Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSau gần 4 tháng, TQ vẫn “thất thủ” tại Hồng Công: Bắc...

Sau gần 4 tháng, TQ vẫn “thất thủ” tại Hồng Công: Bắc Kinh không phát triển hòa bình

Đã 16 tuần trôi qua, người dân Hồng Công tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối chính quyền và phản đối sự can thiệp dần dần của Chính quyền Trung ương vào mô hình “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Công. Điều này cho thấy Trung Quốc không hề phát triển hòa bình như những gì Bắc Kinh đang tuyên truyền.

Người dân Hồng Công tiếp tục biểu tình phản đối

Ngày 21/9, hàng nghìn người biểu tình phản đối chính quyền đặc khu Hồng Công tiếp tục tuần hành ôn hòa ở Tuen Mun thuộc khu vực Tân Giới, nhưng bạo lực bất ngờ nổ ra khi một nhóm người biểu tình đụng độ với cảnh sát. Cảnh sát chống bạo động trang bị khiên dài đã bắn đạn hơi cay và phá dỡ các chướng ngại vật do người biểu tình dựng lên trên đường. Cùng ngày, hàng chục người ủng hộ chính quyền trung ương Bắc Kinh đã dỡ các bức tường đầy màu sắc được tạo thành từ những mảnh giấy ghi thông điệp kêu gọi biểu tình và cáo buộc Bắc Kinh can thiệp các vấn đề của Hồng Công. Những bức tường xuất hiện khắp trung tâm tài chính châu Á, từ trạm chờ xe buýt, trung tâm thương mại đến dưới chân cầu và lối dành cho người đi bộ. Trong khi đó, người biểu tình dùng bom xăng, dùng các vũ khí như gậy sắt, ná thun và đèn laser để đáp trả và ngăn cản cảnh sát bắt giữ người dân. Trước làn sóng biểu tình của người dân, hệ thống tàu điện ngầm Hồng Công bị đóng cửa trước ngày 21/9 khiến nhiều người biểu tình khó tiếp cận hay rời khỏi khu vực. Ga tàu hỏa tại Yuen Long, nơi người biểu tình dự định ngồi để đánh dấu vụ tấn công nhằm vào họ hai tháng trước, cũng bị đóng cửa.

Ngày 22/9, người biểu tình Hồng Công tiếp tục tụ tập, nắm chặt tay nhau thành những hàng dài người dọc theo vỉa hè của đường Ma Tau Wai, Kowloon, hát thánh ca và hô vang khẩu hiệu của mình. Sự kiện được tổ chức dưới dạng một sự kiện tín ngưỡng, bắt đầu bằng việc cầu nguyện, để thể hiện sự ủng hộ đối với yêu sách năm điểm của lực lượng biểu tình. Trong khi đó, các cuộc biểu tình khác được lên kế hoạch diễn ra vào chiều 22/9, bao gồm việc làm tắc nghẽn giao thông quanh khu vực sân bay. Cảnh sát chống bạo động đã có mặt tại nhà ga Airport Express, nơi vận chuyển một lượng lớn hành khách qua sân bay quốc tế Hồng Công. Trước hành động của người biểu tình, Cơ quan quản lý sân bay thông báo, Airport Express sẽ áp dụng một số hạn chế trong dịch vụ như tàu sẽ không dừng tại các trạm Cửu Long, Tsing Yi hoặc AsiaWorld-Expo. Nhà điều hành xe buýt Citybus đưa khách đến sân bay cũng thông báo một số thay đổi trong lịch trình phục vụ của hãng. Ban quản lý cũng đã đóng cửa một bãi đỗ xe và cho biết, chỉ những ai có vé mới được vào sân bay, đồng thời cảnh báo người biểu tình có thể dùng vé máy bay giả để thâm nhập vào khu vực.

Những người biểu tình cho rằng “đây là cách thức hòa bình để đạt được những yêu cầu của chúng tôi” và rằng “văn hóa của chúng tôi không phát triển từ văn hóa Trung Quốc, cũng không phải từ văn hóa Anh, chúng tôi có văn hóa riêng, hệ thống riêng và sự tự do ngôn luận riêng. Đó là những thứ mà chúng tôi trân quý”.

Chính quyền đưa ra cảnh báo đỏ

Chính quyền Khu hành chính Đặc biệt Hồng Công và cảnh sát đã lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực và phá hoại của những người biểu tình quá khích tại quận Tuen Mun và một số khu vực khác của Hồng Công trong ngày 21/9. Theo Người phát ngôn của Cảnh sát Hồng Công, Chính quyền chỉ trích mạnh mẽ hành vi gây rối trật tự và bất chấp luật pháp của những người biểu tình cực đoan; nhấn mạnh cảnh sát sẽ triển khai các biện pháp cần thiết nhằm vào các hoạt động phi pháp để bảo vệ tính mạng của người dân và khôi phục trật tự công cộng. Đáng chú ý, Cảnh sát Hồng Công (22/9) cũng ra tuyên bố lên án hành vi của những người biểu tình quá khích đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân cũng như cảnh sát. Cảnh sát nhấn mạnh sẽ sử dụng biện pháp thích hợp để chặn đứng những hành động này, cũng như đưa các đối tượng vi phạm ra trước pháp luật.

Trước đó, Cảnh sát Hồng Công cảnh báo có thể dùng đạn dược để tự vệ hoặc bảo vệ những người khác khi một số đối tượng biểu tình trở nên quá khích và khó kiểm soát. Theo đó, “cảnh sát Hồng Công lo ngại mức độ bạo lực có thể đã lên tới mức họ có thể giết một ai đó hoặc tự sát. Chúng tôi rất kiềm chế nhưng khi đối mặt với bạo lực như vậy, áp lực đó trở nên cực kỳ nguy hiểm”. Tuy nhiên, một chỉ huy cấp cao cảnh sát Hồng Công cho biết lực lượng này đang cố gắng tìm mọi cách để đối phó làn sóng bạo lực hiện nay trong điều kiện cho phép và rằng họ không thể mềm mỏng với những người mà mục tiêu duy nhất của họ là làm suy yếu cảnh sát khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Một số cảnh sát tin rằng tình hình hiện nay có thể được giải tỏa nếu tòa án mạnh tay hơn trong việc thực thi pháp luật.

“Trò bẩn” mới của Trung Quốc

Cùng với hoạt động biểu tình của người dân, Chính quyền Trung Quốc được cho là đang sử dụng nhiều cách để ngăn chặn và tìm cách bịa đặt bôi nhọ người Hồng Công tham gia vào phong trào kháng nghị này. Hiện nay, thủ đoạn bịa đặt bôi nhọ của họ tiếp tục được nâng cấp, tuyên truyền không e dè về việc một thiếu nữ Hồng Công bị nhóm người gọi là “bạo đồ” xâm hại tình dục. Tuy nhiên, tuyên truyền của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) lại có nhiều chỗ sơ hở, và đã nhanh chóng được cư dân mạng bóc mẽ.

Theo đó, Weibo chính thức của CCTV (14/9) đã đăng lại một đoạn video xuất hiện trên Twitter, được cho là video của “cô gái trẻ Hồng Công kể lại việc bị bạo đồ xâm hại tình dục”. CCTV cho biết, nội dung đoạn video này đã phần nào chứng minh sự thực mà nghị viên chính phủ Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông Fanny Law Fan Chiu-fun tiết lộ rằng “bạo đồ dẫn dụ và xâm phạm tình dục các cô gái trẻ”. Đoạn video mà CCTV chia sẻ lại là từ một tài khoản Twitter “Cá biển sâu”. Tài khoản này được tạo vào tháng 8 năm nay, đến hiện tại mới chỉ đăng 7 Tweet. Tweet đầu tiên vào ngày 12/9 chính là video mà CCTV chia sẻ lại. Sau đó, “Cá biển sâu” còn chia sẻ các video tương tự của “Cảnh sát Hồng Công” (@hkpoliceforce), “Trang tin chính phủ Hồng Công” (@cnewgovhk) và “Thời báo Hoàn Cầu” (@GlobalTime_CN). Từ một số Tweet của “Cá biển sâu”, cư dân mạng đã phát hiện nhiều chỗ khả nghi. “Cô gái mười mấy tuổi lại không biết đến các kênh truyền thông chính của Hồng Công, mà lại biết đến tờ Thời báo Hoàn Cầu, … tạo tin tức giả phải chăng cần làm chuyên nghiệp hơn chút nữa?”

Bên cạnh đó, nội dung được nói trong video này cũng đáng để đắn đo. Cô gái trong video này cho biết, bản thân trong nửa tháng qua đã liên tục bị xâm hại tình dục, nhưng lại không dám nói. Cho đến hai hôm gần đây nhìn thấy có một cô gái 14 tuổi cũng bị trường hợp tương tự mình, thế là quyết định công khai những gì mà bản thân mình gặp phải. Tuy nhiên, cư dân mạng nghi ngờ, nếu là hai ngày gần đây mới quyết định nói ra, vậy vì sao tài khoản Twitter lại đăng ký từ tháng 8? Hơn nữa trong dòng Tweet thứ 2 của “Cá biển sâu” lại nói rất rõ ràng về mục đích tạo tài khoản Twitter chính là để công khai những gì cô đã trải qua. Còn có không ít cư dân mạng xác nhận, trong video có rất nhiều từ ngữ dùng không phải là người Hồng Công hay dùng, phương thức tư duy cũng là phương thức tư duy của người Trung Quốc Đại lục. Ví dụ như, trong video nhiều lần nhắc đến việc quen “học trưởng” mới (người khoá trên của mình trong trường học), nhưng người Hồng Công không dùng từ “học trưởng” này. Cuối cùng video còn nói, rất nhiều “học trưởng” dùng bạo lực đối với cô còn có HIV, thế là “mấy ngày nay phải đi kiểm tra” (trong video cô gái dùng từ tiếng anh “check”), nhưng cư dân mạng Hồng Công cho biết, cách nói thông thường của người Hồng Công là “checkup”. Bên cạnh đó, trong video có một lần phát âm từ “tập trung” (tiếng Quảng Đông) cũng không chính xác như người Hồng Công.

Cư dân mạng liên tiếp mỉa mai, “đóng giả người Hồng Công cũng cần phải có kỹ thuật, đóng kịch cũng phải làm cho chuyên nghiệp hơn nữa”. Còn có không ít cư dân mạng nghi ngờ, “phía người cáo buộc người biểu tình chắc chắn có sự trợ giúp từ chính phủ, vì sao không báo cảnh sát?” “Quay đoạn video kia, nếu không dẫn cô ta đi báo cảnh sát, vậy còn được coi là người hay không?” Do nhiều cư dân mạng để lại bình luận dưới video rằng vì sao không báo cảnh sát, “Cá biển sâu” hôm 13/9 đã đăng Tweet nói, “bản thân đã báo cảnh sát, hy vọng cảnh sát có thể xử lý những người đó.”

Điều đáng chú ý là, có nhiều sơ hở trong video như vậy, nhưng CCTV và các kênh truyền thông của Đại lục chưa qua bất cứ kiểm chứng xác thực thông tin, đã bắt đầu tuyên truyền không dè dặt và dùng phát ngôn của nghị viên chính phủ Hồng Công Fanny Law Fan Chiu-fun rằng “phục vụ tình dục miễn phí cho những người thuộc phe võ dũng (chỉ người biểu tình)” làm phụ hoạ thêm.

Được biết, các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Carrie Lam đã bước sang tuần thứ 16 ở Hồng Công. Bất chấp việc dự luật dẫn độ, vốn là nguồn cơn dẫn tới đợt biểu tình kéo dài gần 4 tháng qua bị hủy bỏ, người biểu tình tiếp tục xuống đường vì tức giận trước những gì họ xem là sự can thiệp dần dần của chính quyền trung ương vào mô hình “một quốc gia, hai chế độ ở Hồng Công” và cho biết họ sẽ chỉ ngừng biểu tình cho tới khi tất cả các yêu cầu được đáp ứng. Một trong số đó là mở một cuộc điều tra độc lập về các hành động lạm quyền của cảnh sát trong biểu tình. Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định cam kết với “một quốc gia, hai chế độ” và không can thiệp các vấn đề của thành phố. Trung Quốc cũng cáo buộc các chính phủ nước ngoài như Mỹ, Anh, kích động tình trạng bất ổn ở đặc khu.

RELATED ARTICLES

Tin mới