Sunday, May 5, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 14/05/2018

Bản tin Biển Đông ngày 14/05/2018

Bản tin Biển Đông ngày 14/05/2018.

ASEAN và “sự cân bằng mềm”: đã đến lúc đưa Biển Đông trở thành vùng biển hoà bình?

Ngày 12/5, tạp chí The Strait Times đăng bài viết “ASEAN và sự cân bằng mềm: đã đến lúc đưa Biển Đông trở thành vùng biển hoà bình” của T.V.Paul, Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Tác giả bài viết cho biết các quốc gia thành viên của ASEAN đang theo đuổi chiến lược phần lớn dựa trên “sự cân bằng mềm” và hợp tác hữu nghị với TRung Quốc trong vòng 3 thập kỷ qua. Cân bằng mềm được thực hiện thông qua các cơ chế thể chế chẳng hạn như Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + cùng với các cuộc đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Paul cho rằng có những lo ngại gần đây rằng những nỗ lực cân bằng mềm chưa đem lại được những kết quả cụ thể, do đó khẳng định rằng đã đến lúc cần đưa Biển Đông trở thành một khu vực hoà bình dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, đồng thời khuyến khích các nước lớn như Trung Quốc và Mỹ khẳng định sự tôn trọng đối với hoà bình và ổn định ở khu vực này, với các biện pháp xây dựng lòng tin và cam kết kiểm soát vũ trang. Một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng song đó chỉ là một trong những văn kiện nhằm hình thành nên một khu vực Biển Đông hoà bình, ngăn chặn các vụ va chạm, các hành động quân sự hoá, tự do hàng hải…

Có gì trong cuộc tuần tra chung trên biển giữa Philippines và Nhật Bản ở khu vực gần Biển Đông?

Ngày 12/5, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Có gì trong cuộc tuần tra chung trên biển giữa Philippines và Nhật Bản ở khu vực gần Biển Đông?” của nhà báo Prashanth Parameswaran. Tác giả cho hay, việc Philippines và Nhật Bản cùng tổ chức tập trận chung trên một khu vực ở gần Biển Đông mới đây cho thấy hai nước này đang thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong bối cảnh có những diễn biến phức tạp trên biển. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Philippines và Nhật Bản đều đã có những bước phát triển quan trọng trên nhiều khía cạnh, không chỉ hỗ trợ và chuyển giao trang thiết bị phòng thủ mà còn trong lĩnh vực xây dựng năng lực. Từ lâu, Nhật Bản đã có nhiều hỗ trợ cho việc huấn luyện lực lượng quân sự của Philippines. Ông Parameswaran cho biết, một trong những khu vực được quan tâm trong quan hệ hợp tác này là Biển Đông, nơi Trung Quốc vẫn đang ngang nhiên tiếp tục các hành động quân sự hoá của họ, gây ra những lo ngại nghiêm trọng đối với khu vực. Ông khẳng định, sự hợp tác giữa hai nước thời gian vừa qua đã thể hiện đáng kể mức độ của các hoạt động đang diễn ra ở Biển Đông giữa các nước đồng minh và đối tác, vai trò của các nước lớn như Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh cũng như khía cạnh phòng thủ trong quan hệ song phương giữa hai nước Nhật Bản và Philippines.

Học giả Philippines kêu gọi Chính phủ không nên xem khả năng quân sự là rào cản đối với việc phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 13/5, trang Inquirer đưa tin, mới đây, liên quan đến việc Trung Quốc ngang nhiên bố trí các cơ sở quân sự trên các cấu trúc tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở Trường Sa, ông Dindo Manhit, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Stratbase Albert del Rosario, Philippines cho rằng động thái mới nhất này của Trung Quốc chính là lời cảnh tỉnh cho Chính phủ Philippines rằng cần phải xem xét lại chính sách đối ngoại mà nước này đang triển khai trong quan hệ với Trung Quốc. Ông cáo buộc rằng việc nước này lắp đặt tên lửa một cách bất hợp pháp ở một trong bảy cấu trúc thuộc Trường Sa đã gây leo thang căng thẳng ở Biển Đông, sau một thời gian dài biến đổi một cách trái phép các khu vực tranh chấp thành các căn cứ quân sự. Ông cho rằng Chính phủ cần hành động mạnh mẽ hơn thay vì né tránh Trung Quốc và đưa ra lý do rằng Philippines không có đủ khả năng quân sự để đối phó trong trường hợp.

Mỹ cần ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 12/5, Fox News đăng bài viết “Mỹ cần ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông” của Harry J. Kazianis, Tổng biên tập Tạp chí The National Interest. Trong bài viết, tác giả nhận định rằng, với tình hình Bắc Triều Tiên đang là tâm điểm chú ý của khu vực Châu Á, dư luận quốc tế đã không còn chú ý nhiều đến những diễn biến ở Biển Đông, nguyên nhân chính gây ra căng thẳng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trước khi căng thẳng Bắc Triều Tiên bắt đầu leo thang. Trong khi đó, Trung Quốc gần như đã hoàn tất chương trình xây dựng, cải tạo các cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông, bố trí một loạt các tên lửa đối hạm và đối không ở khu vực, nhanh chóng từng bước kiểm soát khu vực nhằm củng cố yêu sách lãnh thổ phi lý của nước này ở khu vực. Mục tiêu này của Trung Quốc hoàn toàn có thể thấy được rõ trong một loạt các hành động củng cố các yêu sách thái quá trên các bản đồ, hộ chiếu, tập trận quân sự, trợ cấp cho các đội tàu cá quy mô lớn và sử dụng lực lượng quân dân hùng mạnh trên biển. Tác giả cảnh báo, Trung Quốc đang gửi một thông điệp rõ rằng Mỹ và các nước khác có tuyến đường đi qua Biển Đông rằng: nếu đến quá gần bờ biển và lãnh thổ của Trung Quốc, hoặc thậm chí là Đài Loan, các nước này sẽ phải một giá rất đắt. Tuy nhiên, ông thấy rằng chiến lược của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm giải quyết thách thức Biển Đông gần như vẫn giống với chiến lược của người tiền nhiệm – Tổng thống Barack Obama, bao gồm tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông. Những hành động này vẫn không có tác dụng kiềm chế những hành động phi lý gây tổn hại đến hiện trạng ở khu vực bởi các đảo nhân tạo và các công trình trên đó đã được “cố định”, trong khi việc triển khai các lực lượng hải quân của Mỹ chỉ mang tính “nhất thời” và “nhanh chóng”. Trong bối cảnh đó, tác giả kêu gọi chính quyền Mỹ cần bắt đầu xây dựng một chiến lược toàn diện nhằm đẩy lùi các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, hợp tác với các nước trong khu vực nhằm tìm ra giải pháp nhằm đối phó với Trung Quốc và ngăn chặn sự bùng nổ một cuộc xung đột quân sự ở khu vực.

Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu sân bay nội địa thử nghiệm nhằm phô trương sức mạnh quân sự

Trang The Japan Times đưa tin, theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, sáng ngày 13/5, lần đầu tiên nước này đã đưa tàu sân bay nội địa “Loại 001A” nặng 50.000 tấn mét khối xuất phát từ Dalian, phía Đông Bắc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng hải quân nước này ra Thái Bình Dương. Đây là tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc và là chiếc đầu tiên tự đóng trong nước. Một trong những khác biệt cơ bản giữa tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay Loại 001A là trong khi tàu sân bay đầu tiên là nhằm phục vụ mục đích huấn luyện, tàu sân bay thứ hai lại được sử dụng làm phương tiện tác chiến tuyến đầu.

Cùng ngày, tờ Trung Hoa Nhật báo cũng bình luận rằng, tàu mới này sẽ triển khai nhiệm vụ “mà một tàu sân bay phải làm: đó là tiến hành tuần tra sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc”. Các hãng truyền thông của Trung QUốc cũng dẫn lời nhiều chuyên gia nói rằng tàu sân bay này nhiều khả năng sẽ được đưa vào sẵn sàng chiến đấu trong hai năm sau khi được chuyển cho hải quân vào cuối năm nay.

The Japan Times nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh chương trình hiện đại hoá quân sự mà đứng đầu là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, việc có thêm tàu sân bay mới sẽ cho phép Trung Quốc có thêm nhiều lựa chọn hơn để khẳng định các yêu sách lãnh thổ của họ ở Biển Đông cũng như ngăn chặn bất cứ động thái tách ly nào của Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới