Wednesday, May 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số phân tích về lý do TQ phải rút nhóm tàu...

Một số phân tích về lý do TQ phải rút nhóm tàu Hải Dương địa chấn 8 khỏi vùng biển Việt Nam và dự báo hành động tiếp theo của Bắc Kinh

Ngày 24/10, Trung Quốc rút nhóm tàu Hải Dương địa chấn 8 khỏi Vùng thềm lục địa và Đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông sau ba tháng triển khai trái phép. Hiện có nhiều nhận định, bình luận liên quan động thái này của Trung Quốc, cũng các hành động tiếp theo của Bắc Kinh.

Thứ nhất, Bắc Kinh biết rõ hành vi của mình là hoàn toàn vi phạm chủ quyền Việt Nam và trái với luật pháp quốc tế, gây phức tạp tình hình, không có lợi hòa bình, ổn định ở khu vực. Hồi đầu tháng 7, Trung Quốc đã điều nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng Đặc quyền kinh tế và Vùng thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông, cụ thể là Bãi Tư Chính. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đây là vùng biển hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa có tranh chấp mà hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. UNCLOS 1982 xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế. Do đó, không có nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS 1982. Những yêu sách bất hợp pháp không phù hợp với UNCLOS 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng, có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm luật  pháp quốc tế, UNCLOS1982. Hành động của Trung Quốc cũng hoàn toàn trái với những thỏa thuận song phương đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc và những tuyên bố của lãnh đạo hai nước.

Thứ hai, trong ba tháng qua, Trung Quốc đã vấp phải sự lên án, chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Từ chính phủ, lãnh đạo các nước như Mỹ, châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan…) Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông cổ), Australia, Ấn Độ, Cuba… đều lên tiếng chỉ trích hành động đơn phương của Trung Quốc, trong đó Mỹ là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất. Đến giới báo chí, truyền thông, người dân và tri thức, học giả các nước cũng bất bình trước những hành động của Bắc Kinh. Có thể nói, chưa bao giờ dư luận quốc tế, khu vực lại đồng quan điểm lên án mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc đến như vậy. Cùng với đó, dư luận cũng thể hiện sự ủng hộ quan điểm, lập trường và cách xử ý của Việt Nam, bên đứng về chính nghĩa. Tại các diễn đàn quốc tế, khu vực như ASEAN, Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, các diễn đàn đa phương, các cuộc gặp song phương… từ kinh tế, ngoại giao, quốc phòng đến nghị viện đều thể hiện một tiếng nói phản đối mạnh mẽ các hành vi của Trung Quốc và đứng về phía Việt Nam. Trung Quốc nhận thức rõ nhất về điều này!

Thứ ba, Trung Quốc vấp phải phản ứng cứng rắn, liên tục nhưng cũng vẫn thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của Việt Nam trên thực địa cũng như trong đối ngoại. i) Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần nêu rõ, Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của UNCLOS1982. “Việt Nam đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đối với quan hệ giữa hai nước, hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông cũng như của khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam công khai báo chí. ii) Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì lợi ích chung ở Biển Đông. iii) Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phản bác những phát ngôn của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình khi nhấn mạnh, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí, đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn của Việt Nam được xác định từ lãnh thổ đất liền theo đúng quy định của UNCLOS 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể đã đạt được các mục tiêu toan tính của mình, như nhằm thăm dò phản ứng của dư luận Việt Nam và các nước; thử chiến lược kết hợp giữa các lực lượng quân đội, hải cảnh… tại các thực thể chiếm đóng phi pháp, gây sự chú ý của dư luận bên ngoài trong bối cảnh phải gành chịu hậu quả, sức ép từ biện pháp trừng phạt của Mỹ, căng thẳng chính trị tại Hồng Công, Đài Loan, Tân Cương. Mặc dù, trong vụ việc lần này, Trung Quốc đã rút tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, song rất khó đoán định những hành động tiếp theo của Bắc Kinh là gì. Có điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ các yêu sách chủ quyền và mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Vì vậy, ASEAN và cộng đồng quốc tế cần tiếp tục lên án mạnh mẽ hơn các hành động khiêu khích đơn phương của Trung Quốc. ASEAN cần đoàn kết, tạo ra nhận thức chung trong khối về vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, các nước cũng cần xúc tiến việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để giảm căng thẳng và tránh xung đột, đồng thời nhanh chóng tiến đến một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, ràng buộc về mặt pháp lý, dựa trên UNCLOS và các quy tắc quốc tế khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới