Sự nổi lên của Trung Quốc trên trường quốc tế “rõ ràng đặt an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của Mỹ, các đồng minh và đối tác vào nguy hiểm”. Đó là nhận định của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung (USCC). Tài liệu được trình lên Thượng nghị sĩ Orrin Hatch, chủ tịch Ủy ban Tài chính, và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan vào ngày 14/11.
Lời cảnh báo nêu trên trong báo cáo 525 trang kêu gọi các nhà lập pháp đưa ra nhiều giải pháp đa dạng để giám sát và đối phó tốt hơn với chiến lược mở rộng toàn cầu, hoạt động thương mại và chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tài liệu thể hiện rõ cái nhìn “diều hâu” về Trung Quốc trong lúc quan điểm này đang ngày càng gia tăng cộng hưởng với dòng chính trị chủ lưu tại Mỹ, nơi chính quyền theo đuổi chính sách chống đối những hoạt động thương mại không công bằng từ phía Trung Quốc và được lưỡng đảng ủng hộ.
Báo cáo được tổng hợp trên cơ sở các phiên điều trần, cả công khai và tối mật, với các nhân chứng từ chính phủ, giới học giả nghiên cứu và khu vực tư nhân, đồng thời cũng chứa kết quả nghiên cứu trong các chuyến thăm Đài Loan và Nhật Bản.
Giới cầm quyền Trung Quốc từng nhiều lần phủ nhận ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách thách thức ưu thế toàn cầu của Mỹ, đồng thời “nói giảm” về tính chiến lược và địa chính trị của những chính sách đối ngoại như sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Những tuyên bố của quan chức Trung Quốc làm dấy lên ngờ vực ở Washington. USCC nói với Quốc hội Mỹ rằng mục tiêu của “Vành đai, Con đường” bao gồm “thúc đẩy an ninh năng lượng, mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc và tăng cường ảnh hưởng địa chính trị bằng cách đưa Trung Quốc vào trung tâm của trật tự thế giới”.
Báo cáo cũng kết luận những lập luận của Mỹ có thể sẽ vướng phải sự phản đối quyết liệt từ Trung Quốc. Bắc Kinh “sẽ nhanh chóng gán mác cho mọi lời phản đối và phê bình chính đáng là nỗi sợ, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ và phân biệt chủng tộc chống lại người dân Trung Quốc”.
Theo USCC, Quốc hội cần đề nghị giám đốc tình báo quốc gia điều tra những hậu quả bắt nguồn từ việc Trung Quốc gia tăng tiếp cận với các nước và khu vực nằm trên lộ trình của “Vành đai, Con đường”. Ủy ban cũng đề nghị Quốc hội lập quỹ hỗ trợ các nước được đánh giá là “mục tiêu hoặc dễ bị tổn thương do sức ép kinh tế và ngoại giao từ Trung Quốc”.
“Trung Quốc áp đặt với đòn bẩy đặc biệt” tại các nước không có khả năng huy động tài trợ từ bất kỳ nơi nào khác do xếp hạng tín dụng kém, Chủ tịch USCC Robin Cleveland nhận định.
“Chúng ta không thể cạnh tranh từng đồng khi Trung Quốc sẵn sàng đặt lên bàn cược hàng nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, tôi nghĩ ta có thể đặt mục tiêu viện trợ giống như chúng ta từng làm với Ukraine, Georgia và một số quốc gia Đông Âu” trong giai đoạn sau khi khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, bà Cleveland cho hay.
Những đề xuất của USCC xuất hiện hai ngày sau khi Cơ quan Đầu tư Tư nhân Nước ngoài Mỹ (OPIC) ký bản ghi nhớ ba bên với Nhật Bản và Australia. Theo OPIC, văn kiện này thể hiện sự hợp tác của ba quốc gia trong “các vấn đề khẩn cấp mà khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang đối mặt, bao gồm tăng cường kết nối, mục tiêu phát triển chung và thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ”.
Đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, OPIC đứng trước nguy cơ bị bãi bỏ nhưng sống sót nhờ là một phần của “Chiến lược Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, sáng kiến được biết đến rộng rãi là đối trọng với kế hoạch “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh (dù sáng kiến của Mỹ trên quy mô nhỏ hơn). Khả năng hỗ trợ tài chính của OPIC sẽ tăng gấp đôi từ 30 tỷ USD lên 60 tỷ USD.
Những đề xuất quan trọng và sâu rộng này bao gồm cả lời kêu gọi kiểm tra rủi ro an ninh do công nghệ và dịch vụ Trung Quốc gây ra khi chúng được sử dụng trong mạng lưới 5G tại Mỹ.
Một đề nghị khác của USCC là xem xét liệu tài sản trí tuệ của các nhà nghiên cứu và công ty Mỹ có được bảo vệ đầy đủ trong các doanh nghiệp liên doanh Mỹ – Trung hay không và liệu quân đội Trung Quốc có thu lợi từ các nghiên cứu được tài trợ bằng thuế của người dân Mỹ.
USCC cũng kêu gọi Bộ Tư pháp nêu rõ tài liệu được phổ biến bởi các cơ quan “đại diện nước ngoài” phải có dấu nhận dạng rõ ràng. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã và đài CGTN của Trung Quốc gần đây được xếp vào diện này.
Ủy ban 11 thành viên từng bị coi là “dị biệt và rất diều hâu”, Carolyn Bartholomew, phó chủ tịch USCC, cho biết. Tuy nhiên, “chúng tôi không còn bị coi là những kẻ dị biệt. Điều đó không phải vì chúng tôi đã thay đổi lập trường mà bởi vì cuộc tranh luận đã biến chuyển”.
Chiều sâu và rộng của các vấn đề mà báo cáo nêu ra tăng thêm sức nặng cho lời cảnh báo của các nhà phân tích rằng bất cứ thỏa thuận nào đạt được giữa ông Trump và ông Tập trong cuộc gặp dự kiến bên lề hội nghị G20 cuối tháng cũng không thể giải quyết mối bất bình cơ bản của Washington với Bắc Kinh.
Thậm chí ngay trong vấn đề thương mại, Justin Thomson, giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản T Rowe Price, nhận định “hai bên có thể đồng tình 70% nhưng không phải cả phần còn lại”.
“Trung Quốc sẽ không rút lui đối với những gì khiến nước này là chính mình, đó là phát triển công nghệ”.
Ngày 13/11, tại Hiệp hội Châu Á ở New York, cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Paulson cảnh báo “căng thẳng ngầm có thể kéo dài” hơn cả bất kỳ giải pháp nào với cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên, lên tiếng phản bác những người ủng hộ nền kinh tế “tách biệt” giữa Mỹ và Trung Quốc, Paulson đề nghị chính quyền Trump “hạ tông những lời chỉ trích” và cho rằng nhận thức về mối đe dọa Trung Quốc đã bị thổi phồng.
“Cạnh tranh chiến lược là sự thật”, ông nói. “Nhưng Trung Quốc không đe dọa đến sự tồn tại của nền văn mình Mỹ. Trong năm thứ 242 của nền dân chủ, chúng ta nên tự tin hơn vào Mỹ và sự tự cường của hệ thống”.