Sunday, May 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTập trận Hải quân tại Tây Thái Bình Dương: TQ đang thách...

Tập trận Hải quân tại Tây Thái Bình Dương: TQ đang thách thức Mỹ và Nhật Bản

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, đội tác chiến tàu sân bay Trung Quốc vừa di chuyển qua eo biển Miyako trên đường đến Thái Bình Dương để diễn tập quân sự quy mô lớn.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Giới chức quốc phòng Trung Quốc cho biết đây là một nhiệm vụ đào tạo thường xuyên và đã được thực hiện theo luật pháp quốc tế, kêu gọi các quốc gia khác tôn trọng quyền di chuyển của mình. Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng,các nhà phân tích dự đoán rằng hải quân Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều bài tập để cải thiện sức mạnh chiến đấu và năng lực hoạt động ở những khu vực họ chưa quen thuộc. Trong khi đó, giới chức quốc phòng Nhật Bản cho biết, trong hành trình từ Biển Hoa Đông đến Thái Bình Dương, tàu chiến Trung Quốc đã di chuyển qua khu vực ở giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyako, song không đi vào vùng biển Nhật Bản.

Một số tàu hải quân khác của Trung Quốc, bao gồm cả tàu cung cấp nhiên liệu, cũng cùng di chuyển với tàu sân bay. Các quan chức Nhật Bản cho biết tàu Liêu Ninh có thể sắp tham gia các cuộc tập trận và họ đang để mắt đến nhiệm vụ này. Hiện tàu Liêu Ninh đã đi qua eo biển Miyako ở biển Hoa Đông để tới Thái Bình Dương.

Eo biển Miyako là một trong số ít cửa ngõ để hải quân Trung Quốc ra vào Thái Bình Dương từ Biển Hoa Đông. Đây không chỉ là cực nam của lãnh thổ Nhật Bản mà còn tiếp giáp với đảo Okinawa, nơi đồn trú của 75% lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, cũng như nằm gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Bắc Kinh đã nhiều lần tổ chức diễn tập bay qua eo biển Miyako với sự tham gia của nhiều phi cơ như máy bay ném bom, tiêm kích và máy bay cảnh báo sớm, buộc Tokyo tăng gấp đôi số lượng máy bay chiến đấu để giám sát. Nhật Bản đã thành lập một không đoàn tiêm kích mới, có khả năng chiến đấu trong mọi thời tiết và đóng quân tại Okinawa từ năm 2016 nhằm đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Lần gần đây nhất tàu Liêu Ninh được xác nhận đã đi tuyến đường này là vào tháng 12 năm 2016. Vào thời điểm đó, Nhật Bản cho biết hạm đội hải quân Trung Quốc bao gồm tám tàu chiến. Các máy bay quân sự Nhật Bản cũng đã được triển khai để theo dõi tình hình này. Lúc đó, đội tàu chiến này di chuyển qua eo biển Miyako trước khi qua bờ biển phía đông Đài Loan trên đường thực hiện các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông.

Giới chuyên gia, học giả nhận định chuyến đi mới nhất của đội tàu chiến Trung Quốc qua eo biển Miyako là một phần của hoạt động đào tạo nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu. Collin Koh, một nghiên cứu viên của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết eo biển này “là một trong những tuyến đường nhanh nhất đi vào khu vực phía tây mở của Thái Bình Dương, nơi PLA dự kiến sẽ tiến hành các hoạt động tác chiến – đặc biệt là ở Biển Philippines, đặc biệt là trong trường hợp phải thực hiện hành động chống can thiệp nhằm vào các lực lượng Mỹ từ đảo Guam được triển khai tới đây”. Theo ông Collin Koh, những cuộc diễn tập thế này là nhằm mục đích cho các đơn vị Hải quân PLA làm quen với môi trường hoạt động như vậy – một phần của sự chuẩn bị chiến đấu trong thời bình.

Chuyên gia Tống Trung Bình, một chuyên gia quân sự và từng phục vụ trong lực lượng pháo binh của PLA – cho biết, không có gì lạ khi tàu Liêu Ninh thực hiện huấn luyện ở phía tây Thái Bình Dương. Huấn luyện không thể được thực hiện tại sân nhà. Họ cần tăng cường khả năng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ xa hơn – điều đó rất quan trọng đối với một tàu sân bay. Ông Tống còn cho biết, cần đào tạo để cải thiện sức mạnh chiến đấu và hoạt động ở những khu vực không quen thuộc, cũng theo chuyên gia này.

Giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc cho rằng nhóm tấn công tàu sân bay Trung Quốc cũng có thể đang tìm cách phát triển thêm kinh nghiệm hoạt động. Theo ông Ryo Hinata-Yamaguchi, có thể tổ chức một số loại dạng tập trận hải quân ngay tại hoặc gần Thái Bình Dương, đồng thời tiến hành các hoạt động tự do hàng hải của riêng họ để thử nghiệm các phản ứng chiến lược và chiến thuật của Nhật Bản. Mục tiêu của Trung Quốc là thực hiện được chiến lược chống tiếp cận và chống xâm nhập khu vực tại chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai để tiếp cận Thái Bình Dương, trong khi duy trì sự thách thức với ưu thế của không và hải quân của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – và cả việc Nhật Bản cũng đang tăng cường phát triển năng lực hải và không quân.

Cuộc tập trận trên của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương diễn ra cùng thời điểm với cuộc tập trận của Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông. Theo đó, cuộc tập trận bắt đầu diễn ra vào ngày 10/6. Mỹ triển khai tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan và một số tàu chiến khác, trong khi Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) gửi tàu sân bay trực thăng JS Izumo cùng 2 khu trục hạm JS Murasame và JS Akebone. Cuộc tập trận diễn ra một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako nằm giữa đảo Miyako và đảo chính Okinawa của Nhật Bản, sau đó tiến vào Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận thông tin và cho biết, nội dung diễn tập bao gồm huấn luyện chiến đấu chung ở lãnh hải và không phận của Biển Đông. Trong khi đó, Hạm đội 7 của Mỹ tuyên bố Hải quân Mỹ và JMSDF thường triển khai máy bay, tàu thuyền và hoạt động cùng các đồng minh để thúc đẩy an ninh, ổn định trên toàn khu vực. Chỉ huy tàu USS Ronald Reagan, Pat Hannifin, cũng nhấn mạnh: “Thời gian chúng tôi huấn luyện trên biển và hoạt động với đối tác JMSDF là vô giá. Liên minh của chúng tôi chưa bao giờ mạnh hơn và quan trọng với khu vực này hơn bao giờ hết”. Còn tờ Sankei Shimbun cho hay mục đích của cuộc tập trận này là để “chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc”.

Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả quốc tế và khu vực nhận định cuộc tập trên là hành động cứng rắn của Mỹ và các nước đồng minh nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh. Họ cho rằng cuộc tập trận thể hiện lập trường cứng rắn của Mỹ, Nhật Bản về luật pháp quốc tế ở Biển Đông, mà còn xây dựng nên cầu nối những bên có cùng mối quan tâm trước Bắc Kinh. Sự kiện này thể hiện dấu hiệu về sự bất bình của cộng đồng quốc tế đối với các hành động “cơ bắp” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cuộc tập trận trên còn nhằm cảnh báo về việc Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới