Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBất chấp khó khăn, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò...

Bất chấp khó khăn, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020

Trong giai đoạn chuẩn bị nhận chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đa, đang và sẽ hoàn thành tốt chức trách được giao.

Việt Nam cam kết hoàn thành tốt Chủ tịch ASEAN năm 2020

Phát biểu tại Hội nghị Tham vấn chung (JCM) chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Cấp cao liên quan; Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN, SOM ASEAN+3, SOM Cấp cao Đông Á (EAS); Cuộc họp lần thứ 8 Nhóm công tác Hội đồng điều phối ASEAN về việc Ti-mo Lét-xte xin gia nhập ASEAN, với vai trò nước Chủ tịch tiếp theo của ASEAN trong năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng (19/9) đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Thái Lan trong thúc đẩy triển khai các ưu tiên của ASEAN năm 2019, khẳng định sẽ tiếp nối, triển khai hiệu quả, thực chất các ưu tiên của ASEAN nói chung và năm 2019 nói riêng, hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN “hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm”. Nhấn mạnh tầm quan trọng của một ASEAN gắn kết, chủ động ứng phó linh hoạt và hiệu quả trước các tác động khó lường từ môi trường khu vực và quốc tế hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã nêu các đề xuất, định hướng ưu tiên của Việt Nam trong năm 2020 nhằm đẩy mạnh liên kết kinh tế, nâng cao thương mại và đầu tư nội khối, tăng cường nhận thức về Cộng đồng, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Thứ trưởng cũng ủng hộ các nỗ lực cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, chú trọng các biện pháp giúp ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội và thích ứng tốt hơn với thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như các thách thức đối với hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Các đề xuất nhận được sự ủng hộ cao cũng như những ý kiến tham gia đóng góp tích cực của các nước ASEAN và các Đối tác.

Việt Nam được đánh giá cao về công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020

Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ sớm, với lộ trình và các bước đi cụ thể. Tổng thư ký khẳng định cá nhân ông và Ban thư ký ASEAN sẽ tích cực phối hợp và nỗ lực tối đa để hỗ trợ các cơ quan liên quan của Việt Nam trong quá trình Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Tổng thư ký ASEAN mong muốn Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, sẽ tích cực thúc đẩy triển khai hiệu quả các kế hoạch tổng thể trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, trong đó có triển khai đánh giá giữa kỳ việc thực hiện, thúc đẩy công tác phối hợp trên các vấn đề liên lĩnh vực, liên trụ cột trong ASEAN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN… Tổng thư ký ASEAN cho biết sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các đầu mối liên quan của Ban thư ký ASEAN với các cơ quan chuyên ngành của Việt Nam để chuẩn bị tốt nhất cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020.

Theo ông Lim Jock Hoi, Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 15 năm trở lại đây, đặc biệt là trong tăng trưởng kinh tế, trở thành một trong những quốc gia mạnh về kinh tế của khu vực. Việt Nam trong năm tới sẽ tiếp tục chương trình nghị sự của Thái Lan về phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, tiếp tục duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác của khu vực, chú trọng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung phát triển nguồn nhân lực và giáo dục. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận chức vụ Chủ tịch ASEAN. Năm 2010, Việt Nam đã hoàn thành tốt vị trí này, ghi dấu bước trưởng thành vượt bậc của Việt Nam trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Với những kinh nghiệm đã có và sự phát triển trong những năm gần đây cùng những kế hoạc được chuẩn bị kĩ càng, Tổng Thư ký ASEAN tin tưởng Việt Nam sẽ làm tốt cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Việt Nam có vai trò quan trọng và được kỳ vọng cao trong ASEAN

Nói về vai trò của Việt Nam trong khối ASEAN, Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng, kể từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã đóng vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm và tới nay đã là một thành viên chủ chốt. Thời gian gần đây, cộng đồng quốc tế đã chứng kiến sự chuyển đổi đáng kể trong sự phát triển của ASEAN. Việc xây dựng cộng đồng ASEAN, xây dựng vị thế của ASEAN trong khu vực và toàn cầu cũng luôn có sự đóng góp đáng kể và quan trọng của Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN sẽ còn nhiều thách thức về kinh tế, xã hộ, đặc biệt là các vấn đề về an ninh, địa chính trị… nhưng ông Natalegawa tin tưởng ASEAN có thể cùng nhau giải quyết được những thách thức này và Việt Nam sẽ làm tốt vai trò lãnh đạo để ASEAN vượt qua những thách thức. Theo ông, đối với Việt Nam, vấn đề không đơn thuần chỉ là đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, mà còn là vai trò lãnh đạo, bởi sự tin tưởng và kỳ vọng đối với Việt Nam cũng cao hơn so với một số nước thành viên khác trong khối. Việt Nam đã khuyến khích các nước thành viên trong khối thực hiện các thỏa thuận chung, điều đó đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh của ASEAN. Ông Natalegawa cho biết: “Việt Nam đã làm rất tốt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010. Tôi hoàn toàn tin tưởng các bạn cũng sẽ làm tốt vai trò của mình trong nhiệm kỳ Chủ tịch 2020, đặc biệt là nâng cao hơn nữa sự hợp tác giữa các thành viên trong khu vực. Việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia như thế này là sáng kiến kịp thời của chính phủ Việt Nam nhằm chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Năm 2020 cũng sẽ là năm quan trọng của Việt Nam khi các bạn cũng đảm nhận vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”. Đối với Việt Nam, nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN không chỉ ở khía cạnh chuyên môn, mà còn cả ở khâu tổ chức. Với những gì các bạn đang chuẩn bị, chúng tôi hy vọng, ASEAN và các nước thành viên sẽ được hưởng lợi từ nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam.

Một số khó khăn, thách thức

Phát biểu tại Tọa đàm “Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Thái Lan và vai trò của ASEAN trong sự phát triển của quốc gia và khu vực”, Chuyên gia Kavi Chongkittavorn (Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế, Đại học Chulalongkorn) cho biết, trong năm 2020, Việt Nam sẽ gặp những khó khăn mà Thái Lan phải đối diện trong 2019, khi làm Chủ tịch ASEAN. Đó là thách thức từ cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, xu hướng chống tự do thương mại và toàn cầu hoá cùng các điểm nóng ở Biển Đông, Triều Tiên; nhận định một trong những nhiệm vụ chính của Việt Nam trong 2020 là tiếp tục duy trì, thúc đẩy thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo ông Chongkittavorn, trong năm làm Chủ tịch ASEAN, Thái Lan đã đóng góp vai trò lớn để Hiệp hội ra được Tuyên bố chung về Biển Đông hồi đầu tháng 8, sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52. Các Bộ trưởng đã bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Khi Việt Nam nêu quan điểm cứng rắn về việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và tàu hộ tống đi vào vùng Nam Biển Đông của Việt Nam, Thái Lan đã thúc đẩy đối thoại để ASEAN ra Tuyên bố chung. Việc ra được Tuyên bố Biển Đông cho thấy các nước ASEAN đã có đồng thuận, phản ánh hiện thực đang diễn ra.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, trong bối cảnh phức tạp trên thế giới, điểm thuận lợi ở khu vực châu Á là các nước vẫn ủng hộ tự do thương mại, chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác kinh tế. Dù cạnh tranh với nhau, các nước lớn vẫn coi trọng vai trò của ASEAN. Khi thế giới đang biến chuyển rất nhanh, ASEAN không thể “lờ” đi những vấn đề quan trọng của khu vực, cần kiên trì các nguyên tắc của mình để duy trì vai trò trung tâm, tăng cường liên kết kinh tế nội khối để tăng sức mạnh từ bên trong. Ông Vinh cho rằng vấn đề mấu chốt là các nước không được làm phức tạp thêm tình hình, bảo đảm an ninh dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Với những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, ASEAN cần thể hiện vai trò của mình khi vấn đề liên quan đến hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải. Ông đề xuất ASEAN cần nỗ lực hơn trong đối thoại để khiến Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trước đó, nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng, mục tiêu của ASEAN trong việc thực hiện tầm nhìn 2025 là xây dựng một Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội; kết nối với Thế giới và thúc đẩy hội nhập toàn cầu. ASEAN hiện đã trở thành lực lượng trung tâm, thu hút tất cả các lực lượng chính trị quân sự kinh tế trong các cơ chế khu vực của ASEAN. Tuy nhiên ASEAN vẫn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự can thiệp của các nước lớn vào khu vực, những vấn đề riêng của từng nước thành viên khiến ASEAN đôi khi chưa đạt được sự đồng thuận trong một số vấn đề và những mối quan tâm chung bị hạn chế. Trong bối cảnh hiện nay, để giữ vững vai trò trung tâm và là một cơ chế phù hợp không chỉ cho khu vực mà còn trên toàn cầu, ASEAN cần phát triển sâu hơn nữa mối quan hệ hợp tác về an ninh, chính trị bằng cách xây dựng hệ thống các nguyên tắc chỉ dẫn cho những phản ứng chung của ASEAN cho những diễn biến trên Thế giới. Ngoài ra, cần tiếp tục cập nhật Hiến chương ASEAN để cơ chế ra quyết định của ASEAN trở nên linh hoạt hơn, thích hợp hơn và đạt được sự đồng thuận cao trong khối. Nguyên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng cho rằng, ASEAN cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác trong nội khối để có sức mạnh để chống lại những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Ông Shahriman Lockman, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) Malaysia, nhận định thẳng thắn rằng, dù ASEAN đã đạt được nhiều sự đồng thuận cao nhưng hành động vẫn chưa quyết liệt. Trong các vấn đề quốc tế hiện nay, ASEAN không có nhiều đột phá so với 25 năm trước. ASEAN có nhiều cấu trúc trong khu vực nhưng chưa giải quyết được các vấn đề của khối. Ngoài ra, ASEAN chưa đứng ra làm vai trò trung gian cho các vấn đề quốc tế hay khu vực. Theo ông Lockman, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020. Những thách thức chung của khối cũng là những thách thức mà Việt Nam gặp phải trên cương vị chủ tịch luân phiên. Để giải quyết những vấn đề đó, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể để tăng cường khả năng phản ứng nhanh đối với các diễn biến bên ngoài. Dù có nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò của mình không chỉ trong khối ASEAN, trong khu vực, mà cả trong nhiều vấn đề quốc tế khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới