Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThành tựu đáng nể của Hải quân TQ trong những năm gần...

Thành tựu đáng nể của Hải quân TQ trong những năm gần đây

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đặc biệt ưu tiên đầu tư phát triển lực lượng Hải quân nhằm thực hiện giấc mộng cường quốc biển và nắm thế chủ đạo trong việc độc chiếm Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải.

Tổng quan về lực lượng Hải quân Trung Quốc

Hải quân Trung Quốc hiện tại được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân lớn hàng đầu thế giới và là lực lượng có tốc độ phát triển nhanh nhất. Lực lượng này có khoảng 500 tàu chiến các loại, hơn 350.000 nhân lực và khoảng 710 máy bay. Hải quân Trung Quốc được chia làm ba hạm đội bao gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải.

Hạm đội Bắc Hải được thành lập từ năm 1950, có căn cứ chỉ huy đặt tại Thanh Đảo. Hạm đội này có vùng hoạt động từ Thanh Đảo cho tới toàn bộ vùng biển trong khu vực biển Hoàng Hải khu vực tiếp giáp giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên nhưng chỉ kéo dài xuống tới Thanh Đảo, từ phía Nam Thanh Đảo trở xuống thuộc trọng trách của Hạm đội Đông Hải. Trong biên chế của Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc hiện có năm tàu ngầm hạt nhân lớp Han “Type 091” và một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Xia “Type 092” – đây cũng là tàu ngầm lớp Xia duy nhất Trung Quốc hiện có. Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc chưa từng tham chiến ở bất cứ đâu.

Hạm đội Đông Hải được thành lập từ năm 1949 và có căn cứ chính ban đầu đặt tại Thượng Hải. Tới năm 1955, căn cứ chính này được chuyển tới Ninh Ba, Chiết Giang. Hạm đội này có phạm vi hoạt động từ phía Nam Thanh Đảo cho tới hết đảo Đài Loan. Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc đã từng có kinh nghiệm thực chiến khi hạm đội này chạm chán với hải quân Đài Loan trong quá khứ. Lực lượng chính của hạm đội này bao gồm bốn tàu khu trục tên lửa Sovremenny, bốn tàu ngầm điện – diesel lớp Kilo. Ngoài ra hạm đội này còn có một lượng lớn tàu đổ bộ tấn công các loại, nhiêu hơn mọi hạm đội còn lại của Trung Quốc.

Hạm đội Nam Hải được thành lập từ năm 1949, có phạm vi hoạt động từ phía cuối đảo Đài Loan cho tới vùng biển tiếp giáp Vịnh Bắc Bộ. Sở chỉ huy của hạm đội này đặt tại căn cứ hải quân Ngọc Lâm ở trên đảo Hải Nam. Tuy nhiên các tàu mặt nước của hạm đội Nam Hải lại được đóng tại Trạm Giang. Hải Nam chỉ là nơi đóng quân của các tàu ngầm thuộc hạm đội Nam Hải. Đây được coi là lực lượng có các đơn vị không quân hải quân mạnh nhất của Trung Quốc với tổng cộng 6 căn cứ không quân hải quân ở Lăng Thuỷ, Hải Khẩu, Tam Á, Trạm Giang và Quế Bình.

Tương quan sức mạnh hải quân Trung Quốc và Mỹ

Nhằm hạn chế ảnh hưởng và lợi ích của Washington ở châu Á, Bắc Kinh đang mạnh tay đầu tư cho hải quân. Tính tới năm 2017, hải quân Trung Quốc có tổng cộng 317 tàu chiến so với 283 chiếc của Mỹ. Trong khi đó, Báo cáo của hải quân Mỹ hồi tháng 5 nhận định Trung Quốc sẽ có khoảng 550 tàu chiến và tàu ngầm vào năm 2030, gấp đôi quy mô hải quân Mỹ hiện nay. Lầu Năm Góc đặt mục tiêu tăng số tàu chiến lên 355 chiếc vào năm 2030, nhưng mục tiêu này rất khó đạt được do tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng liên tục trong nhiều năm.

Chuyên gia quân sự Kyle Maxey cho rằng quy mô hạm đội Mỹ nhỏ hơn đối thủ, nhưng Washington vẫn chiếm ưu thế về số lượng tàu chiến cỡ lớn. Hải quân Mỹ hiện có 10 siêu tàu sân bay lớp Nimitz, gấp 5 lần số tàu sân bay trong biên chế Trung Quốc. Không chỉ lớn hơn tàu sân bay Trung Quốc, hàng không mẫu hạm Mỹ còn được trang bị lò phản ứng hạt nhân và lượng lớn chiến đấu cơ hiện đại, bao gồm cả một số tiêm kích tàng hình F-35C đang thử nghiệm. Trong khi đó, tàu sân bay Trung Quốc chỉ mang được số lượng nhỏ tiêm kích J-15. Việc không được lắp lò phản ứng hạt nhân khiến tầm hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc bị hạn chế đáng kể. Thực tế này cho thấy Mỹ vẫn chiếm ưu thế trước Trung Quốc trên các đại dương, ngay cả khi chưa tính đến uy lực của lực lượng không quân trên hạm.

Hải quân Trung Quốc có tổng cộng 131 khu trục hạm và tàu hộ vệ các loại, vượt trội so với 85 tàu của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, chiến hạm hai bên đều bị giới hạn bởi tầm bắn của tên lửa hành trình diệt hạm. Trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa hai cường quốc, hải quân Mỹ nhiều khả năng sẽ sử dụng cảng biển tại các nước đồng minh như Nhật Bản và Philippines để tấn công mục tiêu giá trị cao của hải quân Trung Quốc ở gần đại lục. Ngược lại, hải quân Trung Quốc có thể tập kích các tiền đồn của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, phá hủy hệ thống liên lạc khiến đối thủ khó phát huy đầy đủ sức mạnh.

Hải quân Trung Quốc hiện có 73 tàu ngầm, nhiều hơn một chiếc so với Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn tàu ngầm của Bắc Kinh có độ ồn cao do công nghệ lạc hậu, khiến chúng dễ bị tàu săn ngầm Mỹ phát hiện và tấn công từ xa. Dù sở hữu số lượng chiến hạm áp đảo hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc khó lòng đạt khả năng độc lập tác chiến và hiệp đồng ngang ngửa đối phương. Để bù đắp yếu kém này, Bắc Kinh đang tận dụng tối đa chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD). Một trong những thành phần quan trọng nhất của A2/AD là tên lửa đạn đạo diệt hạm. Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới biên chế loại vũ khí này với hai mẫu tên lửa “sát thủ tàu sân bay” là DF-21D và DF-26. DF-21D đạt tầm bắn 2.000 km, trong khi biến thể nâng cấp DF-26 có thể diệt mục tiêu từ khoảng cách 3.000-4.000 km. Nhờ trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 1,8 tấn, tên lửa DF-26 có thể tấn công các mục tiêu Mỹ ở đảo Guam, đối phó mũi tấn công từ Biển Đông và đe dọa hoạt động của tàu sân bay Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ đang phát triển nhiều giải pháp đối phó mối đe dọa này như vũ khí laser và lá chắn tên lửa tầm xa dựa trên hệ thống chiến đấu Aegis. Hải quân Mỹ phụ thuộc nhiều vào kết nối dữ liệu qua vệ tinh để thu thập và trao đổi thông tin nhận dạng mục tiêu, điều phối tấn công và tác chiến hiệp đồng. Trung Quốc có thể tập trung gây nhiễu mạng lưới vệ tinh liên lạc quân sự (SATCOM) và do thám, cũng như vô hiệu hóa, làm sai lệch hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của đối phương. Nếu giải pháp tác chiến điện tử thất bại, Trung Quốc có thể tính tới phương án bắn hạ khí tài không gian Mỹ. Một số vũ khí diệt vệ tinh đang được Bắc Kinh hoàn thiện, dự kiến đưa vào thử nghiệm và biên chế trong vài năm tới.

Dù có số lượng lớn hơn, hải quân Trung Quốc vẫn thua kém Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và năng lực tác chiến. Cuộc chiến Mỹ – Trung sẽ khiến hai bên chịu tổn thất nặng nề về quân sự và kinh tế, cũng như để lại hậu quả thảm khốc bởi cả hai đều có nguồn lực dồi dào, đủ sức tham chiến trong thời gian dài. “Cả hai nước dường như muốn tìm mọi cách để ngăn xung đột trực diện nổ ra trong tương lai”, chuyên gia Kyle Maxey nhấn mạnh.

Một số loại vũ khí định hình tương lai Hải quân Trung Quốc

Trung Quốc đang đầu tư lớn chưa từng thấy để phát triển lực lượng hải quân trong một thập kỷ qua, với thành tựu đáng chú ý nhất là tự đóng một tàu sân bay và biên chế nhiều tàu ngầm hạt nhân mới. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang phát triển một loạt tàu mặt nước khác, đóng vai trò trụ cột hải quân nước này trong tương lai.

Đầu tiên, khu trục hạm Type 052D. Tàu khu trục đa năng lớp Type-052D rất giống lớp Arleigh Burke của Mỹ cả về hình dáng bên ngoài và nhiệm vụ. Nó được trang bị 4 cụm radar mảng pha quét điện tử Type-346A ngay dưới đài chỉ huy để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới phòng không, phát hiện mục tiêu xung quanh biên đội tàu chiến, đặc biệt là cụm tàu sân bay chiến đấu. Đến nay, Bắc Kinh đã biên chế 5 tàu khu trục lớp Type 052D. Tàu này được trang bị 64 ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS). Hệ thống này chủ yếu trang bị tên lửa phòng không tầm xa HQ-9, nhưng cũng có thể lắp tên lửa hành trình tấn công mặt đất tương tự mẫu Tomahawk của Mỹ. HQ-9 là biến thể của tên lửa S-300 Nga, có tầm bắn 200 km, tốc độ tối đa 4.900 km/h và trang bị đầu đạn nổ mạnh nặng 180 kg. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 8 tên lửa chống hạm YJ-83, pháo chính cỡ nòng 100 mm, hai hệ thống vũ khí phòng thủ cực gần (CIWS) Type-1130, 6 ngư lôi chống ngầm cùng 4 bệ phóng rocket có khả năng tấn công tàu ngầm ở khoảng cách 5 km. Tàu cũng có bãi đáp và nhà chứa cho một trực thăng cỡ trung.

Thứ hai, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type-056. Được sản xuất ồ ạt với ít nhất 32 chiếc trong biên chế từ năm 2013, Type-056 được xếp vào nhóm tàu hộ vệ cỡ nhỏ dùng để tuần tra biển, đặc biệt tại các khu vực tranh chấp. Đây là sự kết hợp giữa vũ khí phòng vệ và khả năng chống hạm, chống ngầm uy lực. Tàu được lắp pháo chính 76 mm để chống mục tiêu mặt nước và phòng không, bên cạnh hai bệ CIWS cỡ nòng 30 mm tương tự hệ thống Phalanx của Mỹ. Type-056 được trang bị tổ hợp tên lửa FL-3000N, mỗi bệ 8 quả đạn để đánh chặn tên lửa chống hạm đối phương. Nó còn được trang bị vũ khí tấn công gồm 4 tên lửa diệt hạm YJ-83 tầm bắn 200 km. Ở pha cuối, trước khi trúng mục tiêu, tên lửa bay ở độ cao 4,5 m so với mặt biển với tốc độ siêu thanh, khiến nó rất khó bị bắn hạ. Tàu còn được trang bị một bãi đáp và nhà chứa cho một trực thăng Z-9, cùng hai cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm.

Thứ ba, tàu đổ bộ Type-071. Đây là xương sống của lực lượng tàu đổ bộ Trung Quốc. Nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải đã hoàn thành ba chiếc, trong khi ba tàu Type-071 khác đã được lên kế hoạch đóng. Type-071 có thể chở một tiểu đoàn hải quân đánh bộ với quân số 500-800 lính, cùng hai khoang chứa cho 18-20 phương tiện đổ bộ bọc thép, 4 tàu đệm khí và 4 trực thăng Z-8. Vũ khí tự vệ trên tàu gồm một pháo 76 mm và 4 bệ CIWS 30 mm. Với vũ khí phòng thủ hạn chế, Type-071 đòi hỏi lực lượng tàu hộ tống hùng hậu. Nhiệm vụ chính của lớp tàu này là triển khai bộ binh ở khoảng cách xa, nơi không có sự hỗ trợ từ lực lượng mặt đất hoặc không quân. Type-071 có thể đóng vai trò soái hạm trong cụm tác chiến, cũng như tiến hành các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Thứ tư, tàu trinh sát điện tử Type-815. Điểm nổi bật của tàu trinh sát điện tử lớp Type-815 là cụm ba vòm hình cầu. Hai chiếc Type-815 trong biên chế hải quân Trung Quốc có nhiệm vụ theo dõi các vụ thử tên lửa trên biển. Bên trong ba vòm hình cầu là hàng loạt thiết bị cảm biến, đặc biệt là radar theo dõi và hệ thống bám bắt quang học. Tàu cũng được trang bị cần cẩu để trục vớt tên lửa đã sử dụng từ mặt biển. Các chuyên gia phương Tây cho rằng Type-815 là tàu gián điệp, có chức năng theo dõi hoạt động và thu tín hiệu tình báo điện tử của hải quân nước ngoài, sau đó truyền dữ liệu về Trung Quốc để phân tích. Vũ khí trên Type-815 rất hạn chế, chỉ gồm một pháo 37 mm vận hành thủ công, hai pháo nòng kép 25 mm và ba ngư lôi chống ngầm.

Thứ năm, tàu bệnh viện Type-920, là tàu bệnh viện thế hệ hai do nhà máy đóng tàu Quảng Châu chế tạo. Hạ thủy năm 2007, tàu có thủy thủ đoàn 430 người, gồm 100 nhân viên quân y. Tàu có chức năng và thiết kế tương tự lớp Mercy của Mỹ, Type-920 là bệnh viện nổi được trang bị đầy đủ với 500 giường bệnh, 35 phòng điều trị tích cực, 12 phòng mổ, có khả năng thực hiện 60 ca phẫu thuật mỗi ngày. Type-920 có một bãi đáp trực thăng và 6 tàu nhỏ để chở bệnh nhân, hàng tiếp tế và binh lính từ tàu vào bờ. Chiếc duy nhất mang số hiệu 866 từng đến châu Phi, Ấn Độ Dương và Nam Á hồi năm 2010 cũng như vùng biển Trung Mỹ năm 2011 để làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo.

Trung Quốc sẽ khoe một số tàu chiến hiện đại trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân

Truyền thông Trung Quốc ngày 17/4 cho biết tàu sân bay Liêu Ninh và tàu khu trục Type-055 sẽ tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân nước này vào ngày 23/4 tới.

Trước đó, công ty ImageSat International (iSi) công bố các ảnh chụp vệ tinh cho thấy một khu trục hạm Type 055 đang neo đậu tại bến cảng Thanh Đảo, dấu hiệu cho thấy mẫu tàu chiến này đã sẵn sàng hoạt động và đưa vào biên chế. Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi cuối tháng ba cũng khẳng định tàu Type-055 đang trải qua các thử nghiệm cuối cùng và sẽ sớm được đưa vào biên chế hải quân nước này.

Type-055 là loại tàu khu trục lớn nhất, hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc. Tàu dài 180 m, lượng giãn nước 10.000 tấn, được trang bị hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa cùng các vũ khí chống hạm, chống ngầm hoàn toàn mới. Lớp tàu này được lắp radar mảng pha quét điện tử (APAR) tương tự mẫu AN/SPY-1D nằm trong lá chắn phòng không Aegis của hải quân Mỹ. Về vũ khí, Type-055 được cho là có 128 ống phóng thẳng đứng (VLS) dùng cho tên lửa phòng không và các loại đạn khác, nhiều hơn 6 ống so với tuần dương hạm lớp Ticonderoga, lớp tàu mặt nước được trang bị nhiều vũ khí nhất của hải quân Mỹ. Hải quân Trung Quốc bắt đầu đóng lớp tàu này vào năm 2015, đến nay đã hạ thủy tổng cộng 4 chiếc và lên kế hoạch đóng thêm 4 chiếc khác.

Đáng chú ý, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc vừa mới công bố video về kết quả thử nghiệm hoạt động của tàu sân bay Type 001A. Tàu sân bay thuộc đề án 001A dành cho Hải quân Trung Quốc được hạ thủy hồi tháng 4/2017. Con tàu được chế tạo theo điển hình “Liêu Ninh” và là tàu sân bay thứ hai ở Trung Quốc. Trên tàu dự trù bố trí đến 48 máy bay và trực thăng. Lượng choán nước của con tàu mới là 55-70 nghìn tấn, chiều dài 315m, chiều rộng 75m, tốc độ tối đa là 31 hải lý. Hiện tại, trên boong tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc Liêu Ninh chứa 24 chiến đấu cơ thế hệ thứ tư J-15. Con tàu có thể đạt tốc độ 32 hải lý và thủy thủ đoàn gồm 2.626 người.

Ngoài ra, có thông tin cho rằng tại lễ kỷ niệm lần này, Trung Quốc cũng sẽ cho trình làng tàu đổ bộ thế hệ mới Type 075. Với lượng giản nước lên tới 40.000 tấn, Type 075 là tàu đổ bộ lớn nhất phục vụ trong hải quân Trung Quốc từ trước tới nay. Tàu này có thể chở 30 trực thăng có khả năng tấn công tàu, lực lượng trên bộ và tàu ngầm.

RELATED ARTICLES

Tin mới