Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo: TQ cần kiềm chế hành vi...

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo: TQ cần kiềm chế hành vi phi pháp ở Biển Đông và Hoa Đông

Phát biểu trong cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Thủ tướng Abe Shinzo (23/10) đã yêu cầu Trung Quốc kiềm chế các hành vi phi pháp gần đây tại Biển Đông và Hoa Đông.

Theo thông tin trên, trong cuộc hội đàm với hàng loạt lãnh đạo các quốc gia, khu vực và tổ chức quốc tế nhân dịp tham dự lễ đăng quang Nhật Hoàng Naruhito, Thủ tướng Abe Shinzo đã có các cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cùng với các Thủ tướng Đức, Singapore, Thái Lan…

Trong buổi hội đàm với Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn, hai bên đã thống nhất các biện pháp nhằm phát triển hơn nữa quan hệ hai nước để thực hiện thành công chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến vào mùa Xuân năm 2020; hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Đáng chú ý, liên quan vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Abe mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc kiềm chế những hành vi gần đây tại khu vực Biển Đông gây ảnh hưởng tới an ninh biển của khu vực; đồng thời thể hiện sự quan ngại trước việc tàu Trung Quốc liên tục nhiều ngày đã xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài ra, Thủ tướng Abe cũng đề nghị Trung Quốc có những đối ứng hài hòa trong quy chế nhập khẩu đối với các mặt hàng của Nhật Bản; giải quyết hòa bình, thỏa đáng vấn đề Hồng Công.

Thủ tướng Abe Shinzo đưa ra yêu cầu Trung Quốc kiềm chế các hành vi phi pháp trên Biển Đông, cũng như Hoa Đông diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (22/10) ngang ngược tuyên bố “các quần đảo ở Nam Hải (Biển Đông của Việt Nam), đảo Điếu Ngư/Senkaku và các đảo chi nhánh của nó đều là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, là vùng đất của tổ tiên chúng tôi để lại, chúng tôi không thể để mất một tấc….Quân đội chúng tôi hoàn toàn tự tin và có năng lực bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, cung cấp hỗ trợ chiến lược để thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”. Theo ông Ngụy Phượng Hòa, “chính sách cây gậy lớn” và “nới dài tay quản lý” không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào và gây áp lực trừng phạt cũng rất khó đạt được mục đích; Trung Quốc không chấp nhận và không sợ”.

Trong năm 2019, Nhật Bản nhiều lần đưa ra các tuyên bố thể hiện sự quan ngại, đồng thời phản đối, lên án các hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro (29/7) công bố Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019, trong đó đề cập hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh đang là nguyên nhân đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Sách Trắng nhấn mạnh Trung Quốc có những hoạt động đơn phương mới nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Hơn thế nữa, nước này còn phái rất nhiều tàu trong đó có tàu Liêu Ninh tham gia tập trận, bố trí binh lực ở khu vực Biển Đông và mở rộng hoạt động sang khu vực Thái Bình Dương. Tháng 6/2019, tàu Liêu Ninh cùng với tàu hỗ trợ chiến đấu đi qua khu vực biển Okinawa của Nhật Bản, tiến sâu vào Thái Bình Dương. Sách Trắng lo ngại rằng thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động của lực lượng trên biển, cho không quân tiến sâu vào khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương. Động thái này đáng lo ngại và tập trung sự chú ý của dư luận quốc tế. Với tình huống trên, Nhật Bản tập trung thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Philippines, Indonesia…trong việc tăng cường năng lực của lực lượng hải quân trên biển, duy trì, phát triển tự do hàng hải dựa trên Luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải trên quan hệ song phương, đa phương. Không những vậy, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (27/8) cho biết Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, nó liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực; khẳng định phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, “Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, và có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trong vùng biển này”. Ông Taro Kono cũng cho rằng “cộng đồng quốc tế cần phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào; đồng thời đề nghị tất cả các bên liên quan cần phi quân sự hóa các cơ sở hoặc thực thể trên Biển Đông, và bất cứ tranh chấp nào cũng cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”; nhấn manh “chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và bất cứ nơi nào khác”.

Ngoài việc lên án Trung Quốc, Nhật Bản cũng tích cực hiện diện quân sự trong khu vực, tăng cường tập trận với các nước đồng minh ở Biển Đông. Nhật Bản, Mỹ và Philippines (16/10) đã điều nhiều tàu chiến tập trận bảo vệ lực lượng trên biển, vô hiệu hóa thiết bị nổ, tác chiến chống phục kích trên cạn, trên không và theo dõi tàu đối phương ở vùng biển sát quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (21/9) cho biết đã cử tàu khu trục Asagiri tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Malaysia nhằm tăng cường hiện diện tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống cướp biển ngoài khơi Somalia, tàu khu trục Asagiri (18/9) của Nhật Bản đã cập bến Kuantan, phía Đông Malaysia. Trong chuyến thăm Malaysia lần này, tàu khu trục Asagiri sẽ tiến hành tập trận chung trên biển với Hải quân Malaysia. Theo thuyền trưởng tàu Asagiri Yuichi Haeno, hoạt động chung với Hải quân Malaysia có ý nghĩa quan trọng, giúp đóng góp vào ổn định ở Biển Đông và khu vực lân cận; nhấn mạnh Nhật Bản kỳ vọng những hoạt động nhằm tăng cường quan hệ tương tự trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới