Friday, May 3, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThấy gì từ một bài báo trên Hoa Nam buổi sáng

Thấy gì từ một bài báo trên Hoa Nam buổi sáng

Ngày 22 tháng 4 năm 2018, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ở Hồng Kông có đăng một bài báo với tiêu đề “Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, lần đầu tiên được đề nghị nối liền mạch” của tác giả Stephen Chen.

 

Tàu của Trung Quốc trong cuộc đối mặt ở bãi đá Scarborough/Hoàng Nham với Philippines trên Biển Đông đầu tháng 4/2012.

Tác giả bài báo muốn người ta biết gì?

Thông qua bài báo, tác giả cung cấp một số thông tin về kết quả của một dự án được Chính phủ Trung Quốc và tỉnh Quảng Tây tài trợ và do một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc tiến hành nhằm đưa ra một đường ranh giới mới ở Biển Đông để phục vụ cho mục tiêu là làm rõ và tăng sức nặng yêu sách của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp, cụ thể:

– Một là, đề xuất một đường ranh giới mới ở Biển Đông. Nhóm nghiên cứu của dự án nối chín đoạn đứt khúc (còn được gọi là đường lưỡi bò hay đường chữ U) thành một đường liền mạch. Đường này bắt đầu từ một vị trí nằm ở cửa Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, đi về phía Nam vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và kết thúc ở phía Đông Nam Đài Loan. Các nhà nghiên cứu tham gia dự án này gọi đường đó là đường ranh giới mới của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một thành viên ẩn danh của nhóm nghiên cứu cho biết nhóm đã nối liền đường đứt khúc chín đoạn trên hệ thống định vị toàn cầu: “Dữ liệu GPS đã chuẩn bị sẵn sàng, có thể cung cấp độ phân giải khác nhau, từ vài km tới vài cm trong trường hợp cần thiết”.

Cơ sở để nhóm nghiên cứu vẽ đường ranh giới mới nói trên là một bản đồ cũ đã được Chính quyền Bắc Kinh công bố vào năm 1951. Trước đó một tháng, trong một báo cáo đăng trên tạp chí chuyên ngành China Science Bulletin (Trung Quốc), một nhóm tác giả ẩn danh cũng đã đưa ra đề xuất nối liền chín nét đứt dựa vào “chứng cứ lịch sử” là bản đồ thất lạc hồi năm 1951.

– Hai là, xác định quyền của Trung Quốc trong đường ranh giới mới ở Biển Đông. Nhóm nghiên cứu khẳng định trong đường ranh giới mới, Trung Quốc có toàn quyền thực thi từ quyền đánh bắt cá, khảo sát và khai thác dầu khí hoặc tài nguyên khoáng sản, cho đến việc xây dựng các căn cứ quân sự với các cảng nước sâu, sân bay.

Các quốc gia khác, trong lúc được “tự do đi lại vô hại” trong đường lưỡi bò mới, sẽ phải xin phép và thảo luận với Trung Quốc nếu cũng muốn thực thi các quyền nói trên.

– Ba là, nhóm nghiên cứu của dự án đang tính toán tổng trữ lượng dầu khí, khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác ở Biển Đông. Một thành viên của nhóm nghiên cứu tuyên bố: “Chẳng bao lâu nữa, chúng tôi sẽ có một ý tưởng rõ ràng về những gì thuộc về chúng tôi ở Biển Đông và những gì không. Điều này cho phép chúng tôi hoạch định và điều phối tốt hơn các nỗ lực để bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta trong khu vực, đồng thời giảm nguy cơ xung đột với các quốc gia khác vì không có đường biên giới trên biển”.

Người ta có thể thấy gì qua bài báo?

Nghiên cứu kỹ những nội dung nêu trong bài báo, người ta có thấy rút ra một số nhận xét:

– Một là, Bắc Kinh không từ bỏ yêu sách đường đứt đoạn trên Biển Đông (còn gọi là yêu sách đường lưỡi bò). Tài trợ cho một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc tiến hành dự án vẽ mới lại đường lưỡi bò đứt đoạn thành một đường liền mạch là một trong những nỗ lực để củng cố yêu sách này của Chính quyền Trung Quốc.

– Hai là, việc vẽ lại tấm bản đồ thể hiện yêu sách đường đứt khúc chín đoạn thành một bản đồ thể hiện đường ranh giới mới ở Biển Đông bằng cách nối liền các đoạn đứt thành một đường liền mạch, không có giá trị gì và cũng không tác dụng gì. Bởi vì cái mà nhóm nghiên cứu gọi là đường ranh giới mới được vẽ ra trên cơ sở yêu sách đường đứt đoạn, một yêu sách đã bị Tòa Trọng tài ở La Haye Hra phán quyết bác bỏ vào tháng 7 năm 2016. Yêu sách cũng đã bị dư luận khu vực và thế giới lên án và phản đối quyết liệt, coi đó là một yêu sách phi lý, ngang ngược, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Khi bình luận về yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc, Giáo sư Mark J. Valencia đưa ra một nhận xét xác đáng:

“Tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông luôn mập mờ và thiếu nghiêm túc, trong đó thiếu nghiêm túc nhất là đường chữ U. Khi được đề nghị giải thích về ý nghĩa của đường ranh giới này, là đường biên giới hay cái gì khác, họ luôn mập mờ rằng, có thể như thế hoặc có thể không. Trên thế giới chẳng có đường nào đứt khúc như vậy”.    

Không chỉ bị dư luận thế giới lên án, ngay một số học giả Trung Quốc cũng thấy sự vô lý và ngang ngược của yêu sách đường chín đoạn. Ông Lý Lệnh Hoa, một nhà nghiên cứu người Trung Quốc đã chỉ ra những ngụy biện và vô lý của Trung Quốc khi đưa ra yêu sách đường chín đoạn:

“Trên thực tế, Trung Quốc chưa từng có bất cứ một văn bản chính thức nào chứng minh được mình có chủ quyền lịch sử với đường chữ U mà Trung Quốc đang đòi hỏi… Nói về tính lịch sử của “chủ quyền trên biển của Trung Quốc”, chúng ta nên nhớ rằng, Trung Quốc là một quốc gia lục địa. Từ xa xưa cho đến tận đời nhà Minh, nhà Thanh, Trung Quốc vốn không quan tâm nhiều đến biển”.

Một đường ranh giới trên biển được vẽ trên cơ sở của đường chín đoạn đã bị bác bỏ và lên án không thể có một giá trị gì. Với kết quả đó, nhóm nghiên cứu chẳng giúp được gì cho Trung Quốc trong việc làm rõ yêu sách chủ quyền và càng không giúp gì cho việc làm tăng sức nặng cho yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

– Ba là, cái gọi là đường ranh giới mới của Trung Quốc trên Biển Đông là kết quả của một dự án nghiên cứu không nghiêm túc. Cơ sở mà nhóm nghiên cứu sử dụng để vẽ đường ranh giới mới trên Biển Đông là một tấm bản đồ cũ mà họ cho là đã được Chính quyền Bắc Kinh công bố năm 1951, đã bị thất lạc và nay đã được tìm thấy. Bản đồ này cho thấy hai đường đen và đỏ, đi sát nhau, và đều có hình dáng tương tự như đường chín đoạn hiện nay. Trong đó đường màu đen có chấm đen thể hiện chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, đường màu đỏ liền mạch là giới hạn cuối cùng thể hiện quyền tài phán của Trung Quốc.Cả hai đường này bao trùm hầu như toàn bộ Biển Đông.

Lý lẽ mà nhóm nghiên cứu sử dụng tấm bản đồ cũ đã bị thất lạc và nay đã được tìm thấy để biện minh cho việc vẽ ra đường ranh giới liền mạch mới là hết sức vô lý. Bởi lẽ, một khi đã được Chính quyền Trung Quốc công bố chính thức thì tấm bản đồ đó không thể bị thất lạc. Chắc chắn nó phải được đưa vào trong các cơ quan lưu trữ của Nhà nước. Như vậy, tấm bản đồ đó chẳng qua chỉ là sản phẩm hoang đường do nhóm nghiên cứu tưởng tượng ra mà thôi.

Ngay trong trường hợp tấm bản đồ cũ đó là có thật thì Bắc Kinh cũng không dám trưng ra với thế giới. Bởi vì, Bắc Kinh hiểu rằng yêu sách chủ quyền đối với vùng biển nằm trong đường đen chấm đen, trùm lên gần như toàn bộ Biển Đông, là điều không thể chấp nhận được. Ngày 7 tháng 5 năm 2009, khi gửi công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 tới Tổng thư ký Liên hợp quốc kèm theo tấm bản đồ đường chín đoạn, Bắc Kinh cũng không dám khẳng định chủ quyền đối với vùng biển nằm trong đường lưỡi bò, mà chỉ dám thể hiện nguyện vọng “được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của vùng biển đó”. Hơn nữa, dù cho có sự tồn tại của tấm bản đồ như vậy thì theo luật quốc tế, nó cũng không có giá trị tuyên bố chủ quyền nếu không được gắn kèm với một hiệp ước, hiệp định nào về biên giới lãnh thổ.

– Bốn là, những người tham gia dự án đường ranh giới trên biển của Trung Quốc không phải là các nhà nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Dựa trên những cơ sở vu vơ, không nghiêm túc, không được ai thừa nhận như yêu sách đường đứt khúc đã bị Tòa Trọng tài La Haye bác bỏ và tấm bản cũ không rõ nguồn gốc để vẽ một đường ranh giới mới trên Biển Đông thì không thể là những nhà khoa học nghiêm túc.

Chẳng những không nghiêm túc, những nhà nghiên cứu này còn là những người có tư tưởng bành trướng. Khi Trung Quốc chưa chiếm được Biển Đông, họ đã tính toán tổng trữ lượng dầu khí, khoáng sản và các tài nguyên khác ở Biển Đông để “hoạch định và điều phối tốt hơn các nỗ lực để bảo vệ lợi ích quốc gia” trong khu vực biển này. Họ coi Biển Đông như đã là ao nhà của mình.

Nhóm các nhà nghiên cứu trong dự án vẽ đường ranh giới mới trên biển còn là những người hoang tưởng khi tuyên bố rằng: đường ranh giới mới sẽ làm “giảm nguy cơ xung đột với các quốc gia khác vì không có biên giới trên biển”. Tức là, khi Trung Quốc xác định đường ranh giới mới trên biển, độc chiếm được hầu hết Biển Đông thì tranh chấp với các nước láng giềng trong khu vực sẽ giảm đi, Biển Đông sẽ thái bình. Có thể khẳng định rằng Trung Quốc không bao giờ có thể độc chiếm được Biển Đông, không bao giờ có thể đơn phương áp đặt được một ranh giới trên biển như các nhà nghiên cứu Trung Quốc đề xuất. Nhân dân và Chính phủ các nước trong khu vực và trên thế giới chắc chắn không cho phép điều đó xảy ra.

– Bốn là, việc công khai đề xuất của các học giả Trung Quốc nối liền các đường đứt đoạn thành đường ranh giới liền mạch là một chiêu trò của Trung Quốc nhằm thông qua kênh học giả để thử dư luận. Nếu dư luận trong khu vực và trên thế giới không lên tiếng phản đối mạnh mẽ, sau này Chính quyền Trung Quốc có thể đưa đường ranh giới mới ở Biển Đông lên bản đồ chính thức.

Đường ranh giới mới trên Biển Đông là một ý tưởng có hại

Ý tưởng về một đường ranh giới mới trên Biển Đông mà nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa ra là hết sức nguy hiểm, có hại cho tất cả các nước. Đường ranh giới này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền chủ quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác lập theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Vùng biển trong đường ranh giới này cũng lấn sâu vào vùng biển của các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines và Brunei.

Chính vì vậy, nếu đường ranh giới mới trên biển chính thức được đưa ra, Trung Quốc chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Tiến sĩ Ian J. Storey, một chuyên gia hàng hải Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Yusof Ishak ở Singapore, cảnh báo: “Nếu Trung Quốc công bố yêu sách của họ ở Biển Đông bằng một đường liên tục nối liền 9 vạch ngang, đó là sự phủ nhận hoàn toàn phán quyết tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài. Động thái này sẽ gây ra mối lo ngại sâu sắc cho các quốc gia ở Đông Nam Á và xa hơn nữa”. Tiến sĩ Collin Koh, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng Trung Quốc sẽ phá hủy mọi thành quả họ đã đạt được đến nay nếu thực hiện dự án này: “Nếu Chính phủ Trung Quốc thực sự muốn làm vậy, một số đồng minh của nước này trong ASEAN sẽ xa lánh, đồng thời tạo thêm nhiều sự can dự hơn của khu vực ở Biển Đông”.

Việc các nhà nghiên cứu Trung Quốc đề xuất đưa ra đường ranh giới mới trên biển là một bằng chứng cho thấy rằng Bắc Kinh chẳng những không từ bỏ yêu sách đường đứt đoạn trên Biển Đông mà còn đang tìm cách củng cố yêu sách này. Tuy vậy, nỗ lực của các nhà nghiên cứu Trung Quốc là vô ích. Những người này không đưa ra được bất cứ cơ sở nào có thể chấp nhận được để biện minh cho cái gọi là đường ranh giới mới ở Biển Đông mà họ tự vẽ ra. Người ta chỉ có thể kết luận rằng: đường ranh giới mới trên Biển Đông chẳng qua là sản phẩm của những con người hoang tưởng. Nếu được Bắc Kinh đưa lên bản đồ chính thức, đường ranh giới mới này chắc chắn sẽ bị cả thế giới lên án và phản đối mạnh mẽ.

RELATED ARTICLES

Tin mới