Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngCơ sở pháp lý vững chắc và thuyết phục trong đấu tranh...

Cơ sở pháp lý vững chắc và thuyết phục trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông

Vấn đề Biển Đông đang ngày càng phức tạp, chủ quyền biển, đảo Việt Nam đang bị thách thức nghiêm trọng. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng trên biển của Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Trong cuộc đấu tranh này, Việt Nam có cơ sở pháp lý vững chắc và thuyết phục.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Hành động của Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Khi có tranh chấp, đương nhiên các bên tranh chấp phải dựa vào luật để giải quyết. Tranh chấp trên biển là vấn đề hết sức phức tạp, nhưng rất may là thế giới đã có một công cụ quan trọng giúp phân xử các tranh chấp là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, vốn được coi như “Hiến pháp về biển và đại dương”.

Được thông qua ngày 30-4-1982, UNCLOS đánh dấu kết quả 9 năm đàm phán của Hội nghị Luật biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc (LHQ). Với 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, Công ước đặt ra cơ sở để xác định các vùng biển và căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển.

Trên cơ sở UNCLOS, các quốc gia ven biển xác định 5 vùng biển của mình gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, thềm lục địa có chiều rộng không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không quá 100 hải lý. Các vùng biển ngoài phạm vi tài phán của các quốc gia ven biển gọi là biển quốc tế hay biển cả, đáy biển và tài nguyên khoáng sản ở vùng biển quốc tế là di sản chung của nhân loại.

Đều là thành viên của UNCLOS, Việt Nam và Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Công ước, phải dựa vào Công ước để xác định các vùng biển của mình cũng như giải quyết các tranh chấp phát sinh. Từ góc độ UNCLOS, các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS.

Trước hết là với “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự đưa ra, “ôm trọn” 80% diện tích Biển Đông. Theo UNCLOS, đường này không nằm trong bất cứ khoản nào từ vùng nước nội thủy, vùng nước quần đảo, lãnh hải (kể cả lãnh hải mở rộng), thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, cũng như không theo bất cứ tiêu chí nào của pháp lý LHQ. Đòi hỏi này của Trung Quốc là hoàn toàn vô lý.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, luật sư người Bỉ Bernard Insel, chuyên gia luật hàng hải quốc tế, khẳng định: “Những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông là không có giá trị pháp lý và những hành động đơn phương của nước này tại Biển Đông là không chính đáng”. Theo ông Insel, Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông hồi năm 2016 đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường lưỡi bò” và những yêu sách phi lý của Trung Quốc không có khả năng làm thay đổi bản chất khu vực hàng hải này căn cứ theo UNCLOS.

Liên quan đến bãi Tư Chính mà Trung Quốc gọi là “bãi Vạn An”, nơi nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 nhiều lần xâm phạm. Khu vực này nằm cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế dưới 200 hải lý, trong khi đó nằm cách xa lục địa Trung Quốc tới trên 600 hải lý.

Vì vậy, theo UNCLOS, khu vực này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Việc Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK tại khu vực này cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo UNCLOS.

Khu vực này cũng không thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trường Sa như lập luận của Trung Quốc, bởi phán quyết của Tòa trọng tài cũng đã khẳng định rằng, tất các cấu trúc nổi tại Trường Sa đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Thêm vào đó, Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền với Trường Sa, chứ không phải của Trung Quốc.

Bình luận về hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc, báo Sakai, một tờ báo lớn và có uy tín hàng đầu tại khu vực Kansai ở miền Trung Nhật Bản, khẳng định dù xem xét dưới góc độ nào của luật pháp quốc tế, bãi Tư Chính cũng hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, việc hoạt động tại khu vực này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo trên cơ sở luật pháp quốc tế

Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế là xu hướng tất yếu. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Đó là quan điểm nhất quán của Việt Nam, thể hiện từ việc tích cực tham gia xây dựng luật quốc tế liên quan đến biển cũng như nghiêm chỉnh thực thi trên thực tế. Việt Nam là một trong 107 quốc gia ký Công ước UNCLOS ngay sau khi văn kiện này được mở ký và là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm, trước khi Công ước có hiệu lực. Điều này thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng của Việt Nam vào một trật tự pháp lý mới về biển và đại dương.

Ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS. Trên cơ sở Công ước, Việt Nam đã xác định lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi theo UNCLOS là khoảng gần 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền.

Trong giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả UNCLOS, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý. Mặt khác, Việt Nam tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Theo đó, khi bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, UNCLOS”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam cũng đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN.

Trước những động thái của Trung Quốc trên thực địa trong thời gian gần đây, nhất là ở khu vực bãi Tư Chính, Việt Nam đã có những phản ứng phù hợp với luật pháp quốc tế.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như được xác lập tại UNCLOS bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Việt Nam cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để thúc đẩy giải quyết các tranh chấp còn tồn tại, đấu tranh yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình.

Theo hướng đó, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật quốc tế.

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông còn gay go, phức tạp. Nhưng chúng ta luôn tự tin bởi bên cạnh ý chí quyết tâm và sức mạnh dân tộc là chính nghĩa cùng cơ sở pháp lý vững chắc.

RELATED ARTICLES

Tin mới