Thursday, April 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCơ quan lập pháp Đài Loan thông qua ngân sách mua 66...

Cơ quan lập pháp Đài Loan thông qua ngân sách mua 66 tiêm kích đa năng F-16V của Mỹ

Bất chấp sự phản đối và đe dọa của Trung Quốc, Cơ quan lập pháp Đài Loan mới đây đã chính thức thông qua ngân sách 8,2 tỷ USD để mua 66 tiêm kích đa năng F-16V của Mỹ.

Theo thông tin trên, Đài Loan sẽ lập quỹ chi tiêu đặc biệt để mua 66 tiêm kích F-16V do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Nguồn tiền được lấy từ nợ công hoặc dư thừa ngân sách trong vòng 7 năm. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua một dự luật ủng hộ các liên minh ngoại giao của Đài Loan trên thế giới. Dự luật này đã được Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện thông qua hồi tháng 9/2019.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 8/2019 đã ban hành quyết định cho phép bán lô tiêm kích 8 tỷ USD cho Đài Loan. Thương vụ này bao gồm 66 tiêm kích F-16V và 75 động cơ do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, cùng các hệ thống khác. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng thương vụ này vừa phục vụ lợi ích quốc gia, kinh tế, và an ninh của Mỹ và có thể giúp Đài Loan duy trì khả năng phòng thủ. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, thương vụ này nhất quán với chính sách trước kia của Mỹ và Washington “đơn thuần chỉ làm đúng các cam kết đã đưa ra với tất cả các bên”.

Hiện Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng chính thức liên quan thông tin trên. Tuy nhiên, Ngay sau khi Mỹ đồng ý bán 66 máy bay F-16 cho Đài Loan, Trung Quốc đã đưa ra những phản ứng cứng rắn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (16/8) chỉ trích “phía Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một nước Trung Quốc và 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc và hủy hoại các lợi ích chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc Mỹ ngừng hoạt động bán vũ khí và giao thiệp quân sự với Đài Loan, nếu không, phía Trung Quốc chắc chắn sẽ triển khai các biện pháp trả đũa và Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tất cả những hậu quả liên quan. Người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc Mã Hiểu Quang cũng cảnh báo phía Mỹ cần phải chấm dứt việc phát đi tín hiệu sai lầm nghiêm trọng cho thế thực ly khai chủ trương Đài Loan độc lập. Theo ông Mã Hiểu Quang, “bất cứ thế lực nào đều không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Ngoài ra, phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (21/10) tái khẳng định việc giải quyết vấn đề Đài Loan là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc và “không có lực lượng nào có thể ngăn cản nước này thực hiện công cuộc thống nhất đất nước”.

Theo giới phân tích, Đài Loan bất chấp phản ứng của Trung Quốc để mua F-16V và nâng cao năng lực quốc phòng là do ngày càng lo ngại về các động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, bao gồm việc tăng 7% ngân sách quốc phòng năm 2019 và triển khai oanh tạc cơ chiến lược H-6 ở căn cứ không quân Hưng Ninh, tỉnh Quảng Đông, cách đảo Đài Loan chỉ 450 km. Khiến  Đài Loan đang tìm cách mua thêm các vũ khí hiện đại từ Mỹ, đồng thời đưa các công ty của hòn đảo này vào chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng của Washington, bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc đại lục. 

Được biết, F-16 Fighting Falcon là một máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm vụ do General Dynamics và Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ. Được thiết kế như một máy bay chiến đấu hạng nhẹ, nó đã trở thành một loại máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ thành công. Sự linh hoạt và giá thành không quá cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới thành công của F-16 trên thị trường xuất khẩu, hiện nó hoạt động tại 24 quốc gia. F-16 là chương trình máy bay lớn nhất của phương Tây với hơn 4.500 đã được chế tạo từ khi bắt đầu sản xuất năm 1976. Dù không còn được chế tạo tiếp cho Không quân Mỹ, nó vẫn được chế tạo cho xuất khẩu. Về cấu hình, F-16 dài 49 ft 5 in (15.06 m), sải cánh 32 ft 8 in (9.96 m), cao 16 ft (4.88 m), diện tích cánh 300 ft² (27.87 m²), trọng lượng không tải 8.936 kg (19.700 lb), tải trọng 12.003 kg (26.463 lb), trọng lượng cất cánh tối đa 16.875 kg (37.500 lb); động cơ 1 x Pratt & Whitney F100-PW-220 tuốc bin cánh quạt có tăng áp, lực đẩy 64,9 kN (14.590 lbf), lực đẩy có tăng áp 105,7 kN (23.770 lbf); động cơ có thể sử dụng khác 1 × động cơ General Electric F110-GE-100 tuốc bin cánh quạt có tăng áp, lực đẩy 76,3 kN (17.155 lbf), lực đẩy có tăng áp: 128,9 kN (28.985 lbf); tốc độ tối đa Mach 2 (2120 km/h), tầm bay tối đa 1740 hải lý (3200 km bay tuần tiễu); bán kính chiến đấu 550 km (340 dặm, 295 hải lý); trần bay 15.239 m (50.000 ft); tốc độ lên cao 254 m/s (50.000 ft/phút), áp lực cánh 431 kg/m² (88.2 lb/ft²).

F-16 trang bị nhiều vũ khí hiện đại, gồm: 1 Pháo nòng xoay 20mm (0.787 in) M61A1 Vulcan, 511 viên; 4 bệ phóng Rocket LAU-61/LAU-68 (mỗi cái với 19/7 × rocket Hydra 70 mm/APKWS, 4 bệ phóng Rocket LAU-5003 (mỗi cái với 19 × rocket CRV7 70 mm), 4 bệ phóng Rocket LAU-10 (mỗi cái với 4 × rocket Zuni 127 mm); Tên lửa không đối không: 2 tên lửa AIM-7 Sparrow, 6 tên lửa AIM-9 Sidewinder, 6 tên lửa AIM-120 AMRAAM, 6 tên lửa IRIS-T, 6 tên lửa Python-4, 6 tên lửa Python-5; tên lửa không đối đất: 6 tên lửa AGM-65 Maverick, 4 tên lửa AGM-88 HARM hoặc AGM-158 JASSM; Tên lửa chống hạm: 4 tên lửa AGM-119 Penguin, 2 tên lửa AGM-84 Harpoon; Bom: 8 quả CBU-87 Combined Effects Munition, 8 quả CBU-89 Gator mine, 8 quả CBU-97 Sensor Fuzed Weapon, 4 quả Bom đa chức năng Mark 84, 8 quả Bom đa chức năng Mark 83, 12 quả Bom đa chức năng Mark 82, 8 quả GBU-39 SDB (SDB), 4   quả GBU-10 Paveway II, 6 quả GBU-12 Paveway II, 4 quả GBU-24 Paveway III, 4 quả GBU-27 Paveway III, 4 quả Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM), 4 quả AGM-154 JSOW, Wind Corrected Munitions Dispenser (WCMD); Bom hạt nhân B61, Bom hạt nhân B83.

Trong khi đó, Đài Loan muốn mua là dòng F-16V, đây là phiên bản tiêm kích F-16 hiện đại nhất thế giới, được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), máy tính điều khiển thế hệ mới và hàng loạt cải tiến trong buồng lái giúp đối phó nhiều mục tiêu cùng lúc. Phi công cũng được trang bị hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ bay, tăng khả năng tác chiến của tên lửa tầm nhiệt AIM-9X. Đây được đánh giá là sự bổ sung lớn cho lực lượng phòng vệ Đài Loan, vốn đang sở hữu 144 tiêm kích F-16A/B Block 20, 55 chiếc Mirage 2000 mua từ Pháp và 129 chiến đấu cơ nội địa Ching-kuo, tất cả đều được biên chế từ thập niên 1990. Chính quyền hòn đảo đang thực hiện dự án trị giá 5 tỷ USD nhằm nâng cấp phi đội F-16A/B lên chuẩn F-16V với sự hỗ trợ từ Mỹ, 4 chiếc đầu tiên đã được bàn giao cuối năm 2018.

RELATED ARTICLES

Tin mới