lục vì thiếu hiểu biết. 

“Chúng tôi nghe nhiều người lớn tuổi khuyên thanh niên Hong Kong nên đến đại lục nhiều hơn nữa để tận mắt chứng kiến sự phát triển nhanh của đất nước. Nhưng khảo sát cho thấy người trẻ Hong Kong tiếp xúc nhiều với văn hóa và xã hội đại lục, hiểu điều gì đang xảy ra ở đó”, giáo sư Lui nói.

Số liệu cho thấy khoảng 8 trong số 10 người trẻ được hỏi cho biết họ xem truyền hình và phim ảnh Trung Quốc thường xuyên và một người nói xem gần như hàng ngày. Gần 7 trong số 10 người dùng ứng dụng tin nhắn WeChat hoặc có tài khoản trên WeChat. 

Dù khảo sát không yêu cầu người trẻ trả lời thẳng họ nhìn nhận bản thân là người Hong Kong hay Trung Quốc, những người tham gia khảo sát đánh giá “nhân diện” của mình dựa trên thang điểm từ 0 đến 10, trong đó 10 nghĩa là bản sắc Hong Kong và Trung Quốc đại lục “tương đồng” còn 0 là “hoàn toàn không tương đồng”. Theo đó, 65% đánh giá ở mức thang điểm từ 5 trở xuống. Gần 10% chọn điểm tuyệt đối và 8,7% đồng ý với quan điểm “hoàn toàn không tương đồng”.

“Câu hỏi mà chúng ta và chính phủ nên đặt ra ở đây là: Tại sao dù hiểu biết về đại lục, giới trẻ vẫn không thích?”, giáo sư Lui nói.

Bản sắc Hong Kong

Trong tay cầm tấm ảnh thời thơ ấu, Chau Ho-oi đứng tại đúng công viên Kowloon nơi cô cùng mẹ tới vào năm 1999. Ảnh: Reuters.

Trong tay cầm tấm ảnh thời thơ ấu, Chau Ho-oi đứng tại đúng công viên Kowloon nơi cô cùng mẹ tới vào năm 1999. Ảnh: Reuters.

Sau khi tiếp quản Hong Kong vào năm 1997, Trung Quốc áp dụng hình thức quản lý “một quốc gia, hai chế độ”. Hong Kong trở thành đặc khu có quyền tự trị về mặt kinh tế và chính trị, nghĩa là người Hong Kong được tổ chức bầu cử riêng và tự do ngôn luận tới năm 2047. Tuy nhiên, lứa 20 tuổi không cảm thấy thực sự tự do.

Chau Ho-oi, sinh ra vào đúng thời điểm Hong Kong được Anh trao trả về Trung Quốc, cho biết cảm giác lúc còn nhỏ và bây giờ khác xa nhau. Năm 2008, Thế vận hội Olympic được tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh. Xem trên truyền hình, cô bé Chau 11 tuổi rất ngưỡng mộ thành tích của các vận động viên Trung Quốc giành được 48 huy chương vàng và xếp thứ nhất. 

“Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng Trung Quốc thật vĩ đại. Nếu thời điểm đó anh hỏi tôi có phải người Trung Quốc không, tôi sẽ nói có”, cô gái ngoài 20 tuổi nói với Reuters. “Nhưng giờ đây tôi không muốn nói tôi là người Trung Quốc… Thậm chí anh có hỏi 100 lần thì tôi vẫn sẽ nói như thế”.

Năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong được trao trả về Trung Quốc, Reuters đã phỏng vấn 10 người trẻ Hong Kong sinh năm 1997 và tất cả đều nói rằng họ tự nhận diện bản thân như người Hong Kong chứ không phải người đại lục.

RELATED ARTICLES

Tin mới