Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÝ đồ thâm sâu của TQ trong cuộc cưỡng chiếm Hoàng Sa...

Ý đồ thâm sâu của TQ trong cuộc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974

Nhìn lại trận chiến Hoàng Sa năm 1974 cho thấy Trung Quốc hành xử có tính toán rất thâm sâu. Mặc dù cưỡng chiếm Hoàng Sa không tạo nên danh nghĩa chủ quyền vì trái với luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn quyết hành động để phục vụ những ý đồ chiến lược lâu dài vươn lên thành cường quốc khu vực.

45 năm trước vào ngày 19/01/1974, Trung Quốc phát động cuộc chiến xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam. Hải quân của Trung Quốc tấn công lực lượng hải quân Việt Nam canh giữ tại đảo Quang Hoà ở phía Tây Hoàng Sa, và kể từ đó toàn bộ Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc.

Không có danh nghĩa chủ quyền

Mặc dù chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa nhưng Trung Quốc không có danh nghĩa chủ quyền đối với Hoàng Sa xét theo các quy định của luật pháp quốc tế có hiệu lực vào thời điểm đó.

Thứ nhất, hành động của Trung Quốc là xâm lược lãnh thổ của Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa xác lập từ triều đại nhà Nguyễn trong thế kỷ XVII, khi đó Hoàng Sa là lãnh thổ vô chủ chưa thuộc về quốc gia nào. Việt Nam sau đó thực thi chủ quyền hoà bình và quản lý liên tục và hiệu quả đối với Hoàng Sa. Trong giai đoạn thực dân đô hộ, Pháp với danh nghĩa là bảo hộ Đông Dương (gồm Việt Nam) tiếp tục thực thi chủ quyền với Hoàng Sa. Năm 1954, Pháp chuyển giao Hoàng Sa cho Việt Nam Cộng hoà theo tinh thần Hiệp định Geneva. Năm 1975, Việt Nam dân chủ cộng hoà tiếp nhận quyền quản lý với Hoàng Sa khi hai miền thống nhất.

Thứ hai, hành động của Trung Quốc vi phạm Điều 02 của Hiến chương Liên hợp quốc về cấm các quốc gia sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Đây là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế điều chỉnh hành vi của các cuốc gia và Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ vì là thành viên thành lập và ký kết Hiến chương. Nguyên tắc không sử dụng vũ lực còn được cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay coi đe doạ hay sử dụng vũ lực như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia.”

Thứ ba, hành động của Trung Quốc không tạo thành chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa. Nghị quyết 2625 cũng nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp.”

Ý đồ đằng sau

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn quyết chiếm cho bằng được Hoàng Sa để phục vụ cho các tính toán chiến lược của nước này.

Thứ nhất, Trung Quốc lợi dụng lúc tình hình quốc tế xáo trộn để trục lợi và xâm chiếm mở rộng lãnh thổ. Trung Quốc nhân lúc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đang vướng bận chiến đấu chống Mỹ và sắp giành chiến thắng nên Trung Quốc chiếm đóng trước để tránh trường hợp Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đưa lực lượng ra tiếp quản Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hoà. Trung Quốc tính toán một khi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp quản Hoàng Sa thì Trung Quốc khó có cơ hội mở rộng lãnh thổ ra Biển Đông vì Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lúc đó được sự hậu thuẫn từ Liên Xô, được Trung Quốc coi là đối thủ sau chiến tranh biên giới Xô-Trung năm 1969. Trung Quốc cũng lo ngại Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô có thể vào Biển Đông và hiện diện ở Hoàng Sa thì Trung Quốc sẽ nằm trọn trong gọng kìm của Liên Xô (cùng với biên giới phía Bắc với Liên Xô). Do đó, ngay sau khi chiếm Hoàng Sa, Trung Quốc liền nhanh chóng điều động và lắp đặt các thiết bị quân sự, trạm ra-đa, cầu tàu, cảng biển, kho vận,… trên Hoàng Sa để làm bàn đạp tiến xuống xâm chiếm phần phía Nam Biển Đông về sau, nhất là Trường Sa.

Thứ hai, Trung Quốc giành kiểm soát với nguồn tài nguyên xung quanh Hoàng Sa, đặc biệt là nguồn tài nguyên dầu khí. Thông tin về dầu khí ở Biển Đông nổi lên từ những năm 1960 đã thu hút sự chú ý của Trung Quốc. Kiểm soát được tài nguyên xung quanh Hoàng Sa và dầu khí không những mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngân sách quốc gia mà còn là nguyên nhiên liệu phục vụ công cuộc cải cách mở cửa kinh tế, nhất là phát triển các ngành chế tạo phục vụ xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc.

Thứ ba, Hoàng Sa có giá trị địa chiến lược về kiểm soát không gian Biển Đông. Từ Hoàng Sa, Trung Quốc có thể kiểm soát các vùng biển lân cận và các tuyến đường vận tải từ Đông Bắc Á xuống Biển Đông, đến các nước Đông Nam Á và sang Ấn Độ Dương. Đây là tuyến đường vận tải biển huyết mạch của các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kiểm soát được tuyến đường biển này giúp tăng giá trị của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với Nhật Bản và Hàn Quốc ở Đông Bắc Á.

Thứ tư, chiếm Hoàng Sa để thử phản ứng các nước lớn trong tham vọng vươn lên thành cường quốc của Trung Quốc. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô là hai siêu cường dẫn dắt hai cực nên Trung Quốc rất chú ý đến phản ứng của hai nước này. Mỹ, Liên Xô hiểu ý đồ hành động của Trung Quốc nhưng hai nước gặp cái khó riêng. Mỹ vừa mới hoà dịu với Trung Quốc (Nixon thăm Trung Quốc năm 1972) và đang thua trận, rút quân khỏi chiến trường Việt Nam, Trung Quốc tấn công để chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hoà khiến Mỹ không thể phản ứng mạnh. Liên Xô lúc đó không đứng về phía Việt Nam Cộng hoà (là bên quản lý Hoàng Sa) nên không thể lên tiếng phản đối Trung Quốc. Khi Mỹ và Liên Xô không có hành động phản ứng hoặc ngăn cản thì Trung Quốc tiếp tục lấn tới để giành vị trí bá chủ thiên hạ.

Nhìn lại trận chiến Hoàng Sa năm 1974 cho thấy Trung Quốc hành xử có tính toán rất thâm sâu. Mặc dù cưỡng chiếm Hoàng Sa không tạo nên danh nghĩa chủ quyền vì trái với luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn quyết hành động để phục vụ những ý đồ chiến lược lâu dài vươn lên thành cường quốc khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới