Friday, May 3, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ - Philippines tổ chức tham vấn ngoại giao nhằm tăng cường...

TQ – Philippines tổ chức tham vấn ngoại giao nhằm tăng cường quan hệ song phương

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 3 năm Tòa trọng tài (7/2016) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh và Manila (23/7) lại tiến hành tham vấn ngoại giao nhằm “thúc đẩy” quan hệ song phương.

Tham vấn ngoại giao lần thứ 22

Theo thông tin trên, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy và người đồng cấp Philippines Enrique Manalo vừa đồng chủ trì tham vấn ngoại giao Trung Quốc – Philippines lần thứ 22. Cuộc tham vấn diễn ra ngày 23/7 và là cuộc tham vấn đầu tiên kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện năm 2018 đến nay.

Tại cuộc họp, hai bên đã khẳng định cần thực hiện tốt những nhận thức chung cấp cao, không ngừng tăng cường tin cậy chính trị cũng như thúc đẩy đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Trung Quốc tán thành và ủng hộ Philippines thực hiện tốt vai trò điều phối quan hệ Trung Quốc – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi Manila tán thành việc Bắc Kinh coi trọng cao độ quan hệ Trung Quốc – ASEAN và đề xuất hàng loạt sáng kiến hợp tác. Hai bên cũng cam kết sẽ tăng cường trao đổi, phối hợp, thúc đẩy hợp tác khu vực Đông Á đạt tiến triển lớn hơn.

Bên cạnh đó, hai bên cũng đã đi sâu trao đổi một cách thẳng thắn về vấn đề Biển Đông, nhất trí tiếp tục kiên trì nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông, không ngừng tăng cường đối thoại trên biển, thúc đẩy hợp tác trên biển. Hai bên sẽ tiếp tục cùng các quốc gia ASEAN khác thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Cơ chế Tham vấn Song phương (BCM) trên Biển Đông

Trong ba năm trở lại đây, ngoài tham vấn ngoại giao, Trung Quốc và Philippines còn tổ chức tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông. Ngày 03/04, Trung Quốc và Philippines cũng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 04 về Cơ chế Tham vấn Song phương (BCM) trên Biển Đông tại thủ đô Manila của Philippines. Hai bên tái khẳng định cam kết thực thi DOC, thúc đẩy hoàn tất đàm phán COC. Phái đoàn Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Khổng Huyễn Hựu dẫn đầu, và phái đoàn Philippines do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Meynardo LB Montealegre dẫn đầu Văn phòng phụ trách các vấn đề Châu Á và Thái Bình Dương. Tương tự như cuộc họp BCM lần thứ 03 vào tháng 10/2018, BCM lần thứ 04 có sự tham gia của các quan chức đến từ các bộ ngoại giao và các cơ quan liên quan.

Nhắc lại Tuyên bố chung giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Philippines ban hành ngày 21/11/2018, trong đó cả hai bên nhất trí cam kết tự kiềm chế các hoạt động ở biển Đông gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định, và lưu ý tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng lòng tin để tăng niềm tin và sự tin cậy lẫn nhau, cả hai bên đều khẳng định tầm quan trọng của BCM như một nơi thường xuyên và đẩy mạnh đối thoại.

Hai bên cũng lưu ý tầm quan trọng của BCM như là một nền tảng để theo đuổi các biện pháp thúc đẩy sự tin tưởng và tin cậy lẫn nhau. Về vấn đề này, hai bên thừa nhận BCM đóng vai trò như một diễn đàn giúp đưa ra các tầm nhìn khác nhau để giải quyết chúng, ngăn chặn và xử lý sự cố trên biển một cách hợp lý và tăng cường đối thoại và hợp tác hàng hải, có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển ổn định và bền vững của quan hệ song phương. Hai bên thẳng thắn và thiện chí nêu ra những vấn đề, tình hình phát triển và hành động cụ thể gần đây ở biển Đông đã gây lo ngại cho cả hai bên và đề xuất những cách thức giải quyết mang tính hợp tác. Hai bên tái khẳng định cam kết hợp tác và tiếp tục củng cố niềm tin và sự tin cậy lẫn nhau. Hai bên tái khẳng định, mặc dù không nên bỏ qua các vấn đề gây tranh cãi ở biển Đông, nhưng vấn đề này cũng không phải là tất cả trong mối quan hệ Trung Quốc-Philippines và hai bên không nên loại bỏ hợp tác trong các lĩnh vực khác. Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Cả hai bên đều nhắc lại cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn và đàm phán thiện chí bởi các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp, tuân theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận, bao gồm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Hai bên đều nhất trí rằng mối quan hệ song phương sẽ phục vụ lợi ích của cả dân tộc Philippines và Trung Quốc và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Hai bên đã có một cuộc trao đổi quan điểm hiệu quả về cách tăng cường hợp tác hàng hải trong các lĩnh vực, bao gồm sự phát triển gần đây ở biển Đông mang ý nghĩa chính trị và an ninh, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển/nghiên cứu khoa học biển và thủy sản trong các cuộc họp nhóm làm việc có liên quan trong khuôn khổ BCM. Cả hai bên cũng trao đổi quan điểm về phát triển dầu khí mà không phán xét quan điểm riêng của nhau về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán. Hai bên cũng nhất trí tầm quan trọng của các nền tảng đa phương khác, bao gồm Quan hệ Đối thoại Trung Quốc – ASEAN, Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực. Cả hai bên đều nhắc lại các cam kết của mình trong việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả thi Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông 2002 và đồng ý duy trì mục đích tích cực của các cuộc đàm phán để sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông trên cơ sở đồng thuận. Hai bên đánh giá cuộc gặp gỡ đạt hiệu quả cao. Cuộc họp BCM lần thứ 05 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2019, thời gian và địa điểm chính xác sẽ được các bên xác định và thỏa thuận thông qua các kênh ngoại giao.

Trung Quốc không tiếc tiền để “mua chuộc” Philippines

Ngay sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (10/2016) có chuyến thăm 04 ngày tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm, Bắc Kinh và Manila đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với tổng giá trị lên đến 24 tỷ đô la. Theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Philippines 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi, bao gồm một hạn ngạch tín dụng 3 tỷ USD từ ngân hàng Bank of China; các thỏa thuận đầu tư có tổng trị giá 15 tỷ USD. Phát biểu tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Philippines Ramon Lopez (21/10/2016) cho biết Trung Quốc và Philippines đã ký thỏa thuận sơ bộ trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai mỏ với tổng trị giá 11,2 tỷ USD.

Trong chuyến thăm của Bộ Thương mại Philippines tới Bắc Kinh vào tháng 01/2017, Trung Quốc đã cam kết chi 3,7 tỷ USD vốn vay ưu đãi để Manila triển khai 30 dự án, tập trung trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Hai bên cũng nối lại các thảo luận về hợp tác khai thác năng lượng qua đàm phán giữa công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty PXP Energy Philippines. Ngoài ra, Trung Quốc đồng ý cung cấp 1,7 tỷ USD để mua 900 ngàn tấn gạo và các sản phẩm nông nghiệp của Philippines; cho Manila vay 500 triệu USD để mua sắm trang bị quân sự, đề nghị Philippines mua 03 tàu ngầm với trị giá 108 triệu USD, cam kết cung cấp gói viện trợ vũ khí cho cuộc chiến chống ma túy, khủng bố và bàn giao cho Philippines 23.000 khẩu súng trường M4.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai và tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một Vành đai, Một Con đường” của ông Duterte(5/2017) , Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cung cấp gói viện trợ 73 triệu đô la và hỗ trợ xây cơ sở hạ tầng tại Philippines; ngoài ra 9 công ty của Trung Quốc cũng ký ý định thư để đầu tư nhiều dự án kinh doanh trị giá 9,8 tỷ đô la tại Philippines. Trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (25/11/2017), Bắc Kinh đã đề xuất kế hoạch hợp tác kinh tế dài hạn với Philippines. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 14 thỏa thuận hợp tác liên quan đến kinh tế và quốc phòng. Trung Quốc cũng cam kết viện trợ 150 triệu nhân dân tệ (22,6 triệu đô la Mỹ) để giúp tái thiết thành phố Marawi, nơi bị tàn phá nặng nề sau cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và các tay súng phiến quân Hồi giáo.

RELATED ARTICLES

Tin mới