Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTương quan sức mạnh hải quân Trung - Nhật: Tokyo vượt trội...

Tương quan sức mạnh hải quân Trung – Nhật: Tokyo vượt trội hơn Bắc Kinh

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng cường năng lực quốc phòng, nhất là việc đầu tư cho lực lượng hải quân. Tuy Trung Quốc vượt trội về số lượng tàu chiến, nhưng them kém Nhật Bản về công nghệ và năng lực tác chiến.

Hải quân Trung Quốc có số lượng tàu chiến vượt trội

Hải quân Trung Quốc hiện tại được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân lớn hàng đầu thế giới và là lực lượng có tốc độ phát triển nhanh nhất. Lực lượng này có khoảng 500 tàu chiến các loại, hơn 350.000 nhân lực và khoảng 710 máy bay. Hải quân Trung Quốc được chia làm ba hạm đội bao gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải.

Hạm đội Bắc Hải được thành lập từ năm 1950, có căn cứ chỉ huy đặt tại Thanh Đảo. Hạm đội này có vùng hoạt động từ Thanh Đảo cho tới toàn bộ vùng biển trong khu vực biển Hoàng Hải khu vực tiếp giáp giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên nhưng chỉ kéo dài xuống tới Thanh Đảo, từ phía Nam Thanh Đảo trở xuống thuộc trọng trách của Hạm đội Đông Hải. Trong biên chế của Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc hiện có năm tàu ngầm hạt nhân lớp Han “Type 091” và một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Xia “Type 092” – đây cũng là tàu ngầm lớp Xia duy nhất Trung Quốc hiện có. Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc chưa từng tham chiến ở bất cứ đâu. Hạm đội Đông Hải được thành lập từ năm 1949 và có căn cứ chính ban đầu đặt tại Thượng Hải. Tới năm 1955, căn cứ chính này được chuyển tới Ninh Ba, Chiết Giang. Hạm đội này có phạm vi hoạt động từ phía Nam Thanh Đảo cho tới hết đảo Đài Loan. Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc đã từng có kinh nghiệm thực chiến khi hạm đội này chạm chán với hải quân Đài Loan trong quá khứ. Lực lượng chính của hạm đội này bao gồm bốn tàu khu trục tên lửa Sovremenny, bốn tàu ngầm điện – diesel lớp Kilo. Ngoài ra hạm đội này còn có một lượng lớn tàu đổ bộ tấn công các loại, nhiêu hơn mọi hạm đội còn lại của Trung Quốc. Hạm đội Nam Hải được thành lập từ năm 1949, có phạm vi hoạt động từ phía cuối đảo Đài Loan cho tới vùng biển tiếp giáp Vịnh Bắc Bộ. Sở chỉ huy của hạm đội này đặt tại căn cứ hải quân Ngọc Lâm ở trên đảo Hải Nam. Tuy nhiên các tàu mặt nước của hạm đội Nam Hải lại được đóng tại Trạm Giang. Hải Nam chỉ là nơi đóng quân của các tàu ngầm thuộc hạm đội Nam Hải. Đây được coi là lực lượng có các đơn vị không quân hải quân mạnh nhất của Trung Quốc với tổng cộng 6 căn cứ không quân hải quân ở Lăng Thuỷ, Hải Khẩu, Tam Á, Trạm Giang và Quế Bình.

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất khu vực với hơn 300 tàu chiến, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu tuần tra và những loại chuyên dụng khác. Hải quân Trung Quốc được đánh giá “ngày càng hiện đại và linh hoạt”, có thể hoạt động ở những khu vực ngày càng xa, trong đó đáng chú ý là sức mạnh tăng dần của đội tàu ngầm, ưu tiên trong chiến lược phát triển và hiện đại hóa của Bắc Kinh. Hiện tại, Trung Quốc được cho là đang vận hành 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN), 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) và 50 tàu ngầm thông thường. Theo dự đoán của Lầu Năm Góc, Trung Quốc sẽ sở hữu 65 – 70 tàu ngầm vào năm 2020. Ngoài ra, dù chỉ có một tàu sân bay đang vận hành là tàu Liêu Ninh nhưng dự kiến sẽ biên chế tàu sân bay tự đóng đầu tiên trong năm nay và chiếc thứ hai vào năm 2022.

Cùng quan điểm trên, trang The Diplomat của Nhật Bản dự đoán về sự phát triển và năng lực tác chiến cho tới năm 2030. Theo tờ báo này, những dự đoán về sự phát triển của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) thường tập trung vào số lượng tàu hoặc tàu ngầm mang tính định lượng, thay vì sử dụng các tham số có ý nghĩa hơn như trọng tải. Theo đó, một tàu tên lửa tấn công nhanh Type 22 và một tàu khu trục Type 052D đều được tính là “một” tàu, nhưng sự khác biệt giữa tàu 220 tấn và một tàu chiến nổi 7.000 tấn là rất đáng kể. Sự xuất hiện của tàu khu trục Type 055 và việc liên tục cho xuất xưởng tàu khu trục Type 055 và 052D đã làm thay đổi đáng kể các dự đoán về thành phần tàu chiến nổi của PLAN trong tương lai từ vài năm trước. Trong 8 năm từ năm 2010 đến năm 2018, Trung Quốc đã cho xuất xưởng 24 tàu khu trục, bao gồm 4 chiếc Type 052C, 16 chiếc Type 052D (3 biến thể được tăng thêm chiều dài gần đây nhất) và 4 tàu khu trục lớn Type 055. Trong 20 năm trước đó, từ năm 1990 đến năm 2010, chỉ có 10 tàu khu trục được xuất xưởng từ các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc (không tính 4 tàu khu trục lớp Sovremenny được mua từ Nga).

Trong thời gian tới, Trung Quốc có thể sẽ đóng mới thêm 12 chiếc Type 055 tiêu chuẩn trước khi chuyển sang Type 055A tối tân hơn. Sản lượng tàu Type 052D có thể sẽ tiếp tục đạt hơn 25 chiếc trước khi biến thể Type 052E được cải tiến xuất hiện. Cả 055A lẫn 052E nổi tiếng được cho là kết hợp các công nghệ động cơ mới. Với tốc độ đóng mới như hiện nay, các nhà máy đóng tàu ở Giang Nam và Đại Liên của Trung Quốc có thể xuất xưởng 3 tàu khu trục 052D/E và 2 tàu khu trục 055/A mỗi năm. Với tốc độ này, đến đầu năm 2030, hải quân Trung Quốc sẽ có thêm khoảng 33 tàu khu trục 052D/E và 22 tàu khu trục 055/A. Khi đó, tổng số lượng tàu khu trục 7.000 tấn được hạ thủy là khoảng 55 chiếc, trong khi số lượng tàu khu trục 12.000 tấn sẽ là 26 chiếc.

Tờ báo của Nhật Bản cho rằng nhiều khả năng đến năm 2030, hải quân Trung Quốc sẽ có khoảng 40 tàu khu trục 7.000 tấn (052C/D/E) và có tới 20 tàu khu trục 12.000 tấn (055/A) được đưa vào phiên chế. Đối với phân lớp tàu 4.000 tấn, Trung Quốc dự kiến sẽ đưa 30 khinh hạm Type 054A vào phiên chế trong năm nay. Type 054B được đồn đại từ lâu vẫn chưa xuất hiện. Trung Quốc cũng có thể loại bỏ 054B để tập trung đóng tàu loại 7.000 tấn và 12.000 tấn. Tuy nhiên, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng khả năng này khó xảy ra và việc sản xuất 054B sẽ diễn ra vào đầu những năm 2020, tại chính các nhà máy đóng tàu Hoàng Phố (ở Quảng Châu) và Hồ Đông (ở Thượng Hải) nơi đóng các tàu khu trục lớp 054A. Nếu tốc độ hạ thủy đạt 3 tàu mỗi năm tương tự như các tàu lớp 054A thì đến năm 2030, hải quân Trung Quốc có thể hạ thủy tới 24 tàu lớp 054B và có tới 20 tàu được đưa vào làm nhiệm vụ. Các tàu hộ tống Type 056/A hiện có tất cả 60 tàu nên việc sản xuất được cho là đang giảm xuống. Đối với tàu ngầm, tờ báo Nhật Bản cho biết Trung Quốc sẽ cho ra đời các mẫu mới gồm: tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) 09V, tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) 09VI và tàu ngầm điện-diesel (SSK) 039C. PLAN có thể đang có 6-9 tàu SSN 09III thuộc nhiều biến thể khác nhau, cũng như 2-3 tàu SSN 091 cũ hơn. PLAN cũng có tối đa 5 tàu SSBN 09IV. Tình trạng của SSBN 092 chưa được xác định. Hơn 12 chiếc SSK lớp 039A/B mới nhất đang trong phiên chế, cũng như 13 chiếc SSK lớp 039, 12 chiếc SSK lớp Kilo và khoảng 16 chiếc SSK lớp 035 rất lỗi thời và có khả năng đang trong quá trình bị loại biên.

Hải quân Nhật Bản vượt trội so với Trung Quốc?

Bất chấp sự phát triển ngày càng lớn mạnh của hải quân Trung Quốc, National Interest khẳng định Nhật Bản mới là nước có lực lượng hải quân mạnh nhất châu Á. Theo National Interest, lực lượng hải quân đáng gờm nhất châu Á có tổng cộng 114 chiến hạm và 45.800 nhân viên tình nguyện. Lực lượng này sở hữu một hạm đội lớn gồm các tàu khu trục nhanh, mạnh, các tàu ngầm tấn công diesel-điện cực kỳ hiện đại, cùng với các tàu đổ bộ có thể chuyên chở xe tăng và lục quân. Hải quân Nhật Bản có khả năng săn lùng tàu ngầm, chống lại các hạm đội tàu xâm lược và bắn hạ tên lửa đạn đạo của kẻ địch. Tuy sở hữu sức mạnh đáng gờm như vậy, nhưng đây không phải là một lực lượng hải quân thực sự, mà chỉ là một đội phòng vệ trên biển.

Về mặt kỹ thuật, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (MSDF) là một “lực lượng tự vệ” được thành lập để vượt qua những giới hạn mà hiến pháp nước này quy định đối với lực lượng vũ trang. Nhưng nếu xét về sức mạnh tàu chiến, MSDF chính là lực lượng hải quân mạnh nhất ở châu Á. Thành phần chính của MSDF là một hạm đội gồm 46 tàu khu trục và tàu hộ tống, nhiều hơn cả tổng số loại tàu tương tự trong biên chế của Anh và Pháp cộng lại. Được tổ chức thành các đội tàu hộ tống, lực lượng này được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ Nhật Bản khỏi các cuộc chiến tranh xâm lược, giúp giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của nước này và giữ cho các tuyến đường biển luôn thông suốt.

Loại tàu chiến mặt nước mạnh nhất của Nhật Bản là các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Kongo, có tên gọi Kongo, Kirishima, Myoko và Chokai. Cả 4 khu trục hạm này đều được đặt theo tên các chiến hạm và tàu tuần dương trước đây, một thực tế thường được tránh nói đến nhưng đang trở nên phổ biến hơn khi những hồi ức về Thế chiến II phai nhạt dần.

Các tàu khu trục lớp Kongo được phát triển dựa theo nguyên mẫu khu trục hạm phiên bản Flight I thuộc lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ về hình dạng tổng thể và vũ khí. Giống như lớp Burke, trái tim của tàu chiến lớp Kongo là hệ thống chiến đấu Aegis, có khả năng theo dõi và đánh chặn các mối đe dọa trên không. Nó cũng cung cấp một hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo cho Nhật Bản, chỉ cần 2 chiến hạm lớp Kongo là có thể bảo vệ phần lớn lãnh thổ nước này.

Vũ khí trang bị cho các khu trục hạm chủ yếu dùng vào mục đích phòng thủ, với 90 ống phóng tên lửa thẳng đứng Mark 41, lắp đặt ở phía trước và sau boong tàu. Chiến hạm lớp Kongo mang tên lửa phòng không SM-2MR và tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 Block IB, loại tên lửa này sẽ sớm được thay thế bằng phiên bản IIA mới hơn. Các tàu khu trục còn trang bị 1 khẩu pháo chính cỡ nòng 127mm, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 6 ống phóng ngư lôi chống ngầm và 2 hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần Phalanx 20 mm.

Một tàu chiến đáng gờm khác của Nhật Bản là tàu sân bay trực thăng Izumo. Với lượng giãn nước toàn tải 27.000 tấn và chiều dài hơn 244m, Izumo có đường băng nối thẳng từ đầu đến đuôi tàu, một tháp chỉ huy các hoạt động bay, các thang máy nâng máy bay và một khoang chứa máy bay bằng chiều dài của tàu. Mặc dù trông có vẻ giống một tàu sân bay thông thường, nhưng Nhật Bản khẳng định Izumo thực ra lại là một “tàu khu trục trực thăng”. Izumo không thể mang các chiến đấu cơ cánh cố định nhưng có thể chở đến 14 máy bay trực thăng. Nhiệm vụ của các trực thăng có thể khác nhau, từ tác chiến chống tàu ngầm, dò tìm thủy lôi cho đến tiến hành các cuộc tấn công đổ bộ bằng trực thăng. Điều này khiến Izumotrở thành một nền tảng linh hoạt, có khả năng thực thi hàng loạt nhiệm vụ khác nhau. Hiện Nhật đang chế tạo chiếc tàu thứ hai thuộc lớp này mang tên Kaga.

Lực lượng tàu ngầm cũng là một thành phần quan trọng của MSDF. Nhật Bản đang xây dựng một lực lượng gồm 22 chiếc tàu ngầm để đối phó với sự lớn mạnh của Hải quân Trung Quốc. Hạm đội sẽ bao gồm các tàu ngầm thuộc 2 lớp là lớp Oyashio cũ, và lớp Soryu mới hơn, nguy hiểm hơn. Với lượng giãn nước 4.100 tấn khi lặn, Soryu là lớp tàu ngầm lớn nhất của Nhật sau lớp I-400 hồi Thế chiến II. Các tàu ngầm được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập Stirling, giúp tàu ngầm âm thầm hoạt động dưới nước tới 2 tuần mà không cần nổi lên, và có thể di chuyển với tốc độ lên đến 24 km/h trên mặt nước và 37 km/h khi lặn. Tàu ngầm lớp Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, với 20 ngư lôi hạng nặng Type 89 do Nhật tự chế và các tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất. Soryu cũng có thể rải thủy lôi để phong tỏa các eo biển, ngăn không cho quân địch xâm nhập.

Hải quân Nhật còn sở hữu 3 tàu đổ bộ xe tăng lớp Osumi. Các tàu này giống tàu sân bay cỡ nhỏ có boong tàu dài 130 mét dọc theo thân tàu, nhưng lại không được trang bị thang nâng và khoang chứa máy bay. Tàu được thiết kế để nhanh chóng di chuyển các xe tăng thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất giữa các đảo chính của Nhật, giúp tăng cường lực lượng đối phó với các hành động xâm lược. Tàu lớp Osumi có thể chuyên chở tới 1.400 tấn hàng hóa, 14 xe tăng Type 10 hoặc Type 90, cùng với 1000 binh sĩ. Được trang bị tốt sàn và tàu đổ bộ đệm khí LCAC do Mỹ thiết kế, tàu lớp Osumi có thể nhanh chóng vận chuyển các loại khí tài hạng nặng vào bờ. Khả năng này đặc biệt hữu ích bởi chiến lược quốc phòng linh hoạt mới của Nhật đòi hỏi lực lượng đổ bộ có khả năng giành lại những hòn đảo bị kẻ thù chiếm đóng.

RELATED ARTICLES

Tin mới