Bộ Ngoại giao Việt Nam đang xác minh thông tin về giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB, nhắc lại việc hai nước cần tuân thủ hiệp định đã ký.
Cơ quan chức năng Việt Nam đang xác minh thông tin giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB (Dongfang 13-2 CEPB) của Trung Quốc có hoạt động trong khu vực Vịnh Bắc Bộ hay không, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của VnExpress trong họp báo chiều nay.
Xinhua hôm 7/4 đưa tin Đông Phương 13-2 CEPB, giàn khoan lớn thứ hai của Trung Quốc, được đưa ra khu vực bồn trũng Oanh Ca Hải (Yinggehai Basin) thuộc Biển Đông vào ngày 10/4. Giàn khoan do Tập đoàn COOEC Châu Hải đóng này sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6. Giàn khoan này nặng hơn 17.200 tấn, rộng bằng một sân bóng, có thể giúp tập đoàn Châu Hải tăng đáng kể năng lực khai thác khí đốt tự nhiên.
Oanh Ca Hải là khu vực bồn trũng có nhiều tiềm năng dầu khí ở cuối vùng đứt gãy Sông Hồng trong Vịnh Bắc Bộ, nằm ở khoảng giữa đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam.
Bà Hằng nhắc lại Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã phân định rõ phạm vi và chế độ pháp lý lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc và Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
“Hai nước có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc quy định của Hiệp định trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông”, người phát ngôn nói.
Đường trung tuyến phân chia ranh giới trong cửa Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: Tiến sĩ Trần Công Trục. |