Friday, May 17, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga - Ấn mở tuyến hàng hải mới qua Biển Đông

Nga – Ấn mở tuyến hàng hải mới qua Biển Đông

Nga, Ấn Độ thống nhất mở tuyến đường biển mới, trong đó có đoạn trên Biển Đông, nhằm tăng cường giao thương và thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Quan chức hai nước ký biên bản ghi nhớ về tuyến hàng hải mới tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok hôm 4/9 trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Hành trình dài 10.460 km sẽ kết nối thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga với thành phố Chennai, phía đông Ấn Độ. Nó rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển của tàu hàng giữa hai nước so với tuyến đường biển dài hơn 16.000 km giữa thành phố Saint Petersburg và Mumbai hiện nay.

“Đây là tín hiệu cho thấy hợp tác Nga – Ấn đã tới giai đoạn quan trọng. Moskva đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại châu Á, việc hợp tác với New Delhi sẽ giúp đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh ở mức độ nào đó”, nhà nghiên cứu Hu Zhiyong thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nhận xét.

Thủ tướng Modi khẳng định tuyến hàng hải này phù hợp với chính sách “Hướng Đông” của New Delhi, trong đó đề cao hợp tác chính trị và kinh tế với các nước Đông Nam Á. Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và thứ ba tại châu Á với hơn 55% giao thương đi qua các tuyến hàng hải quan trọng như eo biển Malacca, khiến New Delhi có lợi ích chiến lược tại Biển Đông.

Ngoài thỏa thuận về hàng hải, Nga và Ấn Độ cũng đẩy mạnh hợp tác công nghệ và kỹ thuật quân sự. “Hai nước sẽ thành lập liên doanh phát triển và sản xuất khí tài quốc phòng, cũng như cải thiện hệ thống hỗ trợ hậu mãi”, thông báo chung Nga – Ấn sau EEF có đoạn viết.

Tuyến hàng hải cũ (trái) và mới kết nối các thành phố Nga và Ấn Độ. Đồ họa: India Times.

Tuyến hàng hải cũ (trái) và mới kết nối các thành phố Nga và Ấn Độ. Đồ họa: India Times.

Biển Đông gần đây căng thẳng khi nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía Nam Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc, yêu cầu nước này rút tàu và không có hành vi đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực.

Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối các hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ra thông cáo chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông, làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực và vi phạm các quy tắc quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới