Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp tuyên bố cam kết sẽ tìm cách giải quyết những khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề Iran. Điều khiến lo ngại là ông Trump “rất khó đoán” nên có thể thay đổi ý kiến.
“Chúng tôi mong muốn từ nay có thể cùng làm việc để đưa ra thỏa thuận mới với Iran”.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Nhà Trắng ngày 24-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một “thỏa thuận mới” củng cố hơn nữa thỏa thuận Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) và phù hợp với mong muốn của ông Trump, như chương trình phát triển tên lửa đạn đạo hay ảnh hưởng gia tăng của Iran trong khu vực.
Thỏa thuận mới rộng hơn, mang tầm khu vực
Tổng thống Pháp giải thích thêm: “Chúng ta có thể hợp tác và tôn trọng chủ quyền các nước trong khu vực. Đây không phải sự can thiệp, thay vào đó là xây dựng một khuôn khổ ổn định góp phần tiếp tục duy trì ổn định và kiến tạo hòa bình. Và tôi cho rằng đây là những gì chúng tôi đã nhất trí hôm nay. Đó không phải là chuyện xé bỏ một thỏa thuận để không đi đến đâu. Chúng ta tạo dựng một thỏa thuận mới rộng hơn có thể giải quyết mọi quan ngại của chúng ta”.
Đài BFMTV cho rằng ông Macron đã “ghi dấu” đối với người đồng cấp Mỹ vốn trước đó khăng khăng rời khỏi thỏa thuận đã ký hồi năm 2015 dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.
Nhưng cũng cần thấy rằng, ngay trước khi đặt chân lên đất Mỹ, ông Macron từng cảnh báo “không có kế hoạch B” cho thỏa thuận đã ký kết này vốn được thế giới đánh giá mang tính lịch sử.
Nay theo nhà lãnh đạo Pháp, thỏa thuận mới này sẽ đề cập đến “các vấn đề của khu vực”, trong đó có cả vấn đề Syria và tên lửa đạn đạo của Iran chứ không chỉ gói gọn trong các vấn đề hạt nhân.
Tổng thống Macron cũng cho biết chi tiết về những trụ cột chính trong cách tiếp cận mới mà Pháp muốn thông qua và chính xác những gì Tổng thống Trump đã nói.
Đó là vấn đề hạt nhân trong ngắn hạn, trong dài hạn, hoạt động nghiên cứu và sản xuất tên lửa đạn đạo và sự hiện diện trong khu vực của Iran, trong đó Syria là một phần trong trụ cột thứ 4.
Ông Trump và ông Macron cụng ly trong quốc yến tổ chức tối 24-4 ở Nhà Trắng – Ảnh: REUTERS
Theo ông Macron, các nước cần phải tìm kiếm một thỏa thuận công bằng để thay đổi tình hình hiện nay. Đây là cách duy nhất để duy trì chủ quyền trong khu vực và kiến tạo hòa bình trong dài hạn, bởi nếu không chắc chắn khu vực này sẽ tràn ngập các nhóm khủng bố mới.
Theo đài BFMTV, các nguồn tin thân cận của Tổng thống Macron cho rằng ông đã buộc đối tác phải suy nghĩ lại về quan điểm cứng rắn của mình và thế đã là “một tiến bộ”.
Ông Trump “khó đoán”
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ tuyên bố lấp lửng tại cuộc họp báo: “Chúng ta sẽ thấy chuyện gì sẽ xảy ra sau ngày 12-5 tới”.
Rồi ông cũng kèm theo cảnh báo “nếu Iran đe dọa chúng tôi thì họ sẽ phải trả cái giá mà rất ít quốc gia từng trải qua”.
Dẫu sao, tại cuộc họp báo ông cũng công khai nói về một thỏa thuận mới rộng hơn với các nền tảng vững chắc hơn và cũng không quên nhắc lại về thỏa thuận “nực cười” đã ký thời ông Obama.
Đài BFMTV trong khi đó nhận định rằng ông Trump vốn là một người khó đoán, và thời gian qua đã cho thấy ông vẫn có thể thay đổi ý kiến sau tuyên bố của mình.
Cho dù ông Macron có tạo tác động thì theo BFMTV, vị cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, với quan điểm cứng rắn, hoàn toàn có thể góp ý với lãnh đạo mình theo chiều hướng ngược lại.
Truyền thông nhận định trong hơn một ngày qua ở Mỹ, Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Trump nhiều lần thể hiện sự thân tình qua chững cú bắt tay, vỗ vai… dù hai người chênh lệch tuổi tác đến 30 năm – Ảnh: REUTERS
Trả lời trên đài BFMTV, bà Nicole Bacharan – chuyên gia về chính trị Mỹ, cho rằng nên thận trọng với các tuyên bố của cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp: “Liệu ông Donald Trump có hứa giữ lại thỏa thuận cũ? Không hề. Chưa kể hiện nay chỉ Mỹ và Pháp thể hiện ý định muốn thương lượng lại”.
Trong thỏa thuận đã ký kết còn có Iran, Đức, Nga, Anh và Trung Quốc.
Iran thì đã tuyên bố sẽ không đàm phán lại, và sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Ông Rob Malley – cựu cố vấn của ông Obama và hiện là Chủ tịch của Nhóm khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group), cũng nhìn nhận rằng tầm mức của phát biểu của ông Trump và ông Macron có “giới hạn của nó”.
“Nếu ông Trump đồng ý tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran đã có và nếu số phận của thỏa thuận này không phụ thuộc vào kết quả của những đàm phán cho một thỏa thuận mới riêng biệt, rộng hơn (và cũng khó thành) với Iran (…) thì điều đó còn có nghĩa gì đó”, ông Malley nhận định trên tài khoản Twitter của mình. “Đương nhiên nhận định này là dựa trên rất nhiều chữ ‘Nếu’”.
Mà nói theo ngạn ngữ Pháp thì “Với những chữ Nếu, người ta có thể bỏ Paris trong một cái chai”.