Theo Bộ trưởng Kinh tế Lebanon Raed Khoury, Trung Quốc không “coi Lebanon là một nước nhỏ bé với 4 triệu công dân mà là một nước có tiềm lực to lớn xét về vị trí địa lý”.
Hồi tháng 1/2018, Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế của Trung Quốc đã chọn Lebanon là trụ sở của họ ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Hồi tháng 12/2018, cảng Tripoli đã trở thành cảng trung tâm cho các chuyến hải vận hàng tuần từ Trung Quốc đến khu vực Đông Địa Trung Hải.
Trung Quốc cũng đang thúc đẩy thảo luận việc khôi phục mạng lưới đường sắt nối từ thủ đô Tripoli của Libya đến thành phố Homs của Syria, kèm theo đó là kế hoạch xây dựng Đặc khu Kinh tế Tripoli gần cảng này. Khi đó, thủ đô Tripoli có thể trở thành một trung tâm kết nối hiệu quả với một số khu vực bị tàn phá nặng nề nhất của Syria như Homs và Aleppo.
Tham gia tái thiết Syria và đầu tư vào Trung Đông là mũi tên trúng nhiều đích của Trung Quốc
Điều này có thể cho phép sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đóng một vai trò tích cực trong nỗ lực tái thiết và ổn định sau xung đột, trong khi các nước phương Tây lại đang cản trở nguồn tài trợ tái thiết cho Syria.
Giới phân tích đánh giá Trung Quốc đang ngày càng trở nên mạnh hơn bằng việc chi hàng nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trong 20 năm qua, trong khi phương Tây do Mỹ đứng đầu đã chi hàng nghìn tỷ USD vào việc “chiến tranh” trong những năm qua.
Không chỉ mạnh về kinh tế, Trung Quốc cũng đang tỏ rõ sự táo bạo về quân sự khi từng bày tỏ ý định sẵn sàng can thiệp quân sự vào Syria.
Đại sứ Trung Quốc tại Syria Tề Tiền Tiến hồi tháng 8 năm ngoái tuyên bố Bắc Kinh có thể sớm triển khai các lực lượng nhằm hỗ trợ quân đội Syria trong cuộc tấn công Idlib, nơi có sự hiện diện của các tay súng người Duy Ngô Nhĩ.
Máy bay Su-34 của Nga ném bom mục tiêu khủng bố tại Syria
Phát biểu với tờ Al-Watan của Syria, quan chức ngoại giao này nói rõ quân đội Trung Quốc “sẵn sàng tham gia theo cách nào đó cùng với quân đội Syria trong cuộc giao tranh chống các phần tử khủng bố ở Idlib và bất kỳ khu vực nào ở quốc gia Trung Đông này”.
Các chuyên gia dự báo nếu Trung Quốc “ra tay” can dự vào cuộc chiến ở Syria, các lực lượng của chính quyền Syria, vốn đã có sự hỗ trợ của Nga và Iran, sẽ như “hổ mọc thêm cánh”.
Nhà phân tích Daniel Patrick Welch cho rằng Trung Quốc và Nga đang đặt ra thách thức đối với sức mạnh, tầm ảnh hưởng và các lợi ích của Mỹ. Theo chuyên gia này, “Mỹ đơn giản là không thể làm những gì mà họ muốn trên khắp thế giới nếu các thỏa thuận quân sự giữa Trung Quốc và Nga đang có hiệu lực”.
Các bước đi của Trung Quốc ở Trung Đông được đánh giá là khôn khéo và hợp thời. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là Nga mới sắm vai người đi trước “mở đường”. Sự can dự quân sự của Nga ở Syria mới là yếu tố mang tính quyết định buộc Mỹ gần như chấp nhận thua cuộc.