Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChính quyền Trump lùng bắt công ty TQ lấy cắp tài sản...

Chính quyền Trump lùng bắt công ty TQ lấy cắp tài sản trí tuệ Mỹ

Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump nhắm vào Trung Quốc được nhìn nhận chủ yếu là thông qua các lệnh thuế trừng phạt, nhưng không chỉ có vậy.

Một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại đã bắt đầu sau khi Mỹ đưa ra một bản cáo trạng buộc tội Hãng sản xuất chip điện tử Phúc Kiến Jinhua của Trung Quốc (Fujian Jinhua Integrated Circuit) và Công ty vi điện tử United của Đài Loan (UMC – United Microelectronics Corp) đã đánh cắp tài sản trí tuệ trị giá 8,75 tỷ USD của tập đoàn Công nghệ Micron có trụ sở tại Mỹ, theo Nikkei Asian Review.

Bộ Tư pháp Mỹ không đơn độc khi nhắm vào Fujian Jinhua, công ty này vốn đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ xếp vào danh sách đen, không cho phép mua các cấu phần quan trọng từ các doanh nghiệp Mỹ.

Động thái kết hợp của hai bộ đã nhấn mạnh một vấn đề mà chính quyền Trump thường chỉ trích Trung Quốc về thương mại: tội phạm mạng và trộm cắp tài sản trí tuệ.

Giám đốc FBI Christopher Wray đã đưa ra một tuyên bố vào tháng 11 rằng: “Không có quốc gia nào có mối đe dọa lớn hơn, nghiêm trọng hơn đối với các ý tưởng của chúng tôi, sự đổi mới và an ninh kinh tế của chúng tôi, như là Trung Quốc”.

Trong vụ UMC lấy cắp của Micron, Trung Quốc bị cáo buộc đã lợi dụng Đài Loan để ăn cắp công nghệ từ một công ty bán dẫn của Mỹ. Vụ án này đánh thẳng vào trung tâm nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm lấy cắp bí mật thương mại trong các ngành công nghiệp trọng điểm, theo Nikkei.

Đồng thời, nó cũng để lại bài học cho các công ty Đài Loan, vốn đã chịu áp lực phải lựa chọn giữa việc hợp tác với Mỹ hay hợp tác với Trung Quốc.

Tập đoàn Công nghệ Micron có trụ sở tại Mỹ (Ảnh: deccanchronicle.com)

“Tôi cảm thấy hầu hết các công ty Đài Loan sẽ dịch chuyển [sang hợp tác với Mỹ] trước cuộc đối đầu thương mại này. Tuy nhiên sẽ có một số công ty, chẳng hạn như UMC, sẽ tìm cách ủng hộ Trung Quốc”, ông Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ-Đài Loan, nói với tạp chí Nikkei Asian Review.

Ông Hammond-Chambers cho biết: “Tôi dự đoán sẽ có một số vụ như thế này, nếu không phải là nhiều, trong đó hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ được sử dụng để trừng phạt và hy vọng bỏ tù những kẻ vi phạm pháp luật về bí mật thương mại”.

Đài Loan, hòn đảo tự chủ mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai, có quy định chặt chẽ về bí mật thương mại, tuy nhiên việc thực thi đã không nhất quán trong những năm gần đây. Nikkei cho biết thông thường các đối tượng vi phạm chỉ phải nộp tiền phạt và chịu án treo. Bản thân UMC trước đây cũng từng bị phạt một khoản tiền nhỏ vì vi phạm luật pháp Đài Loan về việc đầu tư vào Trung Quốc, nhưng một tòa án khác sau đó kết luận công ty này không phạm pháp.

Dù UMC có phạm tội hay không, hình thức phạt nhẹ ban đầu và sự kém hiệu quả của tòa án không khiến giới quan sát tin tưởng, theo Nikkei.

Trong khi đó, dường như chính quyền Trump sẽ tiếp tục nhắm vào các công ty Trung Quốc cố gắng lấy cắp thông tin độc quyền từ các đối thủ Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới