Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPakistan đang dối lòng về TQ?

Pakistan đang dối lòng về TQ?

Thủ tướng Pakistan đánh giá lạc quan về hợp tác kinh tế với Trung Quốc giữa lúc nước này sắp phải nhờ IMF cứu giúp để trả nợ.

Ngậm bồ hòn?

Thủ tướng Pakistan Imran Khan ngày 8/10 khẳng định quan hệ song phương vững mạnh với Trung Quốc là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Islamabad.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan đưa ra bình luận trên khi chủ trì cuộc họp Nội các và thảo luận về chuyến công du đầu tiên của ông đến Trung Quốc vào tháng tới, nơi ông sẽ thảo luận các vấn đề liên quan dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).

Theo nhà lãnh đạo này, việc sớm triển khai các dự án trong CPEC sẽ không chỉ giúp phát huy tiềm năng thực sự của mối quan hệ kinh tế giữa Pakistan và Trung Quốc mà cho cả khu vực.

Ông Khan cho hay Pakistan đang rà soát lại các dự án trong khuôn khổ CPEC để đảm bảo lợi ích của người dân ở khu vực Balochistan, những người cho rằng các dự án này không mang lại lợi ích gì cho họ.

Giới phân tích gọi Trung Quốc là đồng minh “mọi thời tiết” của Pakistan. Hai nước đã khởi động dự án CPEC gây tranh cãi trị giá 50 tỷ USD này năm 2015.

Bất chấp sự lạc quan của ông Khan, cùng ngày 8/10, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Asad Umar cho biết nước này sẽ khởi động các cuộc đàm phán với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm tìm kiếm một gói cứu trợ giúp ổn định nền kinh tế và nguồn dự trữ đang suy giảm.

Tuy nhiên, Mỹ, một trong những cổ đông lớn nhất của IMF, đã bày tỏ lo ngại khoản tiền hỗ trợ từ IMF có thể được Pakistan dùng để trả nợ Trung Quốc.

Trong một đoạn ghi hình đăng tải trên Facebook và Twitter, Bộ trưởng Umar cho biết Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã quyết định bắt đầu đàm phán với IMF sau khi tham vấn các chuyên gia kinh tế hàng đầu. Theo ông Umar, mục đích chính của các cuộc đàm phán sẽ là một “chương trình khôi phục ổn định” nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Pakistan.

Pakistan dang doi long ve Trung Quoc?
Người dân Pakistan biểu tình phản đối tình trạng nợ công của đất nước

Ông Umar cũng lưu ý, với chương trình này của IMF, Chính phủ Pakistan sẽ cố gắng giảm thiểu tác động đối với các tầng lớp có thu nhập thấp, trong khi chuyển gánh nặng sang cho những người giàu.

Dự kiến, Bộ trưởng Tài chính Pakistan sẽ dẫn đầu một đoàn đại biểu tham dự khóa họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Bali, Indonesia từ ngày 12-14/10, nơi ông sẽ khởi động đàm phán sơ bộ về gói cứu trợ trên.

Đánh giá sơ bộ cho thấy Islamabad cần 11,7 tỷ USD để thanh toán nợ nước ngoài trong tài khóa 2018-2019. Trước đây, Pakistan cũng thường xuyên cần đến sự hỗ trợ của IMF. Lần gần đây nhất vào năm 2013, Pakistan đã vay của IMF 6,6 tỷ USD nhằm giải quyết một cuộc khủng hoảng tương tự hiện nay.

Ngoại giao bẫy nợ

Thủ tướng Imran Khan lên nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 25/7 vừa qua. Ông đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức để dẫn dắt quốc gia với 206 triệu dân này, trong số đó có “điểm yếu về ngân sách” khiến Pakistan ngày càng xích lại gần Trung Quốc.

Giới phân tích quốc tế đang bày tỏ lo ngại về nguy cơ trong ngắn hạn Pakistan sẽ rơi vào “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh, đồng thời cho rằng sự gần gũi về kinh tế với Trung Quốc (với tư cách là chủ nợ) sẽ gây thiệt hại cho nặng nề cho đối tác Pakistan (ở vị trí là con nợ).

Theo đánh giá, Trung Quốc đã dần dần thay thế Nhật Bản trở thành người cho vay hàng đầu của Islamabad, với nhiều khoản vay lên đến hàng tỷ USD, song điều kiện cho vay “luôn gây bất lợi” cho tài chính công vốn đang thâm hụt nghiêm trọng của Pakistan.

Sự thiếu hụt nguồn tài nguyên trong nước, cộng với sự khan hiếm nguồn vốn từ bên ngoài – chủ yếu là do uy tín của Pakistan ngày càng giảm sút – theo thời gian đã biến Trung Quốc thành đồng minh chiến lược “tự nhiên” của Pakistan. Điều này đặc biệt rõ ràng hơn trong lĩnh vực vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà quốc gia đông dân thứ 2 ở Nam Á – nơi mà Trung Quốc có tham vọng được tài trợ cho các dự án công nghiệp và năng lượng – đang đối mặt.

Pakistan dang doi long ve Trung Quoc?
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được sử dụng thoải mái tại một cửa hàng ở Quetta, Pakistan

Trong trường hợp cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài và nguồn tài trợ khan hiếm, Pakistan có thể dễ dàng “ngã vào” lượng tiền mặt dồi dào của Trung Quốc và tham gia một chuỗi các dự án năng lượng-công nghiệp thuộc dự án Con đường tơ lụa mới đầy tham vọng của Bắc Kinh, hay còn gọi là sáng kiến “Vành đai Con đường” (BRI).

Là một phần của BRI với dự án đang gây nhiều tranh cãi, CPEC có tổng chi phí đầu tư hơn 60 tỷ USD. Đối tác Trung Quốc luôn là bên cung cấp hơn 70% nguồn tài chính cho dự án và Bắc Kinh cũng luôn đề ra các điều kiện có lợi nhất cho mình so với đồng minh chiến lược Pakistan.

CPEC bao gồm nhiều dự án lớn, trong đó nổi bật nhất là dự án Cảng nước sâu và Đặc khu kinh tế Gwadar bên bờ biển Baluchistan, đã được giao cho một doanh nghiệp Trung Quốc quản lý từ năm 2015 với một hợp đồng thuê dài hạn (43 năm).

Bắc Kinh hỗ trợ nguồn tài chính khổng lồ cho Islamabad trong bối cảnh nền kinh tế Pakistan đang trong tình trạng khá “mong manh”, thậm chí ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của nước này ở mức 4,7% – mức tăng trưởng được coi là hoàn toàn phù hợp – trong 3 năm trở lại đây.

Pakistan dang doi long ve Trung Quoc?
Giới phân tích lo ngại Pakistan vay tiền IMF để trả nợ Trung Quốc

Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá nền kinh tế Pakistan có sức khỏe “không tốt” khi Ngân hàng Nhà nước Pakistan đang nợ nước ngoài ở mức đáng lo ngại (khoảng 92 tỷ USD) và mức nợ này có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Các chuyên gia còn cho rằng nền kinh tế Pakistan “đầy rủi ro” khi dự trữ ngoại hối nước này hiện chỉ tương đương với 2 tháng nhập khẩu và nợ công ở mức “không thể chấp nhận được”.

Thủ tướng Pakistan bày tỏ lạc quan về CPEC trong bối cảnh không ít quốc gia trong khu vực gần đây đã bắt đầu tỏ rõ sự lo ngại về các khoản nợ đối với Trung Quốc. Tháng 11/2017, Nepal đã hủy việc xây dựng một đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ và thực hiện, được ký kết theo sáng kiến của Bắc Kinh.

Đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính Myanmar cũng thông báo sẽ xem xét hạ thấp mức đầu tư vào dự án cảng Kyaukphyu ở Arakan do công ty Trung Quốc Citic Group phát triển, để tránh ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia.

Gần đây nhất, ngày 21/8, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad chính thức hủy 2 siêu dự án tốn kém do Trung Quốc cung cấp tài chính là Dự án Đường sắt Vành đai phía Đông và Dự án Đường ống dẫn khí Trans-Sabah với lý do phải nhanh chóng giảm nợ công quốc gia để tránh một khoản thanh toán mặc định có thể xảy ra.

Bản thân Pakistan hồi 12/2017 cũng đã hủy việc nhận tài trợ của Trung Quốc để xây dựng một thủy điện lớn (4.500 MW) với chi phí được cho là lên tới 14 tỷ USD.

RELATED ARTICLES

Tin mới