Friday, May 3, 2024
Trang chủBiển nóngVề khả năng TQ công bố phi pháp đường cơ sở ở...

Về khả năng TQ công bố phi pháp đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã từng bước tiến hành các hoạt động phi pháp nhằm củng cố cơ sở hạ tầng, căn cứ quân sự và tạo dựng hành lang pháp lý để tuyên bố đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa. Nếu Trung Quốc đơn phương, bất chấp công luận và luật pháp quốc tế để công bố đường cơ sở ở vùng biển này sẽ khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, đi quá giới hạn chịu đựng của tất cả các bên liên quan, và đường nhiên, nó hoàn toàn có thể sẽ là ngòi nổ cho cuộc xung đột ở Biển Đông.

Hình minh họa đường cơ sở Trung Quốc tự vẽ ở Hoàng Sa.

Đường cơ sở trong luật quốc tế:

“Đường cơ sở” là một trong những thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong luật biển quốc tế. Các quốc gia ven biển sử dụng đường cơ sở để đo chiều rộng lãnh hải của mình, từ đó xác định giới hạn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia tại các vùng biển khác. Có hai loại đường cơ sở được áp dụng trong luật quốc tế là đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng. Thông thường, đường cơ sở là đường ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển được các quốc gia ven biển chính thức công nhận. Trong một số trường hợp đặc biệt, theo Điều 7, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), quốc gia ven biển có thể áp dụng phương pháp vẽ đường cơ sở thẳng gồm các đoạn thẳng nối các điểm thích hợp, hoặc kết hợp đồng thời cả hai phương pháp để xác định phạm vi các vùng biển của mình.

Theo Điều 7, khoản 1, UNCLOS, có hai điều kiện cơ bản về mặt địa lý cần tính đến khi xem xét khả năng áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng: (1) Bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm. (2) Có một chuỗi đảo sát ngay sát và chạy dọc theo bờ biển. Quy định này hàm ý ba tiêu chí khác nhau nhưng trong cùng một thể thống nhất: số lượng đảo tạo thành chuỗi, chuỗi chạy dọc theo bờ biển và độ gần kề của chuỗi đảo so với bờ biển. (3) Bên cạnh hai trường hợp đặc biệt về địa lý kể trên, Điều 7, khoản 2 UNCLOS cho phép áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng tại một số khu vực mà bờ biển rất không ổn định do có sự xuất hiện của một vùng châu thổ hoặc các điều kiện tự nhiên khác.

Tuy nhiên, luật quốc tế cũng nghiêm cấm quốc gia ven biển áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng nếu việc đó dẫn đến hậu quả là lãnh hải của một quốc gia khác bị chia cắt khỏi biển cả hoặc vùng đặc quyền kinh tế. Quy định này nhằm đảm bảo quyền tự do qua lại của các quốc gia liên quan trong khu vực. Ngoài ra, đường cơ sở thẳng có thể coi là chấp nhận được nếu nó đáp ứng được điều kiện đề ra tại Điều 7, khoản 3 của UNCLOS. Theo đó, đường cơ sở phải đi theo hướng chung của bờ biển và vùng nước phía bên trong đường cơ sở phải gắn với đất liền đủ đến mức có thể đặt dưới chế độ nội thủy.

Trung Quốc đã chuẩn bị cơ sở vật chất và hành lang pháp lý để chuẩn bị công bố đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa

Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm phi pháp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam: Tháng 01 năm 1988, Trung Quốc đã huy động một lực lượng hải quân gồm nhiều tàu khu trục và tàu tên lửa xuất phát từ Hải Nam tiến xuống phía Nam, trong đó có 4 chiếc đến khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa, khiêu khích và cản trở hoạt động các tàu vận tải của Việt Nam trong khu vực biển gần bãi đá Chữ Thập và bãi đá Châu Viên. Lực lượng tàu chiến này đặt dưới sự chỉ huy của một Bộ Tư lệnh đặc biệt được thành lập để tổ chức triển khai chiến dịch đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa. Từ ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã sử dụng một liên đội tàu chiến gồm 6 chiếc, trong đó có 3 chiếc tàu hộ vệ số 502, 509, 531 trang bị tên lửa và pháo 100mm, các tàu này đã tấn công, bắn chìm 3 tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho các bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn đang do Việt Nam quản lý. Đến ngày 6/4/1988, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đánh chiếm xong đá Chữ Thập, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Su Bi.

Về hành lang pháp lý: (1) Trung Quốc đã cho ban hành nhiều văn bản khẳng định “chủ quyền, quyền chủ quyền” đối với các biển đảo, cụ thể: Tuyên bố ngày 04/9/1958 của Chính Phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải; Quy định về đường cơ sở trong Luật về Lãnh hải và tiếp giáp Lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 25/02/1992; Tuyên bố của Chính Phủ Trung Quốc về đường cơ sở của Lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày 15/5/1996; Quyết định của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc chấp thuận công ước của LHQ về Luật biển 1982; Quy định của Trung Quốc về phương pháp xác định đường cơ sở và Quy định về chiều rộng lãnh hải theo Tuyên bố năm 1958 và Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992… (2) Trung Quốc ban hành Quy định về hệ thống đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải, bao gồm quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Theo tuyên bố của Trung Quốc, đường cơ sở tiếp giáp với quần đảo Hoàng Sa gồm 28 điểm nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm thuộc quần đảo. Với tuyên bố đường cơ sở này, Trung Quốc đã đơn phương mở rộng lãnh hải (phi pháp) gấp 7 lần từ 370.000 km2 lên 3 triệu km2, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc củng cố phi pháp các tiền đồn quân sự ở Trường Sa: Tính đến năm 2018, sau khi Trung Quốc hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa, tổng diện tích bồi đắp các đảo hoàn toàn nhân tạo trên các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp đã lên tới khoảng 13,21 km2 (tập trung chủ yếu trên 3 đá Vành Khăn, Su Bi và Chữ Thập). Tại đá Chữ Thập, Trung Quốc sử dụng các máy hút bùn, nạo vét các rặng san hô xung quanh, đã tạo ra một hòn đảo nhân tạo dài hơn 3.000 m và rộng từ 200 – 300 m đủ rộng để xây dựng được đầy đủ cả đường băng lẫn bãi đỗ máy bay của một sân bay hoàn chỉnh; xây càu tàu và nhiều công trình quân sự trên đá Chữ Thập. Đến năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập, thì diện tích đảo nhân tạo này lên tới khoảng 2,77 km2, đứng thứ 3 về diện tích trong các đảo hoàn toàn nhân tạo trên Biển Đông và cũng lớn thứ 4 trong tất cả các đảo nhân tạo lẫn đảo, đá tự nhiên thuộc 2 quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Tại đá Su Bi, Trung Quốc bắt đầu cải tạo quy mô lớn đá Xu Bi kể từ tháng 3 năm 2015. Đến ngày 5/2018, diện tích Su Bi đạt khoảng 4,14 km2, xây dựng gần 400 tòa nhà có khả năng là các công trình quân sự, có năng lực phục vụ từ 1.500 – 2.400 binh lính đồn trú. Tại đá Vành Khăn, Trung Quốc đã cải tạo đá này thành đảo nhân tạo có diện tích lên đến 5,66 km2, biến đá này thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất trên Biển Đông và lớn nhất trong các đảo, đá tự nhiên lẫn nhân tạo tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Trung Quốc cũng tiến hành cải tạo, bồi đắp đá Châu Viên lên tới khoảng 0,31 km2; đá Gạc Ma lên tới khoảng 0,11 km2; đá Tư Nghĩa lên tới khoảng 0,081 km2; đá Ga Ven lên tới khoảng 0,14 km2.

Trung Quốc liên tục triển khai phi pháp vũ khí tấn công và phương tiện quân sự tới quần đảo Trường Sa. Dựa vào các hình ảnh vệ tinh chụp được cho biết Trung Quốc đã điều tàu hộ vệ trang bị tên lửa hành trình Type 054 ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa; triển khai (bất hợp pháp) tên lửa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B trên đá Vành Khăn, đá Su Bi và đá Chữ Thập; âm thầm kích hoạt và thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử được lắp đặt trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; lắp đặt các thiết bị gây nhiễu thông tin và radar trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; lắp đặt các thiết bị liên lạc và ăng ten cảm biến tại góc phía Đông Bắc đá Chữ Thập; điều máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 tới đá Su Bi, máy bay vận tải quân sự Y-7 tới đá Vành Khăn…

Khả năng Trung Quốc công bố đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa

Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế từng nhiều lần cảnh báo Trung Quốc đang có âm mưu, ý đồ công bố đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa. Tạp chí The Diplomat của Nhật Bản từng nhận định, Trung Quốc đang định vạch một đường cơ sở bao quanh toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa và tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển mở rộng bên ngoài. Trung Quốc đã hé lộ toan tính của mình từ trước khi Tòa trọng tài (12/7/2016) ra phán quyết. Khi ấy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố rằng, quần đảo (mà phía Trung Quốc tự ý đặt tên là Nam Sa) “xét về mặt tổng thể thì sở hữu quyền đối với vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cùng các quyền và lợi ích hàng hải khác”.

Chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington cũng cho rằng “một khả năng hợp lý là Trung Quốc sẽ thiết lập các điểm cơ sở và các đường cơ sở thẳng chung quanh các rạn san hô và đảo nhỏ ở Trường Sa vào năm 2018”. Bắc Kinh sẽ chọn thời điểm thích hợp sau khi cân nhắc khả năng phản ứng của các nước tranh chấp khác và của Mỹ. Nếu Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng quanh các thực thể mà họ kiểm soát, có thể họ sẽ tuyên bố vùng biển bên trong các đường cơ sở là nội thủy, cấm nước khác tự ý xâm nhập. Bắc Kinh từng khẳng định rằng họ có quyền thực hiện hành động này trong một tuyên bố chính thức ban hành sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vào tháng 7 năm 2016, phủ nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Việc xác định điểm cơ sở và thành lập đường cơ sở, có thể mở đường cho việc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Trường Sa, gây thêm căng thẳng trong khu vực.

Từ khía cạnh âm mưu chiến lược và hành động đơn phương của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa nói riêng và với toàn bộ Biển Đông nói chung có thể thấy Trung Quốc đã chuẩn bị tương đối đầy đủ chiêu bài để công bố đường cơ sở ở Trường Sa. Vì: (1) Trung Quốc không thay đổi âm mưu đối với Trường Sa bởi Bắc Kinh muốn chiếm độc quyền khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, với trữ lượng cá dồi dào này, đồng thời kiểm soát các hoạt động quân sự của nước khác tại vùng biển này. (2) Trung Quốc đã có đủ năng lực quân sự để kiểm soát Biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng. (3) Sức mạnh tổng hợp và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng được củng cố. Trung Quốc hiện có khả năng chi phối, gây ảnh hưởng đối với nhiều nước trên thế giới. Do đó, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc bất chấp tất cả để công bố đường cơ sở đối với quần đảo Trường Sa.

Phương án Trung Quốc xác lập đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa:

Trung Quốc có thể sẽ lựa chọn phương án vẽ đường cơ sở là đường nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Việc xác định đường cơ sở như vậy có thể coi là áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng hoặc đường cơ sở quần đảo (giống đường cơ sở phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa). Từ các đường cơ sở này, Trung Quốc tiếp tục yêu sách vùng lãnh hải lịch sử, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thậm chí thềm lục địa mở rộng cho các nhóm đảo.

Tuy nhiên, lập luận này của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý do áp dụng sai phương pháp xác định đường cơ sở (cho dù là phương pháp đường cơ sở thẳng hay đường cơ sở quần đảo), xác định sai vùng đặc quyền kinh tế và yêu sách sai vùng lãnh hải lịch sử:

Thứ nhất, nếu đường cơ sở của Trung Quốc cho quần đảo Trường Sa được vẽ theo phương pháp đường cơ sở quần đảo, khái niệm quần đảo được UNCLOS định nghĩa rõ ràng là một nhóm đảo, bao gồm cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay thừa nhận trong lịch sử. Các đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm thuộc quần đảo Trường Sa không đủ gắn kết để trở thành quần đảo theo quy định tại Điều 46 của UNCLOS. Ngoài ra, nếu Trung Quốc mượn khái niệm quần đảo được quy định tại UNCLOS để áp dụng cho Trường Sa, rồi từ đó, áp dụng đường cơ sở quần đảo thì không có cơ sở pháp lý vì Trung Quốc là quốc gia lục địa, không phải quốc gia quần đảo.

Thứ hai, nếu lập luận rằng đường cơ sở Trung Quốc áp dụng là đường cơ sở thẳng, cơ sở để áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng theo quy định tại Điều 7 của UNCLOS là bờ biển khúc khuỷu, khoét sâu, lồi lõm, có chuỗi đảo nằm sát và chạy dọc ven bờ. Các cấu trúc địa lý của các quần đảo Trường Sa không hội tụ đủ các điều kiện để vẽ đường cơ sở thẳng bao toàn bộ các thực thể như vậy. Khi đánh giá về đường cơ sở của Hoàng Sa do Trung Quốc công bố vào năm 1996, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định nhiều khu vực của Hoàng Sa không đủ điều kiện vẽ đường cơ sở thẳng mà phải áp dụng đường cơ sở thông thường theo ngấn nước thủy triều thấp nhất.

Thứ ba, các cấu trúc địa lý ở Biển Đông có chung đặc điểm địa lý là các cấu tạo san hô, có diện tích nhỏ và với các điều kiện tự nhiên nguyên sơ ban đầu, không có khả năng cho con người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng. Chính vì vậy, Phán quyết của Tòa trọng tài đã khẳng định các cấu trúc địa lý của Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.

Thứ tư, Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định đã phát hiện, đặt tên cho các cấu trúc tại Biển Đông từ thời kỳ cổ đại nhưng không có bằng chứng nào được đưa ra để minh chứng cho hành động thực thi chủ quyền của Trung Quốc với các nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tư cách nhà nước.

Thứ năm, việc Trung Quốc sử dụng đường cơ sở thẳng bao quanh toàn bộ quần đảo Trường Sa còn đã đe dọa nghiêm trọng đến tự do hàng hải của thế giới. Nếu như cho các đảo của Trường Sa được hưởng vùng lãnh hải theo UNCLOS thì phạm vi của sự tự do hàng hải của tàu bè thế giới sẽ nhiều hơn rất nhiều so với khi vẽ đường cơ sở cho Hoàng Sa.

Thứ sáu, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết bởi Trung Quốc và các nước ASEAN. DOC cũng nêu rõ các bên ký kết sẽ tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Cộng đồng quốc tế sẽ có biện pháp đối phó với âm mưu nham hiểm của Trung Quốc – nếu nó thành hiện thực

Đường cơ sở phi pháp mà Trung Quốc vạch quanh quần đảo Trường Sa, nếu có, sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh, Pháp và các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Những nước này sẽ lên án nghiêm khắc hành động nói trên của Trung Quốc, xem đấy là một hành vi bất hợp pháp theo UNCLOS. Hải Quân Mỹ và các nước chắc chắn sẽ có các hành động thực tế thách thức và phản đối yêu sách về nội thủy của Trung Quốc ở Trường Sa.

Ngoài ra, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp các đảo, đá, bãi cạn của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế và cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không được luật pháp cũng như cộng đồng quốc tế thừa nhận. Do đó, nếu Trung Quốc đơn phương công bố đường cơ sở đối với quần đảo Trường Sa là hành vi vô cung nguy hiểm, nó xâm phạm trực tiếp đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.

Kết luận: Từ những khía cạnh trên cho thấy, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ bất chấp tất cả để xác lập đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa, song thời điểm công bố còn phụ thuộc vào phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hành động ngang ngược này của Trung Quốc, nếu có, sẽ là gây ảnh hưởng nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực, xâm hại trực tiếp chủ quyền và lợi ích của các nước ven Biển Đông, đi ngược lại các quy định luật pháp quốc tế, hủy hoại môi trường hòa bình và thượng tôn pháp luật trên thế giới. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần theo dõi chặt chẽ những động thái liên quan của Trung Quốc để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, đừng để xảy ra tình trạng “sự đã rồi” và chúng ta phải gánh chịu hậu quả thảm khốc hành động phi pháp của Trung Quốc gây ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới