Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ công bố Sách Trắng Tân Cương nhằm biện minh về chính...

TQ công bố Sách Trắng Tân Cương nhằm biện minh về chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ

Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc (21/7) công bố Sách Trắng “Những vấn đề lịch sử về Tân Cương”, cho rằng Tân Cương là một cộng đồng đa dạng về tôn giáo, nơi một số tín ngưỡng đã tồn tại hàng thế kỷ và chính quyền “tôn trọng quyền tự do của công dân trong việc tin hay không tin theo bất kỳ tôn giáo nào”.

Cảnh sát Trung Quốc tuần tra tại Urumqi, thủ phủ Khu tự trị Tân Cương

Sách Trắng “Những vấn đề lịch sử về Tân Cương”

Sách Trắng “Những vấn đề lịch sử về Tân Cương” gồm 6.800 từ, mô tả Tân Cương là một cộng đồng đa dạng về tôn giáo, nơi một số tín ngưỡng đã tồn tại hàng thế kỷ, và chính quyền “tôn trọng quyền tự do của công dân trong việc tin hay không tin theo bất kỳ tôn giáo nào”.

Theo sách trắng, Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc nằm ở phía Tây Bắc của Trung Quốc, ở vùng nội địa của lục địa Á-Âu, giáp với Mông Cổ, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ. Khu vực này là nơi giao lưu giữa Trung Quốc cổ đại với các nền văn minh thế giới.

Sách trắng chỉ ra rằng Trung Quốc là một quốc gia đa sắc tộc thống nhất và tất cả các nhóm dân tộc ở Tân Cương là một thành viên của quốc gia Trung Quốc. Trong quá trình phát triển lịch sử lâu dài, vận mệnh của Tân Cương luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, “các thế lực thù địch trong và ngoài nước, đặc biệt là các lực lượng ly khai dân tộc, các lực lượng cực đoan tôn giáo và các lực lượng khủng bố bạo lực, đã cố tình bóp méo lịch sử và nhầm lẫn đúng sai để đạt được mục đích chia rẽ và phá hoại Trung Quốc”; tìm cách xóa bỏ Tân Cương là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc.

Sách trắng nhấn mạnh rằng lịch sử không thể bị làm sai lệch và sự thật không thể bị từ chối. Tân Cương là một phần không thể thay đổi của lãnh thổ của Trung Quốc. Tân Cương không bao giờ là “Đông Turkistan”, người Duy Ngô Nhĩ được hình thành thông qua di cư và hội nhập lâu dài và là một phần của quốc gia Trung Quốc, Tân Cương là một khu vực có nhiều nền văn hóa và tôn giáo, Hồi giáo không phải là tôn giáo duy nhất của tín ngưỡng tự nhiên của người Duy Ngô Nhĩ.

Theo sách trắng, hiện tại, nền kinh tế của Tân Cương tiếp tục phát triển, xã hội hài hòa và ổn định, sinh kế của người dân không ngừng cải thiện, văn hóa thịnh vượng chưa từng thấy.

Được biết, ở Trung Quốc có khoảng 18% dân số theo Phật giáo, 5% theo Công giáo và dưới 2% theo đạo Hồi. Tân Cương có dân số khoảng 22 triệu người, trong đó một nửa theo đạo Hồi. Sách Trắng cho biết hiện có 24.800 địa điểm cho các hoạt động tôn giáo ở Tân Cương, bao gồm 24.400 nhà thờ Hồi giáo và 400 đền thờ, nhà thờ và những nơi cầu nguyện khác.

Sách Trắng chống khủng bố ở Tân Cương

Trước đó, Văn phòng báo chí Quốc Vụ Viện Trung Quốc (18/3) đã công bố Sách Trắng về đấu tranh chống khủng bố, cực đoan và đảm bảo nhân quyền ở Tân Cương.

Sách Trắng gồm hơn 15.000 chữ, chia làm 7 phần chính, trong đó khẳng định Tân Cương là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, giới thiệu sự hình thành của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan ở Tân Cương, sự vi phạm nhân quyền của các hành vi khủng bố bạo lực và cực đoan tôn giáo, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ kiên trì việc chống khủng bố mang tính phòng ngừa là nhiệm vụ hàng đầu, tổng kết kinh nghiệm và tiếp tục tích cực tham gia hợp tác quốc tế trong chống khủng bố.

Sách Trắng khẳng định, chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại, cũng là đối tượng đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế. Đồng thời cho biết, thời gian gần đây, khu vực Tân Cương và nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước nhiều vụ tấn công khủng bố của ba thế lực, gồm: ly khai dân tộc, cực đoan tôn giáo và khủng bố bạo lực. Sách Trắng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan ở Tân Cương phù hợp với tôn chỉ và nguyên tắc về chống khủng bố và bảo vệ những quyền cơ bản của con người của Liên Hợp Quốc.

Theo số liệu Sách Trắng đưa ra, từ năm 1990 đến cuối năm 2016, ba thế lực đã gây ra hàng nghìn vụ khủng bố bạo lực tại Tân Cương, làm nhiều dân thường bị sát hại, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát công an hy sinh, gây thiệt hại lớn về tài sản. Trong đó, đáng chú ý là vụ bạo động xảy ra năm 2009 làm gần 200 người thiệt mạng, hơn 1.700 người bị thương và nhiều cơ sở vật chất bị phá hủy. Từ năm 2014 đến nay, Tân Cương đã triệt hạ được 1.588 băng nhóm và bắt giữ được gần 13.000 phần tử khủng bố bạo lực, thu giữ hàng nghìn thiết bị nổ.

Trung Quốc cho biết, bên cạnh việc nghiêm trị các tội phạm khủng bố bạo lực, nước này còn chú trọng việc cải thiện dân sinh, tăng cường công tác tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm đảm bảo quyền con người cơ bản cho người dân sở tại. Trung Quốc cũng tái khẳng định việc chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức, song phản đối việc gắn liền chống khủng bố, cực đoan với một quốc gia mặc định nào đó hoặc các vấn đề dân tộc, tôn giáo, phản đối việc dùng “tiêu chuẩn kép” trong vấn đề chống khủng bố.

Về hợp tác quốc tế, cùng với việc tuân thủ các nguyên tắc và quy định quốc tế, trong đó ủng hộ vai trò chủ đạo và điều phối của Liên Hợp Quốc trong hợp tác quốc tế chống khủng bố, Trung Quốc còn ký kết nhiều Công ước quốc tế, tổ chức các cuộc tập trận chung chống khủng bố, tiến hành giao lưu hợp tác song phương và đa phương nhằm trao đổi thông tin tình báo và hợp tác tư pháp..

Trung Quốc liên tục công bố Sách Trắng liên quan Tân Cương là do Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều áp lực quốc tế liên quan đến cáo buộc ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Một báo cáo của quốc hội Mỹ ước tính ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam trong “các trại cải huấn” tại khu tự trị này.

Trung Quốc từ lâu cho rằng khu vực Tân Cương phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ phiến quân Hồi giáo và những phần tử cực đoan, đồng thời bác bỏ các báo cáo về hành vi ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành hồi tuần trước tuyên bố các trại cải huấn mà truyền thông phương Tây đề cập thực chất là trường nghề và cơ sở đào tạo. Ông cho rằng nhờ những trung tâm đào tạo này, Tân Cương từ một khu vực chứng kiến hàng nghìn vụ tấn công khủng bố trong thập niên 1990 đã trở nên yên bình trong 27 tháng qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới