Friday, April 26, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 01/11/2018

Bản tin Biển Đông ngày 01/11/2018

Bản tin Biển Đông ngày 01/11/2018.

Giữa tình hình căng thẳng ở Biển Đông, sẽ có gì tại cuộc gặp giữa lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Trung Quốc?

Ngày 1/11, South China Morning Post đăng bài viết của Mark Valencia, học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Nam Hải, Hải Khẩu, Trung Quốc. Bài viết điểm lại một số sự kiện có liên quan giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh vấn đề Biển Đông trong mấy tháng gần đây, từ đó đưa ra dự đoán về nội dung cuộc gặp sắp tới giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tới Washington trong tuần này. Mark Valencia cho rằng đây sẽ cuộc gặp quan trọng định hướng cho tương lai quan hệ hai bên trong thời gian tới. Câu hỏi đặt ra là ông Ngụy Phượng Hòa sẽ muốn gì từ cuộc gặp này? Bài viết cho rằng có 4 điểm chính: (i) Sắp tới ông Mattis có rời bỏ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng không và nguyên nhân là gì? Ai sẽ thay thế? (ii) Mức độ liên quyết và phổ biến trong Chính phủ Mỹ về việc ủng hộ chính sách đối đầu hơn với Trung Quốc? (iii) Đánh giá quan điểm của Mỹ về mối quan hệ quân sự đứt quãng, lên xuống thất thường giữa hai bên? (iv) Tái khẳng định quân đội hai bên có thể trao đổi nếu mối quan hệ này có vấn đề.

Bài viết cho rằng việc hai nhà lãnh đạo quân đội nhận thức rằng hai nước có khả năng đang ở bên bờ vực chiến tranh lạnh thực sự có thể mang tính tính cực nếu xét trên khía cạnh việc này sẽ tránh được các cuộc xung đột không chủ đích và không cần thiết. Có thể Trung Quốc và Mỹ sẽ thảo luận về những ý định của nhau về vấn đề này và làm thế nào để giảm thiểu xung đột. Tuy nhiên, cũng có khả năng cuộc gặp sẽ gây thất vọng vì không đưa ra được thỏa thuận làm giảm căng thẳng hay tuyên bố công khai nào. Thay vào đó, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ chỉ cố gắng thiết lập các quy tắc nền tảng cho giai đoạn được coi là khó khăn và nguy hiểm trong quan hệ Mỹ – Trung, đặc biệt là quan hệ quân sự giữa hai nước.

Trung Quốc mở một số đài quan sát khí tượng ở Trường Sa

Ngày 1/11, hãng Taiwan News của Đài Loan đưa tin, Hiệp hội Khí tượng Trung Quốc (CMA) công bố chính thức mở một số đài khí tượng rải rác trong quần đảo Trường Sa, cụ thể tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn. Bộ Sinh thái và Môi trường của Trung Quốc cũng công bố việc xây dựng Đài quan sát khí quyển trung tâm “Nam Sa” cũng đã hoàn thành, có thể đưa ra 15 chỉ số riêng biệt về các hiện tượng khí tượng khác nhau. Theo CMA, các công trình này giúp cung cấp cơ sở quan trọng để nâng cao hoạt động quan sát khí tượng trong khu vực; các dữ liệu thu được sẽ dùng để quản lý thời gian và đưa ra cảnh báo sớm về các sự kiện thời tiết nghiêm trọng. Mặc dù tuyên bố chính thức là các đài quan sát nhằm mục đích hỗ trợ bảo tồn môi trường, nhưng các hành động của Trung Quốc cho thấy việc bảo tồn hệ sinh thái ở Biển Đông không phải một trong những mối quan tâm hàng đầu của nước này. Tòa Trọng tài năm 2016 đã đưa ra phán quyết khẳng định Trung Quốc đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các rặng san hô ở đây khi tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo vì mục đích quân sự.

Với đặc điểm Biển Đông thường xuyên gặp phải thời tiết bất lợi, gây khó khăn cho các hoạt động định vị hàng hải, nên các đài quan sát khí tượng sẽ rất có khả năng là nhằm phục vụ hoạt động quân sự. Trung Quốc đã và đang tìm cách để hạn chế các điểm mù trong đài quan sát khí tượng tại các khu vực xung đột cụ thể. Bên cạnh đó, rất đáng lưu ý về khả năng có thể Trung đã lắp đặt các thiết bị quan sát dưới nước ngay ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ vào tháng 10 dưới danh nghĩa quan sát môi trường. Các thiết bị này nằm ngay ở vị trí chiến lược và khả năng chúng có thể phát hiện các tàu ngầm hoặc tàu hải quân khác hay không thì cũng chưa rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới