Ở Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục sát cánh với sáng kiến của ông Tập Cận Bình, thì Vành đai và Con đường lại đang bị đẩy lùi khỏi tầm mắt công chúng.
Đó là câu hỏi mở của Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Min Xinpei) người Mỹ gốc Hoa trên tạp chí Nikkei Asian Review ngày 15/2/2019 trong bối cảnh, sáng kiến đầu tư toàn cầu này của ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sự chỉ trích (bàn tán?) trong nước vì những lo ngại về kinh tế, tài chính.
Tin tức về sáng kiến Vành đai và Con đường ngày càng xấu đi
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã hủy bỏ 2 dự án lớn trong khuôn khổ Vành đai và Con đường, bao gồm một tuyến đường sắt cao tốc trị giá 20 tỷ USD vay vốn Trung Quốc vì chi phí cao.
Chính phủ mới tại Pakistan đã kêu gọi xem lại “viên ngọc quý của tình hữu nghị Trung Quốc – Pakistan”, đại dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường với khoản tín dụng Trung Quốc cam kết cung cấp lên tới 60 tỷ USD.
Tại Myanmar, Chính phủ nước này vừa thông báo cho Bắc Kinh rằng dự án xây dựng một đập thủy điện tại Myanmar dùng vốn vay Trung Quốc đã bị đình chỉ sẽ không được phép khởi động trở lại.
Maddives, quốc đảo Ấn Độ Dương đang cố gắng đàm phán lại khoản nợ 3 tỉ USD vay Trung Quốc, tương đương 2/3 GDP, mà nước này đã vay Bắc Kinh để chi tiêu cho các dự án trong khuôn khổ Vành đai và Con đường.
Nhưng bên trong Trung Quốc, thật khó để phát hiện các dấu hiệu công khai về bất kỳ sự dao động nào trong việc ủng hộ sáng kiến Vành đai và Con đường từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đối với cha đẻ của sáng kiến Vành đai và Con đường, siêu dự án này trải dài trên khắp bán cầu với các dự án thành phần để kết nối hạ tầng với Bắc Kinh, thể hiện tầm nhìn của ông Tập Cận Bình về sức mạnh, ảnh hưởng của Trung Quốc (mà ông muốn xây dựng).
Bên dưới sự phẳng lặng ấy dường như đang có sự khó chịu ngày càng gia tăng ở Trung Quốc về Vành đai và Con đường, đặc biệt là trong bối cảnh cảm nhận sức ép kinh tế, sức ép phải đương đầu với Hoa Kỳ ngày một rõ rệt, những chỉ trích và phê phán từ các quốc gia mục tiêu Vành đai và Con đường ngày càng gia tăng.
Những người Trung Quốc hoài nghi Vành đai và Con đường có cả học giả, nhà kinh tế, doanh nhân…Họ đang lặng lẽ đặt câu hỏi, liệu chính phủ nước họ có nên sử dụng nguồn lực không còn dồi dào của quốc gia mình cho Vành đai và Con đường?
Chắc chắn không có thông báo chính thức nào từ Bắc Kinh cho thấy sáng kiến Vành đai và Con đường sắp kết thúc. Đó là giấc mơ của ông Tập Cận Bình, cho nên bất kỳ phản biện nào về Vành đai và Con đường đều bị loại bỏ khỏi truyền thông.
Tuy nhiên những người quan tâm tới Vành đai và Con đường có thể phát hiện ra sự suy giảm rõ ràng trong tần suất tuyên truyền tại Trung Quốc về sáng kiến này.
Tháng Giêng 2018 Nhân Dân nhật báo Trung Quốc đã có 20 bài viết về Vành đai và Con đường, tháng Giêng năm nay chỉ còn 7 bài viết.
Nếu so sánh bức tranh truyền thông chính thức Trung Quốc viết về Vành đai và Con đường đầu năm 2019 với cùng kỳ năm trước, có thể chúng ta sẽ thấy một bức tranh rõ ràng hơn về vị trí của sáng kiến này trên truyền thông.
Các bài viết tuyên truyền cho Vành đai và Con đường tại Trung Quốc đã suy giảm đáng kể trong năm nay, và xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong những năm tới, theo Giáo sư Bùi Mẫn Hân.
Làn sóng chống lại Vành đai và Con đường ngày càng rõ
Bối cảnh khu vực và quốc tế bên ngoài Trung Quốc đã thay đổi kể từ khi ông Tập Cận Bình tung ra sáng kiến Vành đai và Con đường năm 2013.
Thời điểm đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt gần 4 nghìn tỷ USD.
Sử dụng khoản tiền này để đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài có vẻ như là một ý tưởng tuyệt vời để đưa nhà thầu, vật liệu và công nhân Trung Quốc ra ngoài lãnh thổ theo chân các dự án sử dụng vốn vay / viện trợ của Trung Quốc, đặc biệt là thép, xi măng.
Nhưng 5 năm qua thế giới đã thay đổi. Suy giảm kinh tế đã kích hoạt trào lưu rút vốn, hơn 1 nghìn tỷ USD đã ra khỏi dự trữ ngoại hối của quốc gia này.
Nếu chiến tranh thương mại Trung – Mỹ gia tăng, Trung Quốc sẽ khó có thể gom đủ thặng dư ngoại hối để tài trợ cho các dự án trong khuôn khổ Vành đai và Con đường trên cùng một quy mô (như hiện nay).
Thuế quan do Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc cùng với sự không chắc chắn của quan hệ Trung – Mỹ sẽ làm giảm đáng kể xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng như với các thị trường phát triển khác, dù mức độ có thể thấp hơn nếu so với thị trường Mỹ.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ chiếm gần như toàn bộ thặng dư tài khoản vãng lai, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm sẽ làm giảm đáng kể, thậm chí thâm hụt tài khoản vãng lai cho Trung Quốc, nếu như nước này không thể bù đắp được sự thiếu hụt bằng cách xuất khẩu sang các thị trường khác.
Cán cân thanh toán xấu đi sẽ buộc Bắc Kinh phải sử dụng lượng ngoại hối dự trữ để bảo vệ đồng nhân dân tệ và duy trì lòng tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của Trung Quốc.
Do đó, Bắc Kinh sẽ phải xem xét một cách cẩn thận các cam kết tài chính với nước ngoài, các dự án được thực hiện bởi ngoại hối sẽ được đánh giá lại, một số sẽ phải bị giới hạn, thậm chí kết thúc hoàn toàn.
Rắc rối cho Vành đai và Con đường không chỉ xuất phát từ xu hướng suy giảm nguồn cung ngoại hối của Trung Quốc trong những năm tới.
Trong nước, Bắc Kinh phải đối mặt với vấn đề chi phí lương hưu tăng, kinh tế tăng trưởng chậm và nguồn thu từ thuế giảm.
Viễn cảnh tài chính nghiệt ngã này đã được Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn cảnh báo thẳng thừng tại hội nghị tài chính thường niên cuối tháng Chạp năm ngoái:
“Bộ máy nhà nước tất cả các cấp phải thắt lưng buộc bụng, làm mọi cách để giảm chi phí hành chính”.
Ngay sau cuộc họp này, Thượng Hải – thành phố giàu nhất Trung Quốc, đã ra lệnh cắt giảm 5% ngân sách cho hầu hết các ban ngành đoàn thể trong năm 2019.
Năm 2018 tăng trưởng doanh thu tài chính của Trung Quốc giảm 1,2% so với 2017, viễn cảnh tài chính dự kiến sẽ còn xấu đi trong năm nay do cắt giảm thuế và kinh tế tăng trưởng chậm.
Lỗ hổng lớn nhất trong ngân sách của Trung Quốc là chi tiêu cho lương hưu tăng nhanh vì dân số già hóa nhanh chóng. Tỉnh Hắc Long Giang đã bị thâm hụt 23 tỷ nhân dân tệ trong chi trả lương hưu tính đến năm 2016.
6 tỉnh khác với tổng dân số 236 triệu người, trong năm 2016 có mức đóng bảo hiểm thấp hơn mức chi trả lương hưu. Bức tranh bảo hiểm xã hội và lương hưu trên toàn Trung Quốc cũng ảm đạm không kém.
Theo Bộ Tài chính, Chính phủ Trung Quốc đã phải bù 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ vào quỹ bảo hiểm để chi trả lương hưu trong năm 2017.
Chủ tịch Tập Cận Bình và những người ủng hộ ông có thể tiếp tục theo đuổi Vành đai và Con đường.
Nhưng theo Giáo sư Bùi Mẫn Hân, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên biết rằng ngày càng ít người dân nước mình ủng hộ việc lấy tiền lương hưu trí của những người đóng bảo hiểm xã hội để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở một đất nước xa xôi nào đó.
Trong bối cảnh các quốc gia mục tiêu của Vành đai và Con đường ngày càng phàn nàn, mới nhất là Pakistan, Bắc Kinh đã phải rót cho quốc gia “đồng minh trong mọi hoàn cảnh” này 2,5 tỷ USD, trong khi Islamabad mong muốn có 6 tỉ USD.
Dường như ở Bắc Kinh, trong lúc các nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục sát cánh với sáng kiến của ông Tập Cận Bình, thì tham vọng Vành đai và Con đường của ông lại đang bị đẩy lùi khỏi tầm nhìn của công chúng.
Cho nên theo Giáo sư Bùi Mẫn Hân, dư luận không nên ngạc nhiên nếu cuối cùng Bắc Kinh sẽ cho phép Vành đai và Con đường, hoặc chí ít là Vành đai và Con đường phiên bản 1.0, cáo chung lặng lẽ.