Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc chiến thương mại Mỹ Trung: Ông Trump lộ yết hầu?

Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung: Ông Trump lộ yết hầu?

Áp đặt hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ làm giảm lòng tin của giới doanh nghiệp, khiến giới đầu tư do dự trước các quyết định rót vốn…

Tâm lý lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bao trùm nước Mỹ

Ngày 6/7, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dường như đã được kích hoạt, bởi ngoài đánh thuế tới 25% vào khối lượng hàng nhập khẩu giá trị 34 tỉ USD của Trung Quốc, Washington còn doạ sẽ tiếp tục bổ sung nếu Bắc Kinh không nhượng bộ.

Trước tình hình đó, tâm lý lo ngại cuộc chiến Mỹ-Trung đã bao trùm lên đời sống kinh tế – xã hội toàn nước Mỹ, từ người dân, doanh nghiệp đến giới hoạch định chính sách và chiến lược.

Theo hãng tin CNN, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn nhìn nhận  nền kinh tế số một thế giới đang rất khả quan và vì vậy đã có kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát ở mức mục tiêu.

Tuy nhiên, trong biên bản cuộc họp được công bố ngày 5/7, Ban điều hành FED đã thể hiện sự lo lắng ngày càng tăng về khả năng chính sách thương mại của chính quyền Trump có thể gây ra nhiều rắc rối với kinh tế Mỹ.

Trong cuộc họp của Ban điều hành FED, các nhà hoạch định chính sách thảo luận về vấn đề “ăn miếng trả miếng” giữa chính quyền Trump với Bắc Kinh, từ đó kích hoạt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, một cuộc chiến được nhận diện là tất cả đều thua.

“Các Thành viên tham gia cuộc họp lưu ý sự thiếu chắc chắn và rủi ro liên quan đến chính sách thương mại đang tăng lên và lo ngại sự thiếu chắc chắn cùng rủi ro đó có thể tác động tiêu cực lên tâm lý doanh nghiệp và chi tiêu đầu tư”, biên bản của FED.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ, từ doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép, nhôm cho đến nông nghiệp, đã tiết lộ với giới chức FED về kế hoạch rút lại khoản đầu tư mở rộng kinh doanh của họ.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về việc lập hàng rào thuế quan và các biện pháp hạn chế thương mại được đề xuất khác, cả ở Mỹ và các đối thủ của Mỹ, có thể tác động bất lợi lên hoạt động đầu tư trong tương lai.

Có thể thấy, việc “ăn miếng trả miếng” giữa Washington và Bắc Kinh trong việc sử dụng hàng rào thuế quan chỉ là một trong hàng loạt tranh chấp thương mại ngày càng mở rộng giữa Mỹ và các nước khác, trong đó có đồng minh truyền thống của Mỹ.

Như vậy, chiến thắng hay gia tăng lợi ích chưa thấy đâu hay còn rất mơ hồ, nhưng thiệt hại cho kinh tế – xã hội Mỹ thì đã nhìn thấy rõ, sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chính thức được khởi phát.

Với hiệu ứng bất lợi từ ngay trong lòng nước Mỹ, Tổng thống Trump sẽ phải dè dặt hơn trong việc áp dụng các biện pháp bổ sung tiếp theo nếu Bắc Kinh không nhượng bộ, và điều đó sẽ khiến Mỹ không thể chiếm ưu thế trước đối thủ.

Cuoc chien thuong mai My Trung: Ong Trump lo yet hau?
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ không có người thắng, mà tất cả đều thua

Tạo ra môi trường giao thương thù địch, Trump lộ yết hầu

Ngày 5/7, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney cảnh báo rằng việc chính quyền Trump lập hàng rào thuế quan với các đối tác thương mại có thể đè nặng tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm, theo CNN.

Ông Carney cho rằng đã có dấu hiệu của một môi trường giao thương thù địch và thiếu chắc chắn, làm giảm nhịp độ hoạt động kinh tế, từ sản xuất – kinh doanh đến hợp tác – đầu tư và dịch vụ – thương mại toàn cầu, do chính sách của Trump tạo ra.

Phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng việc áp dụng thuế quan không phải là một công cụ chính sách thương mại “sáng suốt”, bởi thuế quan đang mất dần vai trò của một công cụ của chính sách thương mại quốc gia.

Thuế quan phần lớn đều là “di sản” của thế kỷ 19 và thế kỷ 20 mà hầu hết chuyên gia cho rằng có tác động tiêu cực tới tất cả quốc gia liên quan, vì thuế quan làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu và cho phép các nhà sản xuất trong nước có cơ hội tăng giá.

Thuế quan tuy có có tác dụng tích cực đối với sản xuất trong nước nhưng ảnh hưởng bất lợi tới hầu hết các lĩnh vực khác.

Giá cả tăng tác động xấu tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh phụ thuộc vào thiết bị, linh kiện nhập khẩu.

Các nhà kinh tế cho rằng rào cản thương mại khiến kinh tế Mỹ hoạt động kém hiệu quả. Trước sức cạnh tranh suy giảm từ các hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp không còn nỗ lực sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) của The Economist nhận định việc áp đặt hàng rào thuế quan và phi thuế quan khó tránh khỏi làm giảm lòng tin của giới doanh nghiệp, khiến giới đầu tư do dự trước các quyết định rót vốn.

Như vậy, rõ ràng một môi trường kinh tế hoàn toàn không thuận lợi cho kinh tế toàn cầu khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới được kích hoạt, bắt đầu bằng chính sách bảo hộ mậu dịch của Trump.

Cuoc chien thuong mai My Trung: Ong Trump lo yet hau?
Tập đoàn SoftBank Group Corp chào mừng Trump bằng kế hoạch “50 tỷ USD và 50.000 việc làm”

Điều này trở thành “yết hầu” của chính quyền Trump. Sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 57, ông Trump được giới đầu tư kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho kinh doanh, bởi ông là vị tổng thống doanh nhân.

Chính vị tỷ phú bất động cũng cam kết điều đó, vì phù hợp với khát vọng “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông và mọi hành động đều theo phương châm “nước Mỹ trước tiên”.

Để hiện thực hoá khát vọng, Tổng thống Trump được nhận diện là sẽ có 3 kiểu hành động.

Một là làm gia tăng lợi ích ngay tại nước Mỹ.

Hai là ngăn chặn đối thủ mang lợi ích ra khỏi nước Mỹ. Ba là khơi dòng lợi ích chảy mạnh về Mỹ.

Giới đầu tư đã rất hào hứng với sự đổi thay tại nước Mỹ, nên đã có những màn chào mừng chiến thắng của Trump không thể ấn tượng hơn, mà trong số đó có Tập đoàn SoftBank Group Corp với kế hoạch “50 tỷ USD và 50.000 việc làm”.

Các chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực kinh tế đều có chung một nhận định là kinh tế Mỹ đạt được những kỷ lục vô tiền khoáng hậu ngay trong năm đầu tiên dưới chính quyền Trump là nhờ hiệu ứng tích cực của một môi trường kinh doanh mới.

Tuy nhiên, với chính sách bảo hộ mậu dịch mang tính cực đoan, trong đó thuế quan được sử dụng là công cụ mũi nhọn, Tổng thống Trump đã làm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sản xuất – kinh doanh và hợp tác – đầu tư tại nước Mỹ.

Dường như Tổng thống Trump đặt trọng tâm vào việc giữ lại lợi ích Mỹ, nên đã xem nhẹ việc gia tăng lợi ích ngay tại nước Mỹ và khơi dòng lợi ích chảy về Mỹ. 

Điều này làm cho các biện pháp của Trump có nguy cơ khiến nước Mỹ mất nhiều hơn được.

RELATED ARTICLES

Tin mới