Friday, April 26, 2024
Trang chủĐàm luậnPhương Tây hãy tự soi mình

Phương Tây hãy tự soi mình

Trung Quốc trong bốn thập niên qua đã trỗi dậy mạnh mẽ. Thực tế này đang dần làm thay đổi quan niệm: chỉ có các nền dân chủ tự do mới có khả năng mang lại không chỉ tự do mà còn sự phát triển kinh tế vượt trội và bền vững. Chắc chắn là hồ sơ cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1949 đến nay là một sự pha trộn.

Những thành tựu kinh tế của Trung Quốc từ năm 1979 đến nay là chủ đề được tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia. Thí dụ, làm cách nào để có thể tính toán được hết các phí tổn vì suy thoái môi trường thảm khốc, kế hoạch hóa gia đình triệt để và sự bất bình đẳng thu nhập tăng cao của Trung Quốc? Đối với những người ít thông tin, nhất là những người thất vọng với cơ sở hạ tầng ngày một xuống cấp, tăng trưởng trì trệ và chính trị bản sắc mang tính hủy hoại của các nền dân chủ tiên tiến, sức hấp dẫn của chế độ một đảng hiệu quả đơn giản là không thể cưỡng lại được.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đe dọa một hệ thống toàn cầu khác hiện thân cho tư tưởng tự do: một chế độ thương mại thế giới được xây dựng trên nguyên tắc mở và có đi có lại. Trong quá trình toàn cầu hóa Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất. Và sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không thể diễn ra nếu quốc gia này không tiếp cận được các thị trường toàn cầu một cách hầu như không giới hạn.

Trung Quốc bảo vệ thị trường rộng lớn trong nước và phát triển nhanh chóng của mình trong khi hưởng quyền tiếp cận gần như không bị cản trở đối với thị trường các đối tác thương mại. Các doanh nghiệp nhà nước được độc quyền một số ngành sinh lợi bậc nhất trong nước, như ngân hàng, dịch vụ tài chính, viễn thông, năng lượng và giao thông vận tải. Trợ cấp nhà nước cho phép các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả vẫn tồn tại. Trong trường hợp ngành thép, thị trường toàn cầu bị ngập lụt bởi sản lượng dư thừa của Trung Quốc. Sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với Internet cũng đã ngăn cản các công ty công nghệ phương Tây thâm nhập thị trường nước này.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đặt ra một mối đe dọa thậm chí còn mạnh hơn đối với trật tự kinh tế tự do toàn cầu được đặt trên nền tảng là các tổ chức tài chính quốc tế do phương Tây dẫn dắt như Ngân hàng Thế giới. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã bắt đầu thực hiện một chiến lược dài hạn để thách thức trật tự này.

Trung Quốc đã thành lập hai tổ chức đối thủ tiềm tàng của Ngân hàng Thế giới: Ngân hàng Phát triển mới và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á. Nếu thành hiện thực, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đầy tham vọng, được tài trợ bằng các khoản vay khổng lồ, sẽ tăng cường đáng kể ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh trong khi có thể khiến nhiều nước ngập trong nợ nần.

Cuối cùng, sự trỗi dậy của Trung Quốc thách thức trật tự an ninh toàn cầu được hậu thuẫn bởi sự tuân thủ luật pháp quốc tế và sự thống trị quân sự của Mỹ. Khu vực Đông Á đã cảm nhận được tác động tức thời nhất của mối đe dọa này. Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc tiếp tục phát triển, nước này đã bắt đầu khoa trương cơ bắp và thách thức luật pháp quốc tế.

Điển hình là việc Bắc Kinh tăng cường xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở các vùng tranh chấp thuộc Biển Đông và sự bác bỏ hoàn toàn một phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực LHQ tại La Haye hồi tháng 7/2016 rằng, các yêu sách biển của Trung Quốc không có cơ sở luật pháp quốc tế nào.

Thời gian qua Trung Quốc ráo riết thiết lập một “Khu vực nhận diện phòng không” ở Biển Hoa Đông, bắt nạt Hàn Quốc sau khi nước này đồng ý triển khai một hệ thống phỏng thủ tên lửa của Mỹ, gây áp lực ngoại giao không ngừng lên Đài Loan và hỗ trợ cho các chế độ phi tự do ở Campuchia, Thái Lan và Malaysia (ít nhất là trước cuộc bầu cử gần đây). Điều này cho thấy Trung Quốc không chỉ cậy mạnh ép yếu mà còn coi Đông Á là một khu vực ảnh hưởng chính đáng của mình.

Nếu không có sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Á thì Trung Quốc sẽ thỏa sức giành quyền bá chủ khu vực, chưa nói tới việc mở rộng quyền lực quân sự ra ngoài khu vực. Tuy nhiên, một khi năng lực quân sự của Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ; khi Trung Quốc có thể công khai thách thức luật pháp, các thỏa thuận và chuẩn mực quốc tế thì điều gì có thể ngăn Trung Quốc khỏi hành xử như một siêu cường “bất hảo”?

Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, nó mang theo hệ tư tưởng của các nền kinh tế nhà nước. Ý thức hệ thị trường tự do đã chiến thắng vào thời điểm đó. Đây là lý do tại sao Trung Quốc đã nhiệt tình đón nhận thị trường tự do. Đất nước đã mang lại sự cải thiện lớn nhất về phúc lợi cho con người mà lịch sử thế giới từng chứng kiến, đưa gần một tỷ người thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực.

Sai lầm nghiêm trọng của phương Tây vào thời điểm này là tin rằng dân chủ tự do và thị trường tự do là một thỏa thuận trọn gói phải đi cùng nhau. Không phải vậy. Điều thú vị là hiệu quả tương phản của Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm 1980 đã chứng minh rõ cho điều này. Trung Quốc vẫn là một hệ thống chính trị khép kín nhưng nền kinh tế của nó đã cất cánh sau khi Đặng Tiểu Bình loại bỏ một số rào cản đến từ sự kiểm soát của nhà nước.

Ấn Độ có một hệ thống chính trị mở nhưng nền kinh tế lại kém hiệu quả, dẫn đến khủng hoảng tài chính Ấn Độ năm 1991, do sự can thiệp quá mức của nhà nước. Nền kinh tế Ấn Độ chỉ cất cánh vào những năm 1990 khi Manmohan Singh cũng loại bỏ một số xiềng xích do nhà nước đặt ra.

Hành động tự sát đầu tiên của các nền dân chủ tự do là tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các nhà lãnh đạo dân túy như Donald Trump và sự hình thành các chính phủ dân túy ở các nước như Ý. Hơn bất kỳ lý do nào khác, đây chính là nguyên nhân tại sao ngôi sao tư tưởng tự do đang mất đi ánh hào quang của mình.

Nhưng Trung Quốc không thể giết chết ý thức hệ tự do. Họ cũng không muốn làm như vậy. Giới cầm quyền ở Trung Nam Hải biết rất rõ rằng, trong một thế giới toàn cầu hóa nhỏ bé, sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và châu Âu liên quan đến sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Không giống như phương Tây, Trung Quốc không có động lực nào để xuất khẩu ý thức hệ của mình ra thế giới. Trung Quốc đã khôn ngoan tin rằng những gì hiệu quả ở Trung Quốc có thể không hiệu quả ở phương Tây hay những nơi khác như Ấn Độ hay Indonesia, hai nước châu Á vốn đều là các nền dân chủ sống động.

Phương Tây do đó đang tạo ra một sai lầm chiến lược nếu cảm nhận Trung Quốc như là một mối đe dọa đối với hệ tư tưởng tự do. Khi làm như vậy, phương Tây chỉ tìm kiếm một vật tế thần để tránh nhìn vào những vết thương tự mình gây ra.

Câu hỏi quan trọng mà các bộ óc phương Tây cần đặt ra lại khá đơn giản: làm thế nào mà sự hiệu quả tương đối vượt trội của các xã hội phương Tây trong nửa sau của thế kỷ 20 lại bị thay thế bởi sự kém hiệu quả trong thế kỷ 21?

Câu trả lời sẽ không đến từ việc nhìn vào và soi xét Trung Quốc. Xưa nay, tư tưởng bất biến của Trung Quốc là: Mèo trắng hay mèo đen chẳng cần biết, miễn là bắt được chuột!

Vậy câu trả lời đến từ việc phương Tây hãy tự soi mình trước gương.

RELATED ARTICLES

Tin mới