Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiVũ khí bí mật của Mỹ có thể tóm gọn "quái vật"...

Vũ khí bí mật của Mỹ có thể tóm gọn “quái vật” hạt nhân dưới lòng biển của TQ

Những con “quái vật” hạt nhân dưới đại dương của Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa lớn với Mỹ.

Tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh minh họa

Mối đe dọa từ tàu ngầm Trung Quốc

Tầm hoạt động toàn cầu ngày càng gia tăng của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc mang tên lửa JL-2 [được cho là có khả năng tấn công một số vùng trên đất Mỹ] đang tiếp tục thúc đẩy Hải quân Mỹ đẩy nhanh công tác chế tạo tàu ngầm tấn công, máy bay không người lái tốc độ cao, thời gian hoạt động dài để triển khai tới Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó là tích cực mua sắm các máy bay săn ngầm trang bị ngư lôi như P-8/A Poseidon.

Để vượt qua những trở ngại về địa lý ở Thái Bình Dương và giám sát chặt chẽ hạm đội tàu ngầm ngày càng mở rộng của Trung Quốc, Hải quân Mỹ đang đề nghị Quốc hội cho phép đóng tới 3 tàu ngầm lớp Virginia một năm, tăng thêm 1 tàu so với kế hoạch ban đầu.

Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ đã bố trí các máy bay không người lái Triton mới ở Guam và gần đây đã trao cho Boeing hợp đồng trị giá 2,4 tỷ USD để sản xuất thêm 19 máy bay tấn công-trinh sát P-8A Poseidon.

Theo nhà phân tích Kris Osborn tại Viện Lexington, cảm biến tiên tiến, phao âm và các loại vũ khí của P-8 Poseidon có thể trở thành một phần trong chiến dịch ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên biển, cũng như răn đe hạm đội tàu ngầm hạt nhân (SSBN) ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc đã mở rộng phạm vi hoạt động ra bên ngoài Thái Bình Dương, hướng tới mục tiêu trở thành lực lượng quốc tế lớn. Đã có những ghi nhận cho thấy các tàu ngầm SSBN của Trung Quốc xuất hiện cách các bờ biển Tây Thái Bình Dương ở khoảng cách xa.

Bên cạnh đó, sự hiện hữu của các tên lửa đạn đạo JL-2 và JL-3 cũng đang khiến Mỹ cảm thấy áp lực hơn. Theo Trung tâm Tình báo Không gian và Hàng không Quốc gia Mỹ, Trung Quốc đã triển khai tới 48 ống phóng tên lửa JL-2 trên các tàu ngầm của nước này trong năm 2017.

Với tầm bắn hơn 7.000km, tên lửa JL-2 có thể đặt nhiều khu vực trên lãnh thổ Mỹ vào vòng nguy hiểm.

Mới năm ngoái, Đại tá James Fanell – cựu giám đốc phụ trách các hoạt động thông tin và tình báo cho Hạm đội Thái Bình Dương, đã cảnh báo Quốc hội Mỹ về nhu cầu cấp thiết trong việc theo dõi và phát hiện các tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

“Mỗi khi tàu ngầm SSBN của Hải quân Trung Quốc khởi hành để thực hiện nhiệm vụ tuần tra hạt nhân chiến lược, Hải quân Mỹ phải bám sát ở khoảng cách đủ gần, để sẵn sàng đánh chìm chúng trong trường hợp chúng định phóng các tên lửa liên lục địa hạt nhân về phía bờ biển của chúng ta”.

Quan điểm trên của ông Fanell được trích dẫn trong một bài tiểu luận có tựa đề “Năng lực và học thuyết mới của Trung Quốc về chiến lược răn đe hạt nhân dưới lòng biển” (Tác giả gồm Tiến sĩ Toshi Yoshirara và Tiến sĩ James Holmes).

Theo bài luận, xét tới những khó khăn trong việc ngăn chặn các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Trung Quốc thì phương thức thông minh để giải quyết điều này là “tạo ra mối đe dọa đối với các tàu ngầm SSBN của Trung Quốc, khiến chúng bị tiêu diệt trước khi kịp phóng SLBM”.

Lựa chọn thông minh

Chuyên gia Kris Osborn cho rằng, máy bay tuần thám Poseidon, cùng với các tàu ngầm tấn công SSN có khả năng tình báo-trinh sát- giám sát (ISR), có vẻ rất phù hợp để thực hiện nhiệm vụ săn lùng tàu ngầm SSBN của Trung Quốc.

Không chỉ bởi tốc độ cao hơn đáng kể so với máy bay thế hệ cũ P-3 Orion, 6 thùng dầu phụ bổ sung còn cho phép P-8 mở rộng phạm vi tìm kiếm ở đại dương và tuần tra các mối đe dọa lớn trong thời gian dài.

Theo các nhà phát triển Hải quân Mỹ, P-8 Poseidon có thể thực hiện nhiệm vụ kéo dài 10 tiếng ở phạm vi 1.200 hải lý. Ngoài ra, nó còn được trang bị ngư lôi, tên lửa Harpoon và các phao âm, cho phép tăng cường độ sâu tìm kiếm tàu ngầm và thực hiện nhiều phương thức tấn công khác nhau.

Khác với nhiều loại máy bay không người lái và các hệ thống ISR khác, Poseidon không chỉ có thể tìm kiếm – theo dõi tàu ngầm, mà còn có khả năng tấn công và tiêu diệt chúng.

Việc tăng cường khả năng săn ngầm từ trên không, với các máy bay tuần thám Poseidon, có thể giúp Mỹ củng cố nỗ lực ngăn chặn các tàu ngầm SSBN của Trung Quốc rời khỏi khu vực giám sát mà không bị phát hiện.

Ngoài ra, Poseidon có thể bổ sung thêm một sắc thái mới cho vị thế răn đe hạt nhân của Mỹ khi ứng dụng phương thức tiên tiến để tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm SSBN của đối phương từ trên không. Nó phù hợp với tiêu chí “Sức mạnh tấn công có thể trở thành phương thức phòng thủ tốt nhất” mà Lầu Năm Góc đang hướng tới.

Tạo ra mối đe dọa đối với các tàu ngầm SSBN của Trung Quốc chí ít có thể giúp ngăn chặn Trung Quốc lên kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân từ tàu ngầm.

Poseidon còn có thể hoạt động như chuỗi kết nối giữa các phương tiện tác chiến trên không và trên biển của bộ ba hạt nhân Mỹ.

Lực lượng đường không của bộ ba hạt nhân hiện nay – gồm các máy bay ném bom B-2 và B-52, không thể theo dõi hay tiêu diệt tàu ngầm.

Do đó, Poseidon có thể giúp củng cố lực lượng này bằng cách cung cấp thông tin tình báo quan trọng cho các tàu mặt nước và phương tiện ngầm của Mỹ để chúng có thể tìm kiếm, theo dõi các tàu ngầm SSBN của Trung Quốc.

Ngoài Mỹ, Poseidon hiện đang có mặt trong biên chế quân đội các nước Anh, Na Uy và Australia. Chúng cũng đang ngày càng thu hút nhiều khách hàng trên thị trường quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới