Monday, September 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ có can thiệp bầu cử Mỹ như lời Trump nói?

TQ có can thiệp bầu cử Mỹ như lời Trump nói?

Sau khi tố Trung Quốc tìm cách can thiệp bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông Trump lại bất ngờ cáo buộc Bắc Kinh can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tố Trung Quốc tìm cách can thiệp cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Điều này sau đó cũng được đề cập một lần nữa trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence tại Viện Hudson.

Trong chương trình phỏng vấn “60 phút” hôm 14/10 vừa qua trên CBS, Tổng thống Trump lại một lần nữa nói về việc Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ. Nhưng lần này bất ngờ hơn, khi ông nói rằng, Trung Quốc đã tìm cách can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Vì sao Trump tố Trung Quốc can thiệp bầu cử

Trong bài phát biểu của mình tại Viện Hudson ngày 4/10, Phó Tổng thống Mike Pence nói rằng, Trung Quốc đã “khởi xướng một nỗ lực chưa từng thấy nhằm gây ảnh hưởng tới quan điểm dư luận Mỹ, cuộc bầu cử 2018 và môi trường dẫn tới cuộc bầu cử tổng thống 2020”, sử dụng “những nhân vật vỏ bọc, các tổ chức tuyên truyền để chuyển hướng quan điểm của Mỹ về chính sách Trung Quốc”.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang tích cực làm việc để gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới theo cách mà Nga đã làm trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. Trong phiên điều trần ngày 10/10, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen nói rằng, bộ này chưa từng nhận thấy bất cứ nỗ lực nào cho thấy (Trung Quốc) có sự dàn xếp các bộ phận bầu cử.

Các chuyên gia an ninh đồng tình với quan điểm này. “Về khía cạnh các chiến dịch tấn công mạng, Trung Quốc nhằm vào các hệ thống chính phủ và chiết xuất dữ liệu, nhưng chúng tôi chưa từng thấy họ nhằm vào hệ thống bầu cử Mỹ ở cả cấp bang hay cấp liên bang”, Priscilla Moriuchi, một chuyên gia an ninh mạng tại công ty kỹ thuật Recorded Future nói với Newsweek.

Kể từ khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng tháng 1/2017, các nhà phân tích chính trị và các học giả đều quan tâm về sự can thiệp bầu cử của Nga. Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng, Nga đã can thiệp theo hướng có lợi cho ông Trump và đảm bảo “kẻ thù” của Tổng thống Putin là bà Hillary Clinton sẽ bị đánh bại, bằng cách sử dụng các chiến dịch truyền thông xã hội và hack các thông tin chính trị nhạy cảm. Giới chức an ninh nói rằng, các hacker Nga đã cố thăm dò hệ thống bầu cử của hơn 20 bang, mặc dù họ không thay đổi phiếu bầu.

Nhưng ngay cả khi vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ tràn lan các mặt báo, một số quan chức an ninh quốc tế đã “xì xào” đằng sau rằng, Nga không phải “kẻ thù” mà Mỹ nên tập trung vào. Bởi còn một đối thủ khác đang âm thầm cố gây ảnh hưởng dư luận Mỹ và làm lung lay trái tim ý chí người Mỹ.

Khi Tổng thống Trump chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 26/9, ông bất ngờ công kích Trung Quốc. “Thật đáng tiếc, chúng tôi nhận thấy rằng, Trung Quốc đã cố can thiệp cuộc bầu cử 2018 sắp tới, cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới nhằm vào chính quyền của tôi. Họ không muốn tôi hay chúng tôi chiến thắng, vì tôi là Tổng thống đầu tiên từ trước tới nay thách thức Trung Quốc về thương mại. Và chúng tôi sẽ thắng về thương mại. Chúng tôi sẽ thắng ở mọi cấp độ”, ông Trump.

Đầu tiên, các nhà quán sát hoài nghi, liệu Tổng thống Trump, người vốn nổi tiếng là hay cường điệu hóa, có đang tạo ra “bóng ma” nhằm làm phân tâm dư luận khỏi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt về mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống của ông năm 2016 với phía Nga hay không.

Thế nhưng trong cuộc họp báo ngày hôm sau, ông Trump lại xác nhận thêm rằng, có nhiều bằng chứng mật về sự can thiệp của Trung Quốc và những bằng chứng này sẽ sớm được tiết lộ. Những ngày sau đó, các quan chức khác trong chính quyền Trump cũng lặp lại lời cáo buộc này. Tại viện Hudson, Phó Tổng thống Pence nói rằng sự can thiệp của Nga “yếu hơn” so với sự can thiệp của Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn “60 phút” phát sóng tối Chủ nhật 14/10, Tổng thống Donald Trump nói rằng, Trung Quốc can thiệp cuộc bầu cử tổng thống 2016, dù các cơ quan tình báo Mỹ chưa bao giờ nói về điều này.

Trung Quốc có can thiệp bầu cử Mỹ hay không?

Rất nhiều nhà phân tích về Trung Quốc nói rằng, mối đe dọa từ Bắc Kinh là thực tế. Không giống như các nỗ lực của Nga, chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc là cả về dài hạn và phức tạp. Theo các chuyên gia, Trung Quốc không cố gây ảnh hưởng cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ theo cách “rõ ràng” như Nga đã làm năm 2016. Thay vào đó, chiến dịch ảnh hưởng của Bắc Kinh là một phần trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm thay đổi nhận thức của dư luận.

“Tới nay, chúng ta có rất ít các bằng chứng cụ thể về các hoạt động vốn không lộ rõ của Trung Quốc ở Mỹ so với rất nhiều bằng chứng về các hoạt động quy mô rộng mà Nga tiến hành”, Allen Carlson, một giảng viên đại học Cornell University chuyên nghiên cứu về Trung Quốc nói với Newsweek.

“Điều này không phải để nói rằng, Bắc Kinh vô can, mà còn hơn thế Trung Quốc trở thành một mục tiêu thuận tiện khi mà chính quyền Mỹ đang phải miễn cưỡng phải thừa nhận vai trò của Nga trong cuộc bầu cử 2016”.

Robert Manning, một chuyên gia về Trung Quốc tại Hội đồng Atlantic có trụ sở ở Washington nói rằng, các bằng chứng về sự can thiệp bầu cử được cả Tổng thống Trump và phó Tổng thống Pence đưa ra là các bài viết mà phía Trung Quốc trả tiền để đăng trên báo Mỹ, không phải là bằng chứng. “Thẳng thắn mà nói, chúng chỉ là các bài quảng bá. Họ đã làm thế bao nhiêu năm qua”, Manning nói với Newsweek.

“Tôi nghĩ vấn đề ảnh hưởng còn hơn cả nỗ lực tạo quyền lực mềm. Họ rót tiền cho các hiệu trưởng và các trường đại học, và họ làm rất nhiều điều để tác động tới những người có sức ảnh hưởng ở Mỹ. Nhưng mọi nước đều làm thế”, ông Manning nói.

Manning cho biết, ông thường xuyên có các cuộc đối thoại thẳng thừng và gay gắt với giới chức Trung Quốc ở D.C. và chẳng ai cố kiểm duyệt các nghiên cứu của ông về chính sách Trung Quốc cả. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ cố “nhỏ giọt” nguồn tiền đầu tư vào các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu không có hiệu quả trong việc định hình quan điểm dư luận.

Chris Johnson, người chuyên nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ nói rằng, ông có thể nắm bắt được khi nào quan hệ của Mỹ với Bắc Kinh bị căng thẳng từ những chuyến thăm mà ông nhận được từ các cựu quan chức và cả các quan chức đương nhiệm của Trung Quốc.

Cách gây ảnh hưởng “âm thầm” của Trung Quốc

“Nếu có căng thẳng nào đó trong quan hệ song phương, bạn sẽ thấy những người làm công tác nghiên cứu như tôi được liên hệ, thường là bởi các quan chức ngoại giao hoặc các cựu quan chức. Họ sẽ tới hàng loạt. Chúng tôi mới trải qua điều đó vài tháng trước”, Johnson, người có 20 năm làm việc trong các vấn đề ngoại giao và tình báo cho chính phủ Mỹ, nói với Newsweek. Ông cũng đặt ra nguyên tắc đối với việc chấp nhận tiền tài trợ từ Trung Quốc, vì “nó phức tạp và có thể sẽ đi cùng với các điều kiện ràng buộc khác”.

Trong khi đó, một số nỗ lực của Trung Quốc nhằm đăng tải các bài viết tạo dư luận cho mình cũng là điều đáng chú ý. Có ít nhất 60 văn phòng truyền thông Trung Quốc làm việc ở Mỹ, trong đó có cả các tờ báo lớn nhỏ, các đài phát thanh hay đại diện của các hãng tin tức trực tuyến. Hầu hết nội dung đăng, phát đều nhằm đến cộng đồng người Mỹ gốc Hoa.

Ông Trump đã sử dụng bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc để nói về việc China Daily – một hãng truyền thông của Trung Quốc, trả tiền để đăng các nội dung tuyên truyền trên báo chí khắp nước Mỹ. Quả thực, theo các nguồn tin, China Daily đã sử dụng gần 16 triệu USD trong các hoạt động ảnh hưởng ở Mỹ từ đầu năm 2017, trong đó có cả tiền được chi cho các mục quảng cáo trên các tờ báo của Mỹ như The Wall Street Journal và The Washington Post. Tất nhiên, các bài đăng không giấu giếm nội dung bảo vệ Trung Quốc.

Các bài đăng trên mục quảng cáo gần đây trên Wall Street Journal đã bác bỏ cáo buộc của chính quyền Trump về việc Trung Quốc can thiệp bầu cử, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây sức ép để Mỹ dừng bán vũ khí cho Đài Loan.

Về cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc đang leo thang, các công ty ở Bắc Kinh cũng thường trở thành những nhà vận động hành lang truyền thống để bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình tại Mỹ. Theo các văn bản được trình lên Bộ Tư pháp Mỹ, các nhân vật chính phủ và phi chính phủ Trung Quốc đã chi 22 triệu USD cho các nỗ lực vận động hành lang kể từ năm 2017. Phần lớn số tiền được chi bởi các tổ chức phi chính phủ, với China Daily là bên chi nhiều nhất trong năm 2017 và 2018.

Các công ty khác chủ yếu muốn chống lại các tác động từ cuộc chiến thương mại bằng cách vận động về khả năng làm ăn kinh doanh của họ tại Mỹ. Tháng 6/2018, khi Mỹ và Trung Quốc bắt đầu đáp trả nhau về các biện pháp thuế quan, công ty Trung Quốc WanKua Chemical đã thuê công ty AUX Initiative để vận động hành lang về việc miễn trừ thuế quan để có thể dễ dàng mở nhà máy hóa chất ở Louisiana.

Một công ty khác, Club Mỹ-Trung, thuộc tập đoàn China Rilin Industrial Group – một công ty xây dựng có trụ sở ở Liêu Ninh, cũng có kế hoạch vận động hành lang về các lợi ích kinh doanh của mình. Tất nhiên nó có thể bao gồm các vấn đề về chính sách nội địa và ngoại giao của chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, không cái nào trong số các hoạt động này có vẻ như liên quan đến can thiệp bầu cử Mỹ.

“Trung Quốc tập trung vào phát triển kinh tế và thu thập tình báo, họ rất giỏi về điều này và được trang bị không hề nhẹ, nhưng nó có vẻ như họ không quan tâm tới chính trị của chúng ta”, Adam Bookbinder, người làm việc gần 20 năm ở Văn phòng tư pháp Massachusetts phụ trách mảng ngăn chặn các cuộc tấn công, nói với Newsweek.

“Với những thông tin tràn lan các mặt báo, họ (Trung Quốc) có thể thấy những gì Nga làm với một chút thành công, và tất nhiên họ cũng có các nguồn lực khó tin cũng như sự phức tạp về công nghệ. Với tất cả những yếu tố này, những gì chúng ta có thể làm là tiếp tục theo dõi”, Adam Bookbinder nói

RELATED ARTICLES

Tin mới