Monday, January 6, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ có thực sự xuống thang để hạ nhiệt căng thẳng với...

TQ có thực sự xuống thang để hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ?

Đàm phán Mỹ – Trung bước sang ngày làm việc thứ 2 và liệu Bắc Kinh có thực sự xuống thang khi phát tín hiệu muốn hạ nhiệt căng thẳng với Washington?

Trung Quốc có thực sự xuống thang để hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ? Ảnh: Reuters

Phía Trung Quốc có vẻ như đang phát đi tín hiệu muốn “hạ nhiệt căng thẳng”, khi sự có mặt của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại vòng đàm phán cấp Thứ trưởng Thương mại lần này được xem là động thái thể hiện rõ sự thiện chí cũng như quyết tâm của Bắc Kinh trong việc đạt thỏa thuận với Washington.

Các cuộc đàm phán đang được xúc tiến, với trọng tâm ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực chính như các biện pháp phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, nông nghiệp và mua hàng công nghiệp.

Sau ngày họp đầu tiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng không cung cấp bất cứ thông tin chi tiết nào liên quan đến tiến triển đàm phán thương mại Mỹ – Trung. Song vị quan chức này khẳng định hai bên đều bày tỏ mong muốn hợp tác để thực thi sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được và rằng, Trung Quốc thực sự mong muốn giải quyết các bất đồng thương mại với Mỹ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau:

“Ngay từ đầu, chúng tôi đã tin rằng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là một tình huống tích cực cho cả hai nước cũng như nền kinh tế thế giới. Trung Quốc có thiện chí – trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau – để giải quyết các xung đột thương mại giữa hai bên.

Về hiện trạng nền kinh tế Trung Quốc có tốt hay không, như tôi đã giải thích trước đó, Trung Quốc có sự bền bỉ và tiềm năng phát triển to lớn. Chúng tôi luôn vững tin vào nền tảng phát triển mạnh mẽ lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc.”

Mặc dù không trực tiếp tham gia các cuộc thảo luận kéo dài 2 ngày, song Phó Thủ tướng Lưu Hạc – trợ lý hàng đầu về kinh tế cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã có mặt để chào đón nồng nhiệt phái đoàn Mỹ, cho thấy Trung Quốc đánh giá cao vòng đàm phán lần này.

Các cuộc thảo luận đang diễn ra cũng được giới quan sát đánh giá là đóng vai trò quan trọng vì hai bên sẽ đánh giá những đề nghị và yêu cầu, cũng như mức độ thực hiện những cam kết ban đầu, có thể xoay quanh khả năng tiếp cận thị trường, cải thiện cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giảm thặng dư thương mại.

Đàm phán nhằm rút ngắn sự cách biệt giữa hai bên diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm khi chỉ còn 52 ngày nữa là hết thời gian “đình chiến” thương mại Mỹ – Trung, hai nước cần phải đạt được thỏa thuận thương mại trước ngày 1/3 tới. Chính vì vậy, đây cũng được xem là thời điểm quan trọng để cả hai bên vạch ra một lộ trình rõ ràng về những gì có thể được thực hiện.

Trung Quốc vừa qua đã có hàng loạt bước đi nhằm xoa dịu căng thẳng với Mỹ như nối lại nhập khẩu đậu nành từ Mỹ, hoãn kế hoạch đánh thuế lên ô tô, hay đưa ra quy định bảo vệ quyền công nghệ của các công ty nước ngoài.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đưa ra nhận định rằng, điểm yếu trong nền kinh tế đã khiến Trung Quốc phải tìm kiếm thoả thuận với Mỹ, song người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã ngay lập tức bác bỏ quan điểm này của nhà lãnh đạo Mỹ.

Ông Lục Khảng nhấn mạnh, hiện trạng của nền kinh tế Trung Quốc không phải là động lực hướng tới các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, mà cuộc chạm trán thương mại trực tiếp lần này được tổ chức theo sự đồng thuận giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/12 vừa qua tại Argentina.

Về phía Mỹ, giới chức nước này vừa xác nhận các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt đẹp và thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã không đưa ra bất cứ đe dọa đánh thuế mới nào kể từ khi việc đình chiến được công bố.

Tuy nhiên, bất chấp những diễn biến tích cực kể trên, dù đặt rất nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán thương mại lần này, song không ít ý kiến của giới chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại rằng, những hạn chế về thời gian và một loạt các vấn đề còn nhiều bất đồng giữa hai nước sẽ trở thành vật cản cho việc đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.

Chưa kể thời điểm này cũng chưa thể chắc chắn về sự xuống thang của Trung Quốc khi truyền thông nước này vẫn tuyên bố Bắc Kinh sẽ không “giương cờ trắng”, chấp thuận tất cả các yêu cầu của Washington.

RELATED ARTICLES

Tin mới