Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCuộc chạy đua pháo tầm xa giữa Trung - Mỹ đang ngày...

Cuộc chạy đua pháo tầm xa giữa Trung – Mỹ đang ngày càng căng thẳng

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Mỹ liên tục có các động thái mới công khai chạy đua sở hữu pháo tầm xa nhằm răn đe nhau trên Biển Đông cũng như trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tổ hợp MLRS AR3 của Trung Quốc

Pháo binh tầm xa được coi là “át chủ bài” của Lục quân Trung Quốc, lực lượng này đang có trong biên chế trang bị rất nhiều tổ hợp pháo phản lực phóng loạt cực kỳ hiện đại. Quân đội Trung Quốc mới đây đã đăng tải hình ảnh về một diễn tập bắn đạn thật với tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) tầm xa cực kỳ tiên tiến AR3 cỡ nòng 370 mm. Tổ hợp MLRS AR3 được Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Phương Bắc – NORINCO giới thiệu lần đầu tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2014. AR3 chính là bản nâng cấp toàn diện dựa trên tổ hợp pháo phản lực phóng loạt PHL-03 cỡ 300 mm đang được coi là tiêu chuẩn của pháo binh tầm xa Trung Quốc. Đạn rocket của PHL-03 có tầm xa tới 150 km với sai số vòng tròn (CEP) 10m. Phiên bản AR3 thế hệ mới hiện đang được Trung Quốc chào bán cho thị trường nước ngoài và chưa chấp nhận đưa vào trang bị chính thức cho pháo binh tầm xa. Đây là điều gây thắc mắc vì trong các cuộc thử nghiệm, AR3 đã có những màn thể hiện tuyệt vời khi đánh trúng mục tiêu cách xa tới 280 km với sai số nhỏ hơn 3m. So với tên lửa đạn đạo tầm ngắn, pháo phản lực phóng loạt AR3 370 mm có ưu thế ở giá thành rẻ hơn, có thể sử dụng để tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Đánh chặn những quả đạn rocket cỡ 370 mm mang theo đầu đạn nặng 200 kg này cũng khó khăn hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo, do kích thước của chúng nhỏ hơn đáng kể trong khi vận tốc bay cũng tương đương.

Quân đội Trung Quốc xác định khi cần chi viện hỏa lực ở tầm xa từ 300 km trở lên thì đây sẽ là công việc của các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật họ Đông Phong, khi chúng có tầm bắn xa và mang đầu đạn mạnh hơn. Nhưng dễ nhận thấy trong phương thức chi viện hỏa lực tầm xa của Lục quân Trung Quốc vẫn có một khoảng trống đáng kể trong khoảng cự ly từ trên 150 km đến dưới 300 km. Cho nên không loại trừ khả năng hệ thống pháo phản lực phóng loạt AR3 sẽ sớm được Trung Quốc đưa vào thành phần trực chiến của các đơn vị pháo binh tầm xa trong tương lai gần.

Trong khi đó, Mỹ lại có tham vọng vượt xa Trung Quốc. Bộ trưởng Lục quân Mỹ Mark Esper (23/1) tiết lộ quân đội Mỹ đang phát triển một loại pháo tầm xa với tầm bắn 1.000 dặm (1.610km), có khả năng tấn công các mục tiêu di động ở Biển Đông từ một ụ pháo trên đất liền. Theo ông Mark Esper, với việc nghiên cứu, phát triển loại pháo trên Mỹ có thể khóa mục tiêu kẻ thù, khóa mục tiêu trên biển, ở khoảng cách xa từ trên đất liền. Dự án công nghệ đạn pháo tăng tầm (ERCA) mà Lục quân Mỹ đang triển khai là cơ hội để lực lượng này phát triển được những mẫu pháo có tầm bắn lên đến khoảng 1.600 km. Dòng pháo bắn xa nhất của Mỹ hiện chỉ đạt khoảng 100 km.

Lục quân Mỹ hiện trông cậy chủ yếu vào sức mạnh của Bộ chỉ huy Tương lai Lục quân – lực lượng mới được thành lập hồi tháng 8 năm ngoái. Lục quân Mỹ đang thực hiện chương trình hiện đại hóa lớn nhất trong nhiều thập niên nhằm tập trung đối phó với các mục tiêu mới là Trung Quốc và Nga. Theo Chiến lược Phòng vệ Quốc gia Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng là hai mối đe dọa trước mắt với sức mạnh của Mỹ. Ưu tiên trọng tâm của Bộ Chỉ huy Tương lai Lục quân Mỹ là đơn vị Hỏa lực Chính xác Tầm xa với mục tiêu phát triển pháo có khả năng đánh bại các đối thủ hàng đầu của Mỹ như Nga và Trung Quốc. “Mục tiêu của chúng tôi là xâm nhập và chia tách hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của đối phương, từ đó cho phép chúng tôi tự do hành động khi tìm kiếm các cơ hội”, Đại tá John Rafferty, chỉ huy nhóm liên chức năng thuộc đơn vị Hỏa lực Chính xác Tầm xa, giải thích với các phóng viên hồi tháng 10 năm ngoái.

Quân đội Mỹ đang tăng cường các biện pháp ứng phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt về hải quân. Trong cuộc tập trận Ven Thái Bình Dương (RIMPAC) năm ngoái, các binh sĩ Lục quân Mỹ đã phóng hàng loạt pháo từ Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) từ tàu đổ bộ USS Racine. Cuộc tập trận này mô phỏng cuộc xung đột xảy ra với Trung Quốc trên Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới