Chính sách thuế phải hỗ trợ người dân mua nhà, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và mua nhà lần đầu. Người dân dùng thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập cá nhân, để mua nhà, lại bị đánh thuế sở hữu nhà, như vậy là thuế kép.
Bộ Tài chính đang kiến nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, với đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Mức thuế suất được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng quy định là 0,4%.
Còn đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.
Đề xuất của Bộ Tài chính vừa đưa ra đã gây nhiều tranh cãi.
Trao đổi với PV Infonet, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm không đồng tình với cách đánh thuế nói trên. Bởi theo ông, chính sách thuế bất động sản (BĐS) phải dựa vào 2 nguyên tắc: Chính sách thuế phải hỗ trợ người dân mua nhà, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và mua nhà lần đầu và nguyên tắc thứ 2, người nhiều tiền phải chịu thuế nhiều hơn người ít tiền.
“Với 2 nguyên tắc đó thì việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất đánh thuế cho BĐS có giá trị 700 triệu đồng trở lên, không kể ngôi nhà thứ nhất hay thứ hai thì tôi không đồng tình. Tôi chỉ đồng ý đánh thuế đất chứ không đánh thuế tài sản trên đất. Đánh thuế vào đất là điều hợp lý và đúng theo thông lệ quốc tế, nhiều quốc gia cũng chỉ đánh thuế người dân trên giá trị của đất hoặc quyền sử dụng đất”, ông Hiếu cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, |
Theo phân tích của vị chuyên gia kinh tế này, tài sản trên đất đó là nhà thương mại, nhà ở do người dân dùng tiền thu nhập của mình để mua tài sản đó. Thu nhập đó có được đã đóng thuế TNCN, chủ sử dụng lao động đã đóng thuế TNDN, nếu người dân dùng tiền công tiền lương là khoản thu nhập đã chịu thuế để mua nhà thì lại một lần nữa phải chịu thuế đánh vào bất động sản. Như vậy đánh thuế bất động sản đó là đánh thuế kép.
“Bộ Tài chính đưa ra mức thuế suất 0,4% trên giá trị tài sản là số tiền rất lớn, khi đánh thuế giá trị đất thì thuế suất cao hơn từ 1-5%. Nếu tính tổng cộng cả tài sản mà phải chịu mức chịu thuế như thế sẽ là khó khăn cho những người thu nhập thấp. Vì thế không đánh thuế trên tài sản xây dựng trên đất mà chỉ đánh thuế ở giá trị của đất”, ông Nguyễn Chí Hiếu nói.
Mặc dù cho rằng, việc đánh thuế tài sản sẽ tạo ra nguồn thu tốt cho Chính phủ, hoặc mỗi khi có cơn sốt đất, việc đánh thuế càng mạnh cũng có khả năng làm giảm hiện tượng đầu cơ, giảm nhiệt ở những nơi có cơn sốt, tuy nhiên nhưng ông Hiếu vẫn không đồng tình với phương pháp đánh thuế tài sản mà Bộ Tài chính đề xuất.
“Thuế VAT tăng từ 10 lên 12%, tăng thuế môi trường đối với xăng dầu… tất cả những loại thuế này sẽ tác động trực tiếp tới người dân. Thay vì nộp thuế, người dân chi tiêu, mua sắm sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất, phát triển kinh tế. Vì vậy nên xem xét lại đề xuất đánh thuế ngay từ ngôi nhà đầu tiên của người dân khiến người ta có cảm giác “sưu cao thuế nặng”, ông Hiếu nói.