Friday, May 3, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ và ý định chia 60-40 khi hợp tác với Philippines ở...

TQ và ý định chia 60-40 khi hợp tác với Philippines ở Biển Đông

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Philippines Duterte, hai bên sẽ thảo luận về tỷ lệ chia 60-40 khi hợp tác trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên Biển Đông.

Ý đồ của Philippines khi hợp tác với Trung Quốc

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết việc Philippines “cho phép” Trung Quốc hiện diện ở vùng biển của Philippines cho thấy Philippines là “chủ sở hữu” của khu vực này.Về đề xuất của Trung Quốc về việc chia sẻ tài nguyên 60-40 ở biển Tây Philippines, ông Panelo cho rằng điều này có thể được sử dụng như một “đòn bẩy thương lượng” và đây là điều tốt nhất cho cả hai bên.

Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Philippines Ralph Recto cho rằng việc Manila muốn tìm kiếm sự độc lập về nguồn năng lượng được xem là vấn đề cấp bách. Theo ông Ralph Re, khu vực Malampaya ngoài khơi Palawan có thể hết khí thiên nhiên vào năm 2024. “Bóng ma khát năng lượng” này là điều thúc đẩy hoạt động săn tìm các mỏ khí đốt và dầu mỏ mới trong vùng biển của Philippines. Biển Đông là kho nhiên liệu và cá của Philippines. Đây là nguồn protein và năng lượng chính của Manila. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế tàn khốc rằng Philippines đang phải đối mặt với một rào cản lớn khi tiếp cận chúng.

Năm ngoái, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio từng cảnh báo rằng khái niệm “gạt bỏ tranh chấp và theo đuổi sự phát triển chung mà Trung Quốc đưa ra” thực chất là “một cái bẫy”. Bởi vì theo chính phủ Trung Quốc, yếu tố đầu tiên trong sự phát triển chung là “chủ quyền các vùng lãnh thổ liên quan đều thuộc về Trung Quốc”. Trong khi đó, nhóm ngư dân Pambansang Lakas ng Kilusang Mamamalakaya ng Pilipinas (Pamalakaya) đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích đề xuất của Trung Quốc về biển Đông. Theo họ, về mặt pháp lý, cho phép Trung Quốc khai thác tài nguyên của chúng ta đồng nghĩa với việc vi phạm quyền tự quyết của Philippines và quyền sử dụng tài nguyên của quốc gia để phát triển.

Được biết, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Philippines vào tháng 11/2018, hai bên đã ký bản ghi nhớ khai thác dầu khí chung ở khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Philippines đã chỉ trích việc hợp tác khai thác với Trung Quốc, nhất là trong EEZ vốn là của riêng Philippines.

Thách thức phải đối mặt

Diễn tiến tình hình hiện tại trong mối quan hệ Trung Quốc – Philippines và sự ổn định tổng thể trên Biển Đông tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn cần làm rõ nội hàm cụ thể, cơ sở pháp lý, các điều kiện cần thiết cũng như những điểm tương đồng và khác biệt trong nhận thức về vấn đề “khai thác chung”.

Đầu tiên, Trung Quốc và Philippines vẫn có các cách hiểu khác nhau về nội hàm của khai thác chung. Các học giả Trung Quốc thường cho rằng khai thác chung là khái niệm dùng để chỉ hai hay nhiều quốc gia đạt được hiệp định hợp tác giữa chính phủ trong việc cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trong các khu vực chồng lấn, qua đó phối hợp thực thi quyền tài phán trong khu vực và tạo điều kiện để giải quyết tranh chấp. Trong khi đó, Philippines nhấn mạnh hơn vào việc cùng thăm dò tài nguyên, chứ không phải khai thác toàn diện, đề cập tới phạm vi cơ bản giới hạn trong lô SC57.

Tiếp đến, có sự khác biệt trong cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines. Mọi người thường cho rằng cơ sở của luật quốc tế về khai thác chung chủ yếu đến từ hai khía cạnh, một là dựa trên “nguyên tắc hợp tác” và “nghĩa vụ đàm phán” được đề cập trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Nguyên tắc còn lại là dựa trên các biện pháp “sắp xếp tạm thời” được đề cập trong UNCLOS. Đây là cơ sở chính của luật quốc tế về vấn đề khai thác chung trong các cuộc tham vấn và đối thoại giữa hai nước Trung Quốc và Philippines trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vì phán quyết của Toà trọng tài ở Biển Đông ủng hộ chủ trương của Philippines, do đó nhiều người ở Philippines nhận định rằng đây là cơ sở quan trọng để Manila giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông cũng như các vấn đề về khai thác chung trong tương lai.

Cuối cùng, từ góc độ song phương mà nói, có hai điều kiện cần thiết để thúc đẩy việc khai thác chung tài nguyên dầu khí ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Thứ nhất, hai bên phải thừa nhận tồn tại các tranh chấp liên quan đến phân định biển ở Biển Đông và sẵn sàng thực hiện các nguyên tắc hợp tác và nghĩa vụ đàm phán. Trung Quốc và Philippines đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn về cách xử lý thoả đáng các tranh chấp trên biển, và đã đạt được nhận thức chung, đồng thời nhiều lần khẳng định việc này trong các văn kiện song phương. Thứ hai, hai bên sẵn sàng chấm dứt các hành vi khai thác đơn phương và đồng ý thực hiện “các sắp xếp tạm thời” mà không ảnh hưởng đến chủ trương của các bên.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng khai thác chung có thể là hành động vi phạm luật pháp của Philippines. Theo quy định của luật pháp liên quan ở Philippines, việc thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong “vùng đặc quyền kinh tế” của nước này phải được đặt dưới sự kiểm soát và giám sát chung của nhà nước. Philippines phải nắm giữ ít nhất 60% cổ phần trong hợp tác khai thác chung các nguồn lực. Ngoài ra, Philippines vẫn chưa có đủ “lợi ích” trong việc khai thác chung. Một số học giả Philippines cho rằng thành tựu duy nhất của chính phủ Philippines hiện nay là Trung Quốc có thể cho phép ngư dân Philippines quay trở lại vùng biển ngoài bãi cạn Scarborough để đánh bắt cá, nhưng điều này không đủ để đánh đổi lấy việc Philippines đồng ý khai thác tài nguyên dầu khí với Trung Quốc trong “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines.

Liên quan trực tiếp đến Việt Nam

Việt Nam có những cơ sở để theo dõi các diễn biến của tiến trình đàm phán khai thác chung của Trung Quốc và Philippines. Thứ nhất, khu vực Trung Quốc và Philippines thỏa thuận khai thác chung nằm trong khu vực biển của các thực thể tại quần đảo Trường Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.Thứ hai, nếu cả Philippines và Trung Quốc chọn phương án khai thác chung trong vùng tranh chấp, gián tiếp chấp nhận yêu sách đường chín đoạn sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc lên tiếng bác bỏ yêu sách này của Trung Quốc.

Khi những hành động hung hăng của Trung Quốc gây ra trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà nằm trong đường chín đoạn Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố, Việt Nam cũng có thể sẽ khó khăn hơn đưa vấn đề này ra chương trình nghị sự của ASEAN.Mặc dù vậy, nếu cả hai quốc gia này chọn phương án trên, tức là đi ngược lại với bản án của Tòa án quốc tế mà cả hai đều là thành viên, Việt Nam có quyền lên tiếng phản đối tại cuộc họp của các thành viên Công ước Luật biển 1982. Bởi vì công ước có điều khoản bắt buộc các thành viên của các bản án của Tòa án quốc tế phải tuân theo quyết định của tòa.

Việt Nam đã chấp hành tốt các nghĩa vụ do công ước đưa ra, Việt Nam có quyền yêu cầu các quốc gia khác phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của mình. Chưa kể đến hành động này làm ảnh hưởng đến tính chính danh và uy nghiêm của hệ thống luật biển quốc tế. Đây là một trong những cách để Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về vấn đề này.Do đó, Việt Nam cần cẩn thận quan sát diễn biến của quá trình đàm phán khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc để kịp thời có cách ứng phó phù hợp, bảo vệ quyền lợi của mình trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới