Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngDư luận các nước lên án mạnh mẽ việc TQ ngăn cản,...

Dư luận các nước lên án mạnh mẽ việc TQ ngăn cản, xuôi đuổi ngư dân Việt Nam ở tại các ngư trường Hoàng Sa

Biển Đông vốn là vùng biển đã gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam và các nước khu vực, trong đó nghề cá đang nuôi sống hàng triệu người, biết bao thế hệ sống trong vùng biển này. Tuy nhiên, trong những năm qua, Trung Quốc đã đưa ra những yêu sách chủ quyền phi pháp, hành động ngang ngược khi sử dụng vũ lực đe dọa, cản trở thậm chí sẵn sàng đâm chìm tàu cá Việt Nam ngay tại ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa.

Tàu cá của Việt Nam thường xuyên bị xuôi đuổi, tấn công ngay trong ngư trường truyền thống ở quần đảo Hoàng Sa.

Phát biểu trước thềm Hội nghị Đại dương dự kiến được tổ chức ở Bali Indonesia (10/2018), Bộ trưởng Bộ Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti đã chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc ngăn cản, tấn công tàu cá của ngư dân đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc, quốc gia sở hữu số tàu đánh cá lớn nhất thế giới về hành vi phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia. Bộ trưởng Susi Pudjiastuti cho biết “Chúng tôi (Inodnesia) có một số bất đồng với Trung Quốc về các vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không có nguyên tắc trật tự và không được báo cáo, tuy nhiên họ (Trung Quốc) vẫn không đồng ý rằng đó là phạm tội xuyên quốc gia. Nếu không có sự hợp tác từ quốc tế, chúng tôi sẽ không thể xử lý vấn đề này”. Theo thống kê của cơ quan chức năng Indonesia, trong 4 năm qua (2014-2018), Chính phủ Indonesia đã cấm 10.000 tàu nước ngoài đăng ký đánh bắt cá trong vùng biển của Indonesia. Trong đó, hàng trăm tàu đã bị tịch thu và bị đánh chìm. Đa số các tàu đến từ Trung Quốc, Đài Loan. Giới chuyên gia cho rằng do trữ lượng cá trong nước của Trung Quốc giảm nhanh chóng, một phần là do nhu cầu dùng hải sản tươi sống ngày càng gia tăng của giới trung lưu nên chính quyền Bắc Kinh đã khuyến khích ngư dân nước này “đánh bắt ngoài khơi xa”, vượt xa khu kinh tế đặc quyền của Trung Quốc, thậm chí còn xâm phạm vào khu vực thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của các nước khác ở Biển Đông. Mỗi năm một tàu có dung tích 100 GT (khoảng 2,83 m3) của Trung Quốc có thể bắt được 2.000 tấn cá. Tháng 7/2018, Giám đốc Học viện Các vấn đề Hàng hải và Luật biển Philippines, Tiến sĩ Jay Batongbacal cảnh báo nghề cá ở Biển Tây Philippines cũng như toàn bộ Biển Đông đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn trong vòng một thập kỷ tới. Nguyên nhân là do tình trạng đánh bắt thủy sản và tận diệt san hô của ngư dân Trung Quốc, dẫn đến sản lượng đánh bắt thủy sản ở Biển Đông đã xuống mức báo động. Mặc dù Chính phủ Philippines cho biết sẽ đưa vấn đề nêu trên ra cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc, song Tiến sĩ Jay Batongbacal khuyến cáo Chính phủ Philippines nên có một “nỗ lực cấp bách hơn” để thay đổi chính sách của mình từ chỗ “quan sát một cách thụ động” sang có các hành động bảo vệ tích cực hơn. “Chúng tôi thực sự cần bảo vệ môi trường sống của cá và trữ lượng cá ở Biển Đông” theo ông Jay Batongbacal.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Mỹ (CSIS), tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong vòng 20 năm qua; đến năm 1990, sản lượng cá ở một số khu vực ở Biển Đông đã giảm 90% so với những năm 1960. Số lượng loài cá mú chấm nhỏ trong vòng 8 năm qua đã giảm 80%. Một số loài hiện nay đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Mới đây, tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã công bố bản đồ về điều tra trữ lượng cá ở Biển Đông cho thấy các ngư trường phía Bắc Biển Đông (giáp Trung Quốc), Vịnh Bắc Bộ, và phía Tây Biển Đông (giáp Việt Nam) đã bị khai thác hầu như cạn kiệt. Vùng xung quanh quần đảo Trường Sa chỉ còn một trữ lượng cá nhất định. Ngoài ra, nhiều loài sinh vật biển trong khu vực Biển Đông như cá ngừ vây xanh, san hô, rùa biển, trai tai tượng… đang phải đối mặt với mối đe dọa tuyệt chủng do hoạt động khai thác đánh bắt quá mức và môi trường sinh sống bị phá hủy. Hiện Trung Quốc là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông.

Tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc nổi tiếng hung hán và liều lĩnh khi hoạt động trên biển. Trung Quốc đang sử dụng một hạm đội tàu cá để thu thập thông tin về các tàu nước ngoài hoạt động ở Biển Đông. Các tàu này được trang bị hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) để liên lạc với tàu phòng vệ bờ biển, nhiều tàu còn mang theo cả vũ khí. Các chuyên gia ngành công nghiệp đánh bắt Trung Quốc tiết lộ, nguồn trợ cấp từ chính phủ cho phép ngư dân sử dùng các tàu sắt công suất lớn thay vì tàu gỗ. Hệ thống GPS được trang bị cho ít nhất 50.000 tàu, nhằm giúp đội tàu cá liên lạc với tàu phòng vệ bờ biển Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp, kể cả đụng độ với tàu nước ngoài. Nhiều tàu mang cả vũ khí loại nhỏ. Đội tàu cá ở một thị trấn cảng tại đảo Hải Nam được huấn luyện quân sự, trợ cấp mọi thứ, kể cả nhiên liệu để thực hiện cái gọi là “lực lượng dân quân biển” tiến ra Biển Đông.

Tàu cá Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc xuôi đuổi và tấn công khi đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Vụ việc xảy ra hôm 30/7/2017 tại địa điểm cách Đông Nam đảo Cù Lao Xanh, Bình Định 145 hải lý, tàu Bình Định số hiệu 96101 TS bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm vào mạn phải rồi bỏ chạy, làm một ngư dân bị thương nhẹ, tàu hư hỏng nặng. Gần đây nhất, hôm 21/4/2018, hai tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đã đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS của Việt Nam ở vùng biển cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông Nam. Ngày 24/5/2018, khi đang đánh bắt tại vùng biển cách đá Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về hướng Tây Nam, tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 96798 TS của Việt Nam đã bị chìm sau khi va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 31102.

Philippines cũng là nước xảy ra nhiều vụ tàu cá của người dân bị tàu Trung Quốc đe dọa và tấn công trên biển. Tháng 6/2012, một ngư dân Philippines đã thiệt mạng và bốn người mất tích khi tàu của họ bị một tàu Trung Quốc đâm chìm ngoài khơi tỉnh Pangasina. Năm 2014, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã phun vòi rồng để xuôi đuổi tàu cá Phillippines tại Bãi cạn Scarborough. Tháng 2/2015, Chính quyền Philippines tiếp tục tố cáo tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm hỏng ba tàu cá Philippines tại khu vực Bãi cạn Scarborough của Philippines. Vào tháng 5/2018, một nhóm phóng viên của hãng tin GMA News đã dùng điện thoại quay lại toàn bộ vụ việc hai cảnh sát biển Trung Quốc lên một tàu cá Philippines và lấy cá mà ngư dân Philippines đánh bắt ở Bãi cạn Scarborough.

Đối với Indonesia, vài năm trở lại đây, tàu cá và tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên xâm phạm, xuôi đuổi và tấn công tàu cá và lực lượng chấp pháp của Indonesia tại quần đảo Natuna (khu vực EEZ của Indonesia). Trung Quốc cũng đòi hỏi có chủ quyền trong khu vực này theo “đường lưỡi bò”. Trong tháng 3/2016, lực lượng tuần duyên Indonesia đã bắt giữ tàu cá Kway Fey của Trung Quốc cùng 8 thuyền viên đánh bắt trái phép ở vùng biển Natuna. Tuy nhiên, khi lực lượng chấp pháp Indonesia đang lai dắt tàu cá này, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã can thiệp, đe dọa và yêu cầu tàu Indonesia thả tàu Kway Fey trong vòng 30 phút. Phía Chính phủ Indonesia sau đó đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc.

Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Giám sát đánh cá toàn cầu (Global Fishing Watch) công bố hôm 23/2/2018 cho thấy, hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc vươn xa nhất thế giới và có quy mô rầm rộ nhất, lớn hơn cả tổng quy mô của 10 vị trí tiếp theo. Theo Báo cáo tàu cá Trung Quốc đã hoạt động khoảng 17 triệu giờ trong năm 2016, tập trung tại khu vực Biển Đông, đồng thời vươn xa đến cả châu Phi và châu Mỹ. Xếp thứ 2 là Đài Loan với 2,2 triệu giờ đánh bắt. Ông David Kroodsma, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Global Fishing Watch cho biết “Trung Quốc là quốc gia đánh cá nhiều nhất và tầm hoạt động của các tàu cá Trung Quốc còn lớn hơn nhiều người nghĩ”. Còn theo báo cáo của tổ chức môi trường “Hòa bình Xanh” (Green peace) thì Trung Quốc hiện có khoảng 2.500 tàu đánh bắt ở vùng biển xa và luôn luôn không được chào đón. Cũng theo các tổ chức nghiên cứu này thì điều đang quan ngại là tình trạng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm tại vùng biển các nước ngày càng phổ biến và mức độ chống trả lực lượng chức năng các nước của tàu này cũng ngày càng quyết liệt, liều lĩnh và nguy hiểm.

Tàu cá Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền các nước và đang gây ra những mối nguy hiểm chết người. Theo luật quốc tế, tàu cá một nước không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác và được Liên hợp quốc quy định là 200 km tính từ bờ biển. Vậy mà tàu Trung Quốc đã vươn xa ra tận các vùng biển của châu Phi, châu Mỹ, khu vực Australia, Bắc và Nam Âu, thậm chí vào tận vùng đặc quyền kinh tế của các nước.

Tại châu Mỹ, Bộ An ninh Argentina (6/5/2018) cho biết Argentina đã bắt giữ và phạt tàu đánh cá “Jing Yuan 626” của Trung Quốc 09 triệu peso (khoảng 400.000 USD) vì đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này. Tàu đánh cá Jing Yuan 626 bị phát hiện khai thác trái phép trong vùng biển của Argentina ngày 21/2 vừa qua, nhưng đã phớt lờ cảnh báo của lực lượng biên phòng Argentina và chạy thoát ra hải phận quốc tế với sự trợ giúp của một số tàu đánh cá khác mang cờ Trung Quốc. Sau khi bắn một số loạt đạn cảnh cáo, biên phòng Argentina đã xác định được số hiệu của con tàu này và yêu cầu cơ quan tư pháp vào cuộc để xử lý vụ vi phạm. Tháng 3/2016, một tàu cá của Trung Quốc cũng đã bị Argentina bắt và đánh chìm sau khi cố tình đụng độ với tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Argentina để trốn thoát khi bị phát hiện đánh bắt hải sản trái phép ở ngoài khơi Puerto Madryn, trong vùng đặc quyền kinh tế của Argentina. Tháng 8/2017, Chính phủ Ecuador cho biết nước này đã bắt giữ toàn bộ thủy thủ của 01 tàu cá Trung Quốc vì đánh bắt và vận chuyển trái phép cá mập ở quần đảo Galapagos. Đáng chú ý, số lượng cá mập có trên tàu lên tới 300 tấn. Hầu hết số cá này là cá mập, trong đó có loài cá mập đầu búa đang được bảo vệ. Những kẻ bị bắt sẽ phải đối mặt với hình phạt lên đến 03 năm tù giam vì tội đánh bắt trái phép các chủng loài được bảo vệ. Hiện nay, nhu cầu về vây cá tăng cao đang khiến các loài cá mập đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị buôn bán bất hợp pháp.

Tại châu Á, theo Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ Cục quản lý thủy sản biển Tây Hàn Quốc (5/2018) cho biết, tính từ đầu năm 2018 đến nay Hàn Quốc đã thu giữ tổng cộng 31 tàu cá của Trung Quốc vì đánh bắt bất hợp pháp, với số tiền phạt lên tới 2,7 tỷ Won. Trong đó, Hàn Quốc đã phá hủy 07 tàu cá của Trung Quốc vì đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển của Hàn Quốc. Vào năm 2015, Hàn Quốc đã phải yêu cầu Trung Quốc ký thỏa thuận về việc bắt giữ và phá hủy tàu cá có hành vi vi phạm nghiêm trọng nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không được kiểm soát của ngư dân Trung Quốc. Theo Yonhap, nạn đánh cá trái phép của các tàu Trung Quốc trở thành một vấn đề đau đầu từ lâu đối với Hàn Quốc. Ngư dân Trung Quốc thường sử dụng bạo lực để chống lại khi bị trấn áp, dẫn đến những xung đột đôi khi gây thương vong. Tháng 1/2018, Lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc cũng phải bắn hàng trăm phát đạn để xua đuổi 50 tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển cách đảo Gageo-do phía Tây Nam Hàn Quốc khoảng 60 km. Trước đó, vào tháng 12/2017, cảnh sát biển Hàn Quốc cũng chạm trán và bắn cảnh cáo hơn 40 tàu Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc ở vùng biển phía Tây nước này. Tháng 10/2016, 01 tàu Trung Quốc đã liều lĩnh đâm 01 tàu tuần tra của Lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc khi bị phát hiện và truy đuổi. Phía Hàn Quốc cho biết đặc điểm cực kỳ đáng ngại của ngư dân Trung Quốc là dù đánh bắt lậu nhưng ra quân rất đông đảo. Khi một tàu cá bị bắt hay bị truy đuổi, rất nhiều chiếc khác của Trung Quốc cùng hóm đã hùa vào thách thức và đối đầu lực lượng chức năng sở tại, dẫn tới những diễn biến phức tạp khó lường, thậm chí gây chết người. Vào năm 2011, một sĩ quan Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc đã bị ngư dân Trung Quốc đâm chết. Phía tuần duyên Hàn Quốc từng công bố nhiều video cho thấy ngư dân Trung Quốc vung rìu và các ống kim loại để ngăn cản lực lượng chức năng lên tàu kiểm tra. Tình trạng tàu cá Trung Quốc xâm phạm khu vực đặc quyền kinh tế, đánh bắt trộm hải sản và san hô đỏ cũng diễn ra tương tự tại vùng biển của Nhật Bản.

Tại châu Phi, tổ chức môi trường “Hòa bình Xanh” cho biết trong năm 2017, hàng chục tàu cá Trung Quốc đã bị bắt giữ và xử phạt vì đánh bắt lậu ở vùng đặc quyền kinh tế của Senegal Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau thuộc vùng biển Tây Phi. Thành viên của tổ chức Hòa bình Xanh cho biết số lượng tàu Trung Quốc bị bắt giữ khá lớn, gây ngạc nhiên cho nhà chức trách địa phương bởi chủ các tàu cá đã biết trước về chiến dịch tuần tra xử lý của cơ quan chức năng các nước, song vẫn cố tình vi phạm. Khu vực Tây Phi sở hữu những vùng biển giàu tài nguyên nhất thế giới nhưng nguồn cá đang dần cạn kiệt do bị đánh bắt trái phép. Một nghiên cứu trên tạp chí Frontiers ước tính hằng năm, các nước Tây Phi bị tổn thất khoảng 2,3 tỉ USD do hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và mất kiểm soát.

Hiện nay Trung Quốc đang mưu toan kiểm soát tài nguyên Biển Đông, trong đó có nghề cá đã khiến đời sống của ngư dân Việt Nam và các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thủ đoạn của Trung Quốc gồm: Một là, ráo riết nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng “Ngư trường thông minh” tại các vùng biển sâu ở Biển Đông. Vừa qua Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Vũ Xương (Công ty con của Tổng Công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc) đã khởi công dự án xây dựng “Ngư trường thông minh”, có thể chống chọi trước các cơn bão mạnh và chỉ cần 9 công nhân phục vụ tại trại hỗ trợ, nơi họ có thể cho cá ăn, vớt cá và làm sạch lồng bằng điều khiển từ xa. “Ngư trường thông minh” của Trung Quốc thực chất là tổ hợp gồm 3 trại cá và 1 trại hỗ trợ. Mỗi trại cá là một lồng lưới thép hình lục giác lớn, có kích thước 110 m x 75 m và có thể chứa 250.000 mét khối nước và nuôi 10 triệu con cá nục. Theo giới chức Trung Quốc, các “Ngư trường thông minh” này sẽ sớm được triển khai các vùng biển sâu ở Biển Đông và dự kiến, sản lượng của mỗi lồng thép này sẽ đạt khoảng 6.000 tấn cá. Trước đó, hồi tháng 6/2017, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Vũ Xương cũng đã bàn giao cho Công ty SalMar ASA của Na Uy một trại cá nửa chìm, nửa nổi lớn. Trong tương lai, nếu được triển khai tại các vùng biển sâu, vùng biển tranh chấp do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông, những “ngư trường thông minh” này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện, củng cố các tuyên bố chủ quyền, đồng thời Trung Quốc sẽ tiếp tục xuôi đuổi ngư dân các nước ra xa khỏi những “ngư trường thông minh” này. Hai là, ngang nhiên tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền đối với toàn bộ các “ngư trường truyền thống” ở Biển Đông. Tháng 3/2016, Chính phủ và người dân Indonesia đã phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc tuyên bố nước này có chủ quyền đối với “ngư trường truyền thống” ở quần đảo Natuna của Indonesia. Phát biểu trước các phóng viên hôm qua, ông Arif Havas Oegroseno, Thứ trưởng Điều phối Hàng hải và Tài nguyên biển của Indonesia cho biết tuyên bố mà Trung Quốc đưa ra về “ngư trường truyền thống” của nước này ở quần đảo Natuna là hoàn toàn phi pháp, không được công nhận theo UNCLOS 1982. Ông cho rằng tuyên bố của Trung Quốc “là điều bịa đặt, mơ hồ về mặt thời gian, không rõ năm tháng nào nó trở thành lịch sử, truyền thống”. Theo ông Oegrosen, UNCLOS 1982 không công nhận ngư trường truyền thống và chỉ công nhận “quyền đánh bắt cá truyền thống” do công dân của một quốc gia thực hiện trong phạm vi một nước khác nhưng phải được thông qua bằng hiệp ước với bên liên quan. Indonesia cho đến nay chỉ có một hiệp ước về quyền đánh cá truyền thống với Malaysia và được áp dụng trong một khu vực cụ thể. Indonesia vốn không phải một bên trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông, song nước này đã bị kéo vào cuộc, sau khi Trung Quốc tuyên bố Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia là một phần trong “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc và tàu cá Trung Quốc được tự do đánh bắt trong khu vực này. Còn theo Chỉ huy Hạm đội phía Tây của Hải quân Indonesia, Chuẩn Đô đốc Taufiq R nhận định sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nhăm nhe “đánh dấu lãnh thổ” trong vùng biển của Indonesia. Theo hãng tin Channel News Asia của Singapore nhận định, phía Trung Quốc thường sử dụng chiêu bài và cụm từ “ngư trường truyền thống” để bao biện cho các sai trái của tàu cá nước này trong vùng EEZ của nước khác. Trung Quốc cũng thường xuyên tuyên bố các vùng biển ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Vùng biển phía Tây Philippines là các “ngư trường truyền thống” của mình và ngư dân cũng như tàu thuyền Trung Quốc có quyền hoạt động, xuôi đuổi tàu thuyền các nước khác. Ba là, đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên toàn Biển Đông. Từ năm 1999 đến nay, hàng năm Trung Quốc đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6. Gần đây nhất, Trung Quốc (8/2/2018) đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8, trên phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm này cũng được áp dụng ở vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông. Phía Việt Nam đã nhiều lần phản đối, nêu rõ “Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”. Quy định của Trung Quốc cũng đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Quy chế của Trung Quốc cũng không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay. Đối với Philippines, nước đang thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc và từng nhận được nhiều cam kết từ phía Trung Quốc, song trên thực tế tàu thuyền Trung Quốc cũng thường xuyên vi phạm ngư trường và đe nạt ngư dân của Philippines ngay trong EEZ. Bốn là, trang bị vũ khí và sẵn sàng hỗ trợ tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển của các nước. Trung Quốc là nước có đội tàu cá đông nhất thế giới (khoảng 450.000 tàu cá), trong đó khoảng 200.000 tàu đánh cá đại dương. Hàng năm, số tàu cá Trung Quốc khai thác, đánh bắt khoảng 71 triệu tấn cá ở khu vực Biển Đông. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về tốc độ phát triển nghề cá. Những tàu cá của Trung Quốc thường được trang bị súng, mìn, vòi rồng, hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc và dễ dàng nhận được sự “trợ giúp” của lực lượng này. Tại Nam Hải, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp cảnh báo, phát hiện các tàu nước ngoài. Theo các chuyên gia, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước. Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho tàu cá, thậm chí ra tay can thiệp khi tàu cá bị cơ quan hành pháp của nước khác truy đuổi, bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Biển Đông vốn là vùng biển đã gắn bó lâu đời với nhân dân các nước, trong đó nghề cá đang nuôi sống hàng triệu người dân, biết bao thế hệ sống trong vùng biển này. Đây là nguồn lợi chung cần được các quốc gia chung tay giữ gìn, bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay những hành động nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân các nước. Điều này là hoàn toàn trái với các cam kêt của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS mà Trung Quốc là nước tham gia ký kết. Để đối phó với các hoạt động gây hại của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước ven biển ASEAN cần tăng cường hợp tác, đặc biệt để bảo vệ các nguồn tài nguyên trong khu vực. Trên cấp độ khu vực, các nước có thể hợp tác kiểm soát hoạt động khai thác tài nguyên cá thông qua việc thành lập một tổ chức nghề cá khu vực, để có tiếng nói chung trong vấn đề này, cũng như trong việc tố cáo, lên án những hành động phi pháp của Trung Quốc. Trên cấp độ quốc gia, các nước ven bờ cần tăng cường khả năng kiểm soát trên biển và có các quy định mạnh để đối phó hoạt động đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc. Đồng thời, các nước cần phối hợp xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống, tuyên truyền phổ biến luật pháp tới người dân nhằm hạn chế tối đa hoạt động đánh cá bất hợp pháp ở Biển Đông của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới