Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ Philippines – TQ: ‘Sau cầu vồng, mưa nhiều hơn’

Quan hệ Philippines – TQ: ‘Sau cầu vồng, mưa nhiều hơn’

Hôm 4/12, tờ Nikkei Asian Review cho đăng bài viết của học giả Richard Heydarian ở Manila, trong đó cho rằng bất chấp chuyến thăm gần đây của ông Tập đến Philippines, với những cam kết viện trợ được nhắc đi nhắc lại, mối quan hệ Philippines – Trung Quốc vẫn bất ổn do phản ứng dữ dội trong nước.

Theo ông Heydarian, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Philippines hôm 20 và 21/11, đáng lẽ khiến cho những vị chủ nhà chìm trong ánh sáng rực rỡ của vinh quang phản chiếu, sự ấm áp của tình hữu nghị và sự hài lòng trước việc mở ra một số món quà kinh tế rất lớn, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không tạo ra được hiệu quả như vậy.

Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ về việc nâng quan hệ song phương thành “quan hệ đối tác chiến lược”, người ta không thấy sự tiến bộ về những khó khăn chính giữa Manila và Bắc Kinh. Điển hình là các tranh chấp hàng hải và những vẫn đề tồn đọng ngày càng tăng, trong các cam kết hỗ trợ kinh tế đầy tham vọng của Trung Quốc.

Chuyến thăm của ông Tập đến Philippines hôm 20/11. (Ảnh: Reuters).

Ông Heydarian nhận thấy, thay vì vỗ tay khen ngợi ông Tập, một số chính trị gia Philippines đã có phản ứng ngược, chống lại mối quan hệ với Trung Quốc, không cho phép việc tiếp nhận trên quy mô lớn người lao động và đầu tư Trung Quốc, cũng như chống lại mọi sự thỏa hiệp lớn ở Biển Đông.

Hai thượng nghị sĩ nổi tiếng, Antonio Trillanes IV và Francis Pangilinan, đã cảnh báo chính phủ Philippines không được ký kết “bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc hay với bất kỳ quốc gia nào khác, làm giảm bớt những độc quyền [hàng hải] của Philippines”.

Ông Antonio Carpio, một thẩm phán cấp cao, nguyên quyền Chánh án tòa tối cao, đã chỉ trích sự hiện diện hàng hải ‘từ từ’ của Trung Quốc ở vùng biển Philippines, như là “mối đe dọa bên ngoài nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến 2”.

Phó Tổng thống Leni Robredo, một chính trị gia đối lập, yêu cầu “minh bạch” trong các thỏa thuận song phương, và tỏ rõ sự nghi ngờ về những ưu điểm của nó. Ông Robredo chất vấn: “”Chúng ta có được lợi ích gì? Và chúng ta có nghĩa vụ phải làm gì?”.

Những chỉ trích đặt ra những những câu hỏi quan trọng về mối quan hệ Trung Quốc – Philippines, về những nỗ lực to lớn của Bắc Kinh để mở rộng ảnh hưởng của họ ở Đông Nam Á. Nếu chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, lần đầu tiên trong 13 năm, tạo ra một phản ứng như vậy, thì triển vọng cho lãnh đạo Trung Quốc trong khu vực là gì? Học giả Heydarian đặt câu hỏi.

Theo ông Heydarian, tất cả là một sự quá khác biệt mà Tổng thống Rodrigo Duterte, với tính khí bất thường, đã cố gắng tạo ra trước khi ông Tập đến Philippines. Ông Duterte đã dành nhiều năm, tìm cách thay đổi quan điểm của Manila đối với Bắc Kinh, xa rời các đồng minh truyền thống của Philippines ở Washington, làm sống lại các mối quan hệ kinh tế song phương và hạ thấp tranh chấp hàng hải khó xử với Trung Quốc. Ngay trước chuyến thăm của mình, ông Tập thậm chí đã viết sẵn một lời bình luận cho tờ Tân Hoa Xã, khi ông tuyên bố quan hệ với Manila “bây giờ đã thấy cầu vồng sau cơn mưa”.

Thậm chí còn có những hy vọng rằng chuyến thăm của ông Tập sẽ mang lại một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung tại khu vực tranh chấp của Biển Đông, một khúc dạo đầu để chia sẻ tài nguyên tại các khu vực khác của các tuyên bố chồng lấn. Tuy nhiên, 2 nước chỉ ký được một bản ghi nhớ chung (MOU) về hợp tác dầu khí, mà theo Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi, đó là “một thỏa thuận hợp tác” để tìm hiểu các giải pháp “về “cách chúng ta có thể tận hưởng tài nguyên” ở Biển Đông.

Sự thất bại trong việc phá vỡ bế tắc, có thể là do sự lo sợ phản ứng chính trị ở Philippines, nơi mà rất nhiều người chống lại bất kỳ thỏa thuận chia sẻ tài nguyên nào với Trung Quốc. Cuộc khảo sát gần đây nhất của Viện nghiên cứu Xã hội Social Weather Stations (SWS) cho thấy, 4 trong số 5 người Philippines được hỏi mong muốn chính phủ có một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc ở Biển Đông.

Thẩm phán Carpio cảnh báo chính phủ không được ký kết bất kỳ thỏa thuận “thăm dò, phát triển và khai thác chung” nào với Bắc Kinh, vì “hiến pháp quy định nhà nước sẽ có toàn quyền kiểm soát và giám sát trong việc thăm dò và phát triển tài nguyên thiên nhiên của chúng ta”.

Có dấu hiệu cho thấy ngay cả trong chính phủ cũng có sự chia rẽ. Ngoại trưởng Teddy Locsin nêu rõ rằng ông đã chống lại các “lực lượng” trong chính quyền, ủng hộ một thỏa hiệp với Bắc Kinh.

Trong khi đó, vẫn còn sự hoài nghi về những ý định của Trung Quốc, quân đội Philippines được cho là đã bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về việc thành lập ‘Cơ chế Liên lạc Hàng không và Hàng hải (MALM)’, để phối hợp các hoạt động quân sự tại quần đảo Trường Sa tranh chấp. Trong bối cảnh mà tổ chức an ninh của Philippines từ lâu đã chống lại những nỗ lực của ông Duterte làm giảm bớt những quan hệ quân sự với Mỹ, một đối tác quốc phòng quan trọng của Manila, thì [bác bỏ trên] khó có thể là một bất ngờ, ông Heydarian nhận xét.

Ông Heydarian cho rằng cũng có sự thất vọng ngày càng gia tăng ở Manila khi không có sự tiến triển nào trong cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 9 tỷ USD của Trung Quốc. Đó có lẽ là lợi ích quan trọng nhất mà ông Duterte hy vọng khai thác được từ Bắc Kinh. Trong số 10 dự án được đề xuất, cho đến nay chỉ có một dự án, là Dự án Thủy lợi Bơm Sông Chico (CRPI), trị giá khoảng 60 triệu USD, là đã qua giai đoạn nghiên cứu ban đầu.

Trước chuyến thăm của ông Tập, Bộ trưởng Ngân sách Philippines phàn nàn công khai về sự chậm trễ, thúc giục nhà lãnh đạo Trung Quốc “gây áp lực lên tiến độ thực hiện tất cả các dự án này”. Tuy nhiên, trong số 29 thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm của ông Tập, đại đa số chỉ đơn giản là các bản ghi nhớ (MOU), những thư từ và các thỏa thuận khung, về các dự án đã được xác định.

Chỉ có 2 thỏa thuận, tiến hành các báo cáo nghiên cứu khả thi cho Dự án cầu nối Đảo Neglos với Panay-Guimaras và Dự án đường cao tốc thành phố Davao, là có một số tiến triển cụ thể.

Trước những cuộc bầu cử giữa kỳ ở Philippines vào năm tới, các chính trị gia, bao gồm cả các đồng minh của ông Duterte, dường như có ý định bàn đến sự hoài nghi công khai về việc nối lại tình hữu nghị với Trung Quốc.

Hôm 26/12, Thượng nghị sĩ Joel Villanueva, chủ tịch Ủy ban Lao động, một đồng minh của chính quyền Duterte, đã tổ chức một phiên điều trần, trong đó ông Villanueva nhấn mạnh “sự cần thiết to lớn tăng cường luật pháp và thực thi pháp luật, để chấm dứt nạn cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp, và sự gia tăng nhanh chóng người lao động Trung Quốc bất hợp pháp, trơ tráo cướp đi những việc làm của chính người dân chúng ta”.

Thượng nghị sĩ Grace Poe, một nhà lập pháp độc lập hàng đầu, kêu gọi trừng trị thẳng tay đối với dòng người lao động Trung Quốc bất hợp pháp, trong đó có nhiều người làm việc cho các sòng bạc trực tuyến. Chính phủ “nên đến các địa điểm này và kiểm tra giấy phép của họ, bởi vì đây là vấn đề an ninh quốc gia”, bà Poe bức xúc.

Là người đứng đầu Ủy ban Công chính, bà Poe đã tổ chức một phiên điều trần riêng biệt hôm 27/11, nơi bà đặt câu hỏi về sự thâm nhập tiềm tàng của công ty viễn thông China Telecom của Trung Quốc, như là một bộ phận của liên doanh Philippines – Trung Quốc, đã được cấp giấy phép viễn thông di động tạm thời vào tháng trước, trong một quá trình đấu thầu gây tranh cãi.

Thượng nghị sĩ Grace Poe kêu gọi trừng trị thẳng tay đối với dòng người lao động Trung Quốc bất hợp pháp (Ảnh: IMT News)Thượng nghị sĩ Grace Poe kêu gọi trừng trị thẳng tay đối với dòng người lao động Trung Quốc bất hợp pháp (Ảnh: IMT News)

Bà Poe đặt câu hỏi về tính minh bạch của các thủ tục, trích dẫn các mối đe dọa an ninh có thể xảy ra. Kết hợp với sự hoài nghi công khai và những thách thức pháp lý của những nhà thầu thua cuộc, phiên điều trần sẽ có khả năng trì hoãn, nếu không nói là hủy bỏ, kết quả đấu thầu trên.

Chuyến thăm 2 ngày của ông Tập tại Manila đã làm được rất ít để giảm bớt những quan ngại này. Hơn 2 năm trong sự ve vãn chiến lược của ông Duterte với Trung Quốc, 2 nước vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận lớn nào. Phe đối lập trong nước, trong giới thượng lưu cũng như công chúng nói chung, đã đặt câu hỏi đối với toàn bộ cách tiếp cận này của ông Duterte.

Tồi tệ hơn nữa đối với Bắc Kinh, những diễn biến ở Philippines đã phản ánh sự bất mãn của người dân trước những nỗ lực truyền bá ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt là thông qua các khoản đầu tư theo Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tai tiếng. Từ Malaysia đến Maldives, và Pakistan đến Papua New Guinea, ngày càng có nhiều bất mãn về ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc.

Nếu ông Tập không thể đảm bảo được sự chào đón nồng hậu ở Manila, nơi được cho là phần quan trọng nhất trong chiến lược ngoại giao khu vực của mình, liệu ông Tập có thể bảo đảm được chào đón ở những nơi khác trong khu vực không hay không? Ông Heydarian đặt câu hỏi.

“Quan hệ Philippines – Trung Quốc: ‘Sau cầu vồng, mưa nhiều hơn’”, ông Heydarian kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới