Saturday, May 11, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHuawei chính thức khởi kiện chính phủ Mỹ và bài toàn chiến...

Huawei chính thức khởi kiện chính phủ Mỹ và bài toàn chiến lược giữa Mỹ – Trung

Huawei chính thức kiện Mỹ vi phạm đạo luật “Ủy quyền quốc phòng quốc gia” và cáo buộc Mỹ “đã tấn công mạng và lấy các email cũng như mã nguồn” của Huawei.

Huawei chính thức kiện Chính phủ Mỹ

Huawei (7/3) cho biết họ đã đệ đơn khiếu nại lên tòa án cấp quận ở Texas, thách thức tính hợp hiến của khoản 889 trong đạo luật “Ủy quyền quốc phòng quốc gia” (NDAA) được ký thành luật tháng 8/2018. Theo đó, Quốc hội Mỹ đã nhiều lần không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để lập luận cho các biện pháp hạn chế họ đặt ra đối với các sản phẩm của Huawei và Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia vi phạm Hiến pháp Mỹ khi nhắm vào một cá nhân hoặc một nhóm để trừng phạt mà không cần xét xử. Phía Huawei cho rằng lệnh cấm này không chỉ phạm luật, mà còn hạn chế Huawei cạnh tranh công bằng, tác động tiêu cực tới người tiêu dùng Mỹ; khẳng định trông chờ phán quyết của tòa án và tin tưởng rằng nó sẽ có lợi cho cả Huawei và người dân Mỹ. Ngoài ra, trước khi tuyên bố kiện Mỹ về đạo luật NDAA, Huawei cũng cáo buộc Mỹ “đã tấn công mạng và lấy các email cũng như mã nguồn” của Huawei.

Theo Reuters, dù Huawei có rất ít thị phần trên thị trường thiết bị viễn thông của Mỹ trước khi dự luật được thông qua, tập đoàn này coi điều khoản 889 là một trở ngại trong việc xử lý các vấn đề lớn hơn với Washington.

Trong nhiều tháng qua, căng thẳng giữa Mỹ và Huawei đã leo thang trong bối cảnh Washington vận động các đồng minh thân thiết không sử dụng thiết bị Huawei trong các dự án xây dựng mạng viễn thông 5G. Mỹ quan ngại về điều luật Trung Quốc ban hành năm 2017 yêu cầu các công ty phải hợp tác, cung cấp thông tin cho chính phủ Bắc Kinh liên quan tới các vấn đề tình báo quốc gia.

Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định rằng Huawei không bao giờ chia sẻ dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ dường như vẫn hoài nghi về vấn đề này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cho biết: “Nếu một quốc gia ký hợp đồng và đưa các thiết bị Huawei vào các hệ thống thông tin quan trọng, chúng tôi sẽ không thể chia sẻ với thông tin với quốc gia đó, chúng tôi sẽ không thể hợp tác cùng với họ. Trong một số trường hợp nếu có rủi ro, chúng tôi thậm chí sẽ không thể đặt các nguồn lực, đại sứ quán, cơ sở quân sự Mỹ tại quốc gia đó”.

Huawei có thể nhận thêm một lệnh cấm nữa tại Mỹ

Theo CNet, 11 Thượng nghị sĩ Mỹ đã viết một bức thư kêu gọi Rick Perry Bộ trưởng Năng lượng Mỹ và Kirstjen Nielse, Bộ trưởng an ninh nội địa Mỹ cấm bán tất cả sản phẩm năng lượng mặt trời của Huawei. Các thượng nghị sĩ lo ngại rằng sản phẩm của Huawei có thể đặt ra “mối đe dọa về an ninh quốc gia” cho cơ sở hạ tầng năng lượng. Huawei chế tạo ra các bộ biến tần năng lượng mặt trời, cho phép chuyển đổi trực tiếp dòng điện được tạo ra bởi các tấm pin mặt trời thành dòng điện xoay chiều. Các thượng nghị sĩ cho rằng hệ thống quang điện này có thể dễ dàng bị tấn công. “Chúng tôi hiểu rằng Huawei, nhà sản xuất các bộ biến tần năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, đang cố gắng tiếp cận thị trường tiêu dùng nội địa của chúng tôi. Gần đây, Quốc hội đã hành động để ngăn chặn Huawei khỏi thị trường viễn thông do lo ngại về mối quan hệ mờ ám với chính phủ Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi hành động tương tự để bảo vệ các hệ thống điện và cơ sở hạ tầng quan trọng của nước Mỹ”, bức thư viết.

Các thượng nghị sĩ kêu gọi Perry và Nielsen hợp tác với các cơ quan quản lý liên bang, tiểu bang và địa phương để đảm bảo cơ sở hạ tầng của Mỹ được bảo vệ an toàn. Trong một tuyên bố mới nhất, Nielsen cho biết Bộ An ninh Nội địa sẽ sử dụng lực lượng đặc nhiệm quản lý rủi ro chuỗi cung ứng công nghệ thông tin, liên quan đến 60 đối tác của chính phủ và ngành, bao gồm Bộ năng lượng, để tìm và giải quyết rủi ro cho chuỗi cung ứng của quốc gia. Trong khi đó, Bộ Năng lượng cho biết họ cũng lo ngại về các mối đe dọa từ nước ngoài đối với lưới điện của Mỹ và sẽ liên tục kiểm tra, đánh giá an ninh của mạng lưới. Hiện Bộ năng lượng Mỹ đã nâng cao các nỗ lực an ninh mạng trong hai năm qua và thực hiện các bước tích cực để tăng cường bảo vệ, chống lại các tác nhân xấu.

Số phận hãng công nghệ Huawei và ZTE trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc

Lâu nay, giới chính trị Mỹ luôn xếp Huawei và ZTE vào danh sách đe dọa an ninh vì nghi vấn công ty này có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc. Thêm vào đó, người sáng lập ra Huawei lại nguyên là một cựu kỹ sư quân sự. Vì thế các cơ quan tình báo Mỹ nhận định những thiết bị do hãng này sản xuất có thể trở thành công cụ để đội ngũ gián điệp của Bắc Kinh thâm nhập vào hệ thống Mỹ. Trong khi đó, ZTE thì từng bị một tòa án của Mỹ cáo buộc hoạt động do thám và dùng tiền hối lộ để đạt mục đích.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng, những rắc rối với Huawei và ZTE hiện nay chỉ là biểu hiện phần nổi của tảng băng chìm của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc dưới góc nhìn công nghệ. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong vài thập kỷ gần đây đang tạo mối đe dọa chết người với nền công nghệ vốn được coi là nền tảng duy trì vai trò vị trí siêu cường số 1 thế giới của Mỹ. Điều đó giải thích tại sao ngay sau khi lên nắm quyền, ông Donald Trump đã điều chỉnh chính sách theo hướng hạn chế công ty Trung Quốc tiếp cận với công nghệ của Mỹ và hạn chế nhân tài Trung Quốc tiếp cận với tri thức công nghệ cao của Mỹ – 2 nhân tố quan trọng cho sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc.

Hàng loạt những biện pháp ngăn chặn liên tục được Washington tung ra dưới đủ mọi lý do khác nhau: Tháng 8/2018, mặc dù Bắc Kinh lớn tiếng bác bỏ những lời cáo buộc, Washington vẫn ban hành một đạo luật quốc phòng, trong đó cấm các cơ quan chính quyền sử dụng linh kiện của Huawei và ZTE, do nghi ngờ các thiết bị này có thể bị Trung Quốc sử dụng làm phương tiện phục vụ cho các hoạt động gián điệp. Trước đó, hồi tháng 4/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các công ty nước này bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm. Lý do mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra là ZTE đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ khi bán thiết bị cho Iran. Hiện ZTE đã bị đặt dưới sự giám sát của tư pháp Mỹ trong 10 năm, để bảo đảm công ty tuân thủ luật pháp Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu.

Chiến lược ngăn chặn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ càng trở nên cấp bách khi các nhà mạng không dây của Mỹ đang tìm kiếm đối tác khi chuẩn bị áp dụng mạng không dây 5G thế hệ tiếp theo, trong khi Huawei lại là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới hiện nay trong lĩnh vực 5G. Vì thế, động thái của chính quyền của Tổng thống Donald Trump cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông do hãng Huawei và ZTE sản xuất là nhằm loại bỏ 2 hãng này ra khỏi cuộc đua trên thị trường Mỹ trong lĩnh vực 5G.

RELATED ARTICLES

Tin mới