Thậm chí, có vụ quan tham Trung Quốc tự tử không thành, khi uống 20 viên thuốc ngủ hết hạn nên đã ngủ thiếp 2 ngày liền rồi tỉnh dậy.
Ông Tưởng Triệu Cương. Ảnh: Sohu
Mới đây, Báo Tân Kinh (Trung Quốc) đưa tin vào sáng ngày 19/11 vừa qua, ông Hạ Xuân Quảng, Chủ nhiệm Ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân thành phố Bắc Phiếu, Triều Dương, Liêu Ninh đã nhảy sông tự vẫn.
Cụ thể, người dân địa phương phát hiện, ông Hạ Xuân Quảng đã nhảy từ trên một cây cầu cao xuống sông – gần khu vực công viên thành phố Yến Hồ và thi thể được tìm thấy vào khoảng 16 giờ cùng ngày.
Hoạt động công khai gần nhất của ông này là vào ngày 16/11, tham gia thảo luận về điều lệ công tác với tổ học tập lý luận thành phố.
Hiện nay, hồ sơ của Hạ Xuân Quảng lưu trên trang tin của chính quyền thành phố cũng đã được gỡ xuống.
Cùng ngày tại tỉnh Liêu Ninh, một vụ tự tử của một quan chức khác cũng được phát hiện. Theo Đài phát thanh truyền hình Ngõa Phòng Điếm, Giám đốc Sở Nhân lực và bảo hiểm xã hội thành phố – ông Từ Minh đã nhảy từ phòng họp nhỏ của cơ quan – tòa nhà 7 tầng – xuống đất thiệt mạng.
Theo tiết lộ, ông này nhảy lầu trong trạng thái tinh thần hoảng loạn, hành vi bất thường.
Thực tế, trong thời gian gần đây, các vụ tự tử của giới quan chức Trung Quốc liên tục tăng cao. Chỉ tính riêng trong hai tháng 10-11, ngoài trường hợp của hai ông Từ Minh – Hạ Xuân Quảng, còn có 6 vụ tử tự khác của quan chức Trung Quốc.
Ví dụ ngày 20/10, Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc chính phủ nhân dân Trung Quốc tại đặc khu hành chính Ma Cau Trịnh Hiểu Tùng thiệt mạng khi nhảy lầu. Nguyên nhân vụ việc được xác nhận là do trầm cảm.
Ngày 30/10, Tổng giám đốc – Phó Bí thư đảng ủy Công ty TNHH công trình khoan dầu Bột Hải Chu Tôn Cường nhảy sông tự vẫn. Theo thông báo, nguyên nhân vụ việc xuất phát từ áp lực công việc và vấn đề gia đình.
Ngày 1/11, Phó Giám đốc Công an Nội Mông-Phó Thị trưởng kiểm Giám đốc sở công an thành phố Hohhot Lý Chí Bân đã treo cổ tự tử trong phòng nghỉ của Sở cảnh sát thành phố. Di thư phát hiện tại hiện trường cho thấy, ông này bị trầm cảm kéo dài.
Ngày 6/11, cựu Tổng biên tập tạp chí Xinwen Zhanxian, thuộc chủ quản của báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo – Hồ Hân đã nhảy lầu tự sát từ tầng 19 của tòa soạn báo 36 tầng. Truyền thông Trung Quốc cho hay, nguyên nhân của vụ việc cũng xuất phát từ chứng trầm cảm.
Ngày 12/11, Bí thư đảng ủy Học viện công trình Hắc Long Giang Lý Diệu Đông được phát hiện treo cổ tự vẫn trong phòng làm việc.
Ngày 15/11, Giám đốc sở tài chính thành phố Thập Phương, Tứ Xuyên Hoàng Trác với cách thức tương tự – treo cổ tại phòng làm việc. Theo tiết lộ, ông này mắc bệnh nan y đã lâu.
Thậm chí có những vụ tử tử không thành như trường hợp của ông Tưởng Triệu Cương – nguyên Hiệu trưởng – Phó Bí thư đảng ủy Đại học Lâm Nghiệp Tây Nam, Vân Nam, Trung Quốc. Ông này bị khởi tố do nghi nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền.
Ông này kể lại, do lo lắng bị điều tra, một ngày ông quyết định trốn trong gara ô tô gia đình, uống 20 viên thuốc ngủ.
“Tôi ở trong gara uống 20 viên thuốc ngủ nhưng có thể do đã quá hạn sử dụng nên thuốc ngủ hết công dụng, sau 2 ngày thiếp đi thì tôi lại tỉnh dậy”, Báo Tân Kinh dẫn lời Tưởng Triệu Cương tiết lộ.
Trước làn sóng tự tử của giới chức Trung Quốc, dư luận nước này đã dấy lên sự nghi ngờ về nguyên nhân thực sự đằng sau mỗi vụ việc.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, ngoài nguyên nhân trầm cảm như thông báo, các quan chức trên có quyết định tử tự phần lớn là do sợ tội, trốn tránh cơ quan điều tra trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng tiếp tục được thắt chặt.
Cũng có ý kiến cho rằng, đây là cách các quan chức Trung Quốc bảo vệ gia đình và tài sản, thậm chí để bảo vệ đồng mưu – hay có một cách gọi khác mà dư luận thường ám chỉ là “bỏ xe giữ tướng”.
Bởi khi quan chức này qua đời, hồ sơ điều tra được đóng lại và bị cáo sẽ không bị nhận định là có tội, cuộc điều tra cũng theo đó sẽ chấm dứt.