Monday, May 6, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKazakhstan quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, kêu gọi...

Kazakhstan quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế

Trong cuộc gặp với giới chức Việt Nam, quan chức Kazakhstan đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, chia sẻ lập trường giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và của Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Từ ngày 16 -18/9, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu, có chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Kazakhstan. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Võ Văn Thưởng đã có các cuộc gặp làm việc với lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền, Chính phủ và Quốc hội Kazakhstan.

Tại các cuộc hội đàm, tiếp xúc, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi đảng, mỗi nước; tình hình thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm; trao đổi các phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng “Nur Otan” cầm quyền của Kazakhstan nói riêng và quan hệ giữa hai nước nói chung trong thời gian tới. Hai bên khẳng định, Việt Nam và Kazakhstan có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hữu nghị, được vun đắp qua nhiều thế hệ. Quan hệ chính trị giữa hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp thông qua các chuyến thăm cấp cao; hai bên thường xuyên phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc và tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư có chuyển biến tích cực, nhất là từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu có hiệu lực từ tháng 10/2016, tuy nhiên kim ngạch thương mại song phương chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai nước, đòi hỏi hai bên cần nỗ lực hơn nữa, tập trung khai thác thế mạnh cũng như nhu cầu của nhau.

Về vấn đề Biển Đông, ông Võ Văn Thưởng đã thông báo cho phía Kazakhstan về tình hình và những diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Phía Kazakhstan bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, chia sẻ lập trường giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và của Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Cộng hoà Kazakhstan là một quốc gia trải rộng trên phần phía Bắc và Trung tâm của lục địa Á – Âu. Diện tích của Kazakhstan là 2.724.902 km², rộng lớn hơn cả Tây Âu. Kazakhstan là quốc gia có diện tích đứng thứ 9 thế giới. Nước này có một phần nhỏ lãnh thổ nằm ở bờ phía tây sông Ural, thuộc phần châu Âu. Kazakhstan giáp Nga về phía Bắc, Trung Quốc về phía Đông Nam, hai nước Trung Á là Uzbekistan và Kyrgyzstan về phía Nam. Kazakhstan tuyên bố độc lập ngày 16/12/1991. Từ khi độc lập, Kazakhstan đã theo đuổi một chính sách đối ngoại cân bằng và nỗ lực phát triển nền kinh tế, đặc biệt là công nghiệp hydrocarbon. Tuy triển vọng kinh tế đang được cải thiện, Tổng thống Nazarbayev vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ với nền chính trị trong nước. Nước này là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, gồm cả Liên hiệp quốc, Đối tác vì hoà bình của NATO, Cộng đồng các quốc gia độc lập, và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Năm 2010, Kazakhstan làm chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.

Trong những năm qua, Việt Nam và Kazakhstan đã, đang thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhất là dầu khí, đường sắt. Ngoài ra, trong các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, hai bên đều trao đổi, thảo luận về diễn biến tình hình Biển Đông.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Kazakhstan, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (11/9/2012) đã đến thăm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Kazakhstan (KazMunaiGaz). KazMunaigaz với 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước là doanh nghiệp năng lượng dầu khí hàng đầu của Kazakhstan, có sản lượng khai thác dầu khí hàng năm đạt gần 100 triệu tấn dầu quy đổi. Tại trụ sở KazMunaiGaz, ông Kiinov Liazzat Katebayevich, Chủ tịch KazMunaiGaz đã báo cáo Chủ tịch nước và đoàn về tình hình hoạt động, kinh doanh của Tập đoàn trong thời gian qua, cũng như những triển vọng hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong thời gian tới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Việt Nam và Kazakhstan là các đối tác chiến lược, với ngành công nghiệp dầu khí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cả hai nước. Việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dầu khí thông qua hai tập đoàn dầu khí quốc gia Petrovietnam và KazMunaiGaz có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần thắt chặt và thúc đẩy quan hệ đối tác giữa hai nước, chiếm vị chí trọng tâm trong hợp tác kinh tế thương mại nói chung giữa Việt Nam và Kazakhstan, đồng thời giành được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo cấp cao hai nhà nước.

Trong khuôn khổ dự Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEUV-FTA) tổ chức tại Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (29/5/2015) đã có các cuộc hội kiến Thủ tướng Kazakhstan Karim Masimov. Trong cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn quan tâm phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và coi Kazakhstan là đối tác quan trọng tại khu vực Trung Á. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước việc thời gian qua quan hệ chính trị giữa hai nước phát triển hết sức tốt đẹp, hai bên thường xuyên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên trường quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò và sáng kiến của Kazakhstan tại các diễn đàn quốc tế, như tại Hội nghị về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á (CICA); đề nghị Kazakhstan tích cực ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Đáp lại, Thủ tướng Masimov cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã nhận lời mời tham dự Lễ ký chính thức EEUV-FTA, coi đây là một bước chuyển quan trọng trong hợp tác đa phương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, cũng như trên bình diện quan hệ song phương; tin tưởng rằng hai bên sẽ triển khai tốt những nội dung đã được thông qua trong Hiệp định. Thủ tướng Masimov khẳng định lãnh đạo và Chính phủ Kazakhstan luôn ủng hộ việc mở rộng và tăng cường hợp tác với Việt Nam, sẽ nỗ lực để hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu và hiệu quả. Hai Thủ tướng đều nhất trí cho rằng quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Kazakhstan thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhất trí cho rằng, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam-Kazakhstan về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật để tạo thuận lợi mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng của hai bên, trong đó có hợp tác khai thác và chế biến dầu khí giữa PetroVietnam và KazMunaiGaz tại Kazakhstan cũng như tại nước thứ ba, tăng cường trao đổi thương mại, tạo điều kiện cho các mặt hàng nông thủy hải sản là thế mạnh của Việt Nam được nhập khẩu vào Kazakhstan.

Trong chuyến thăm Kazakhstan của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân (20-25/4/2017), hai bên đã trao đổi các biện pháp cùng phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới; nhất trí cho rằng quan hệ hai nước đang có những bước phát triển tích cực trong một số lĩnh vực như thương mại, giao thông – vận tải, văn hóa – thể thao… Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cũng bày tỏ mong muốn Kazakhstan tích cực ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải-hàng không tại Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

RELATED ARTICLES

Tin mới