Monday, May 6, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ gây hấn với Philippines

TQ gây hấn với Philippines

Sau khi cho nhóm tàu Hải Dương 08 tiến hành khảo sát bất hợp pháp ở khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, tàu khảo sát Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển của Philippines.

Hôm 07/8/2019, ông Ryan Martinson, Phó Giáo sư Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ đăng những hình ảnh cho thấy hai tàu khảo sát Trung Quốc là Dong Fang 3 và Zhang Jian hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines, cách bờ biển phía đông nước này khoảng 80 hải lý. Theo ông Ryan Martinson, hai con tàu trên đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines kể từ ngày 3/8, đúng 1 tháng sau khi Trung Quốc cho nhóm tàu địa chất Hải Dương 8 khảo sát trong khu vực Tư Chính, trên thềm lục địa Việt Nam.

Sau khi thông tin trên được lan truyền, ngày 09/8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã công khai chỉ trích các tàu Trung Quốc hoạt động không phép trong vùng biển của nước này mà không thông báo cho chính quyền Manila. Bộ trưởng Lorenzana đặt câu hỏi“việc gì phải bí mật như thế?” “ Tại sao (tàu Trung Quốc) lại tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS) và từ chối hợp tác với lực lượng tuần duyên Philippines?”, đồng thời nhấn mạnhnhững diễn biến này làm những người phụ trách lĩnh vực quốc phòng Philippines rất lo ngại; nếu muốn thực hiện thăm dò khảo sát khoa học trên vùng biển Philippines, Bắc Kinh cần phải xin phép trước với Manila. Sau khi yêu cầu được chấp thuận, một tàu chở các nhà khoa học Philippines sẽ hộ tống tàu Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ. Ông cho biết những nước như Mỹ và Pháp trước đây đều tuân thủ việc này, riêng chỉ có Trung Quốc là không. Ông Lorenzana đã đề nghị Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh giải trình.

Ngay sau đó, đề cập tới phản ứng của Manila trước thông tin hai tàu khảo sát Trung Quốc đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin viết trên Twitter” sẽ trao công hàm phản đối ngoại giao” hành vi này của Trung Quốc. Đây là lần thứ 3 Philippines phản đối hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông qua đường ngoại giao trong những ngày gần đây.

Liên quan đến vụ việc tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động trong vùng biển của Philippines, ngày 09/8/2019, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa tìm cách trấn an dư luận bằng những điệp khúc lừa dối mà họ thường rêu rao lâu nay. Ông Triệu Giám Hoa nói “Trung Quốc sẽ tiếp tục là người bạn tốt, hàng xóm tốt và họ hàng gần với người dân Philippines. Những bất đồng ở Biển Đông chỉ chiếm 1% trong mối quan hệ giữa hai nước”.

Trước đó, Philippines đã trao Công hàm phản đối việc hàng trăm tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines chiếm đóng sau khi Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington công bố các hình ảnh vệ tinh cho biết số lượng tàu cá Trung Quốc hoạt động ở quanh đảo Thị Tứ tăng mạnh vào cuối tháng 7/2019. Liên quan đến vụ việc này, ngày 31/7/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng vùng biển phía Tây nước này (Biển Đông), bình yên cho đến khi Trung Quốc tiến vào và thực hiện hành động gây hấn; nếu Trung Quốc không bắt đầu xây các đảo nhân tạo, thì Biển Đông đã yên ả hơn, và nếu Trung Quốc không trở nên quá hung hăng ở Biển Đông thì cũng sẽ không có mâu thuẫn trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines chỉ trích Trung Quốc không giữ các cam kết chính trị đã đưa ra về vấn đề Biển Đông. “Họ nói không bắt nạt nước khác, họ tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng những gì họ nói không phải là những gì họ đang làm”. Bộ trưởng Lorenzana cho biết thêm trừ khi Trung Quốc làm theo những gì họ nói, còn không những gì họ nói tiếp tục bị nghi ngờ. Người Philippines sẽ tiếp tục nhìn Bắc Kinh với sự ngờ vực.

Trước những hành động gây hấn liên tiếp của Trung Quốc đối với Philippines, hôm 08/8/2019,Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh rằng trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 5, ông sẽ nêu ra toàn bộ các vấn đề có liên quan tới Biển Đông trong bối cảnh ông lưu ý rằng Trung Quốc là bên trì hoãn bộ quy tắc ứng xử tại khu vực. Ông Duterte cũng cho biết ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn về phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách đơn phương của Bắc Kinh về Biển Đông. Từ khi lên cầm quyền ở Philippines, Tổng thống Duterte đã gác lại phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài để tìm cách tranh thủ thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, song những hành động hung hăng bành trướng ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông đã buộc ông Duterte phải có thái độ cứng rắn hơn.

Những hành động của Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, Philippines và Malaysia ở Biển Đông thời gian gần đây đang tạo ra mối nguy cơ lớn đe dọa hòa bình, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trung Quốc đang ráo riết biến những vùng biển không tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông thành những khu vực tranh chấp để từ đó thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Trong bối cảnh Trung Quốc thi hành chính sách cưỡng ép, “cá lớn nuốt cá bé” ở Biển Đông, các nước ven Biển Đông Việt Nam, Philippines và Malaysia cần đoàn kết lại để cùng nhau đối phó với các thách thức đến từ chính sách bá quyền của Trung Quốc. Các nước ngoài khu vực, nhất là Mỹ và các nước lớn cần tăng cường hỗ trợ các nước ven Biển Đông chống lại chính sách cường quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, ngăn chặn Trung Quốc biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ bởi lẽ vấn đề hòa bình ổn định, tự do, an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới