Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinTên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ tàu ngầm: Vũ khí...

Tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ tàu ngầm: Vũ khí chiến lược của TQ trên biển

Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo Cự Lang (JL-3) phóng từ tàu ngầm có tầm bắn 9.000 km. Với việc thử nghiệm thành công JL-3, Trung Quốc đã có bước tiến lớn trong việc nâng cao năng lực răn đe hạt nhân trên biển.

Washington Free Beacon trích dẫn nguồn tin tình báo cho biết, Trung Quốc (24/11) đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo JL-3 từ tàu ngầm (SLBM) mới ở Vịnh Bột Hải. SLBM JL-3 đạt tầm bắn khoảng 9.000 km, ngắn hơn so với SLBM Trident II của Mỹ và Bulava của Nga (12.000 km). Theo nguồn tin, vệ tinh cảnh báo tên lửa của tình báo Mỹ đã phát hiện và theo dõi chặt chẽ vụ phóng thử được cho là đã thành công của Trung Quốc, đồng thời khẳng định, trong cuộc phóng thử vừa qua JL-3 đã không bay hết tầm, cuộc bắn chủ yếu kiểm tra hệ thống tên lửa khi khởi động từ bệ phóng thẳng đứng trên tàu ngầm. Nhưng Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Chris Logan đã từ chối bình luận về thông tin liên quan đến vụ thử tên lửa đạn đạo vừa qua của Trung Quốc.

JL-3 thuộc thế hệ tên lửa JL của Trung Quốc, được phát triển từ kiểu tên lửa Julang-1 (JL-1, hay còn gọi là CSS-N-3) do Học viện số 4 CASIC (đơn vị đóng tại vùng C22-Baoji-Shaanxi) nghiên cứu, thiết kế, phát triển và sản xuất; được phóng thử thành công lần đầu năm 1990 và triển khai sử dụng lần đầu vào năm 2009. Julang-2 (JL-2) là phiên bản tiếp theo, dài 13 m (tầng đẩy 10 m, đầu nổ 3m), đường kính (đoạn lớn nhất) 2 m, có tầm bắn khoảng 7.000 km, có thể từ bờ biển Trung Quốc phóng đến Alska, Guam, Hawai (Mỹ) và khu vực Sibiria của Nga. JL-2 được trang bị bị hệ thống điều khiển đa phương tiện gồm các chức năng tự tìm mục tiêu bằng hình ảnh, điều khiển quỹ đạo bay bằng hệ thống quán tính, điều khiển cưỡng bức quỹ đạo bay bằng lệnh từ mặt đất, tự định vị thông qua hệ thống định vị vệ tinh quân sự, tự hủy trên quỹ đạo khi sai số mục tiêu đến 20 độ hoặc cưỡng bức tự hủy từ mặt đất, tự phá hủy mạch khởi động đầu nổ hạt nhân hoặc cưỡng bức đóng mạch khi chệch mục tiêu hoặc tàu ngầm mang tên mửa bị đánh đắm. JL-2 có khả năng mang 01 đầu nổ thường 1.000 kg hoặc 01 đầu nổ hạt nhân 25 KT. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến nhận định JL-3 có tầm bắn ước tính tới 12.000 km, mang được 5-7 đầu đạn với sức mạnh tương đương 16 quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima. Mỗi tàu Type-096 có thể mang tới 24 tên lửa JL-3, đủ sức đe dọa gần như toàn bộ khu vực Bắc Mỹ mà không cần rời vùng biển gần Trung Quốc. Lớp tàu ngầm này dự kiến sẽ được biên chế trong thập niên 2020, tăng cường đáng kể năng lực răn đe hạt nhân của Bắc Kinh.

Giới chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc nhận định việc Bắc Kinh thử nghiệm thành công JL-3 sẽ nâng cao năng lực tác chiến hạt nhân trên biển của Trung Quốc. Chuyên gia quân sự Lý Kiệt cho biết khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc sẽ được tăng cường đáng kể khi JL-3 đạt được tầm bắn đầy đủ. Các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Trung Quốc phóng trên đất liền đạt tầm bắn 12.000 km, có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở lục địa Mỹ trong vòng một giờ. Nếu Trung Quốc có thể cải thiện khả năng tấn công của JL-3, nó sẽ tạo cho Bắc Kinh nhiều quyền lực hơn trong các vấn đề quân sự, ngoại giao và kinh tế. Ngoài ra, tầm bắn xa hơn của tên lửa JL-3 cũng sẽ cho phép các tàu ngầm Trung Quốc tấn công các mục tiêu ở sâu trong lục địa, giảm thiểu sự di chuyển vào vùng biển gần đối phương trong một cuộc xung đột, tăng khả năng sống sót cho kíp lái tàu.

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định khả năng này có thể được hoàn thiện trong vòng 4 năm tới, khi các tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ tiếp theo của Trung Quốc được hạ thủy. Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự ở Hong Kong cho biết khi những tàu ngầm mới đi vào hoạt động, tên lửa JL-3 sẽ phát huy hết tiềm năng của nó. Tuy nhiên, theo ông Tống Trung Bình Trung Quốc sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua hạt nhân với Nga và Mỹ bằng cách chế tạo hàng nghìn đầu đạn hạt nhân và các tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) đắt đỏ. Trung Quốc chỉ phát triển số lượng nhỏ SSBN và tên lửa SLBM khi trọng tâm chính của PLA là đảm bảo khả năng đáp trả trong trường hợp Trung Quốc bị tấn công hạt nhân. Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc sẽ không thể bắt kịp về số lượng, thay vào đó Bắc Kinh sẽ tập trung cải thiện công nghệ để thu hẹp khoảng cách với Mỹ và Nga về tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Trên thực tế, năng lực tác chiến của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc vẫn còn kém hơn so với Mỹ và Nga. Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược, mỗi tàu có thể mang theo 16 SLBM JL-2. Trong khi đó, Hải quân Mỹ có 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio, mỗi tàu có thể mang theo 24 SLBM Triden II. Washington đang phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược Columbia thế hệ tiếp theo để trang bị phiên bản nâng cấp của tên lửa Trident II, một trong những SLBM tiên tiến nhất thế giới. Hải quân Nga có khoảng 10 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta III/IV, cùng với 3 tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới lớp Borei, mỗi tàu có thể mang theo 16 SLBM Bulava. Moscow dự kiến đóng mới thêm 5 tàu ngầm hạt nhân lớp Borei vào năm 2020.

RELATED ARTICLES

Tin mới