Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHội thảo Biển Đông lần thứ 11: “Hợp tác vì Hòa bình...

Hội thảo Biển Đông lần thứ 11: “Hợp tác vì Hòa bình và Phát triển tại Khu vực”

Từ 6-7/11, Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp tổ chức Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì Hòa bình và Phát triển tại Khu vực” nhằm tìm ra các giải pháp sáng tạo, góp phần cải thiện tình hình an ninh biển.

Hội thảo lần này quy tụ gần 300 đại biểu. Trong đó có khoảng 150 đại biểu là các học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới, đến từ nhiều nước, cùng một số đại sứ và trưởng cơ quan đại diện. Hội thảo có 6 phiên toàn thể và 6 phiên chuyên ngành. Dự kiến có khoảng 50 bài tham luận và phản biện, 3 bài phát biểu dẫn đề.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, “trong xu thế hướng ra đại dương, tăng cường hợp tác biển và đại dương toàn thế giới nói chung, chúng ta thấy không khỏi lo ngại trước các thách thức nổi lên đối với hoà bình và ổn định ở Biển Đông, trong đó có các hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế xảy ra trên các vùng biển khu vực, trong đó có vùng biển của Việt Nam. Việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, ổn định hoà bình, an ninh ở khu vực và quốc tế”. Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, an ninh và an toàn hàng hải Biển Đông có ý nghĩa rất to lớn đối với thương mại toàn cầu và thịnh vượng chung của thế giới. Khi trọng tâm kinh tế, chính trị thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ và có tác động nhiều lên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Biển Đông càng có giá trị chiến lược quan trọng. Các sáng kiến chiến lược quan trọng của các cường quốc hay của ASEAN đều lấy Biển Đông làm trung tâm và có cấu phần quan trọng liên quan đến Biển Đông. Do đó, mọi hoạt động trên biển Đông không chỉ là mối quan tâm của các quốc gia khu vực mà còn thu hút sự quan tâm và ảnh hưởng đến lợi ích của cả cộng đồng quốc tế. Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) được biết đến như hiến pháp về đại dương, với 168 thành viên, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên biển hiện nay. Theo Thứ trưởng, bài học kinh nghiệm về hợp tác biển và đại dương quốc tế, trong đó có hợp tác tại khu vực biển Đông cho thấy, để thúc đẩy hợp tác biển hiệu quả cần các yếu tố sau đây: Một, các quốc gia cần có ý chí chính trị trong thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung, đặc biệt là trong các vấn đề bảo đảm hoà bình; Hai, cần có cách hiểu thống nhất về luật biển quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; Ba, có cơ chế quản lý và hợp tác biển thích hợp; Bốn, có sự tham gia tích cực của các chủ thể nhà nước và phi nhà nước; Năm, cần có lòng tin vào môi trường luật pháp quốc tế và lòng tin vào các cơ chế và thể chế chung. Trong xu thế hướng ra đại dương, tăng  cường hợp tác biển và đại dương toàn thế giới nói chung, chúng ta không khỏi lo ngại trước các thách thức nổi lên đối với hoà bình và ổn định ở biển Đông, trong đó có các hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế xảy ra trên các vùng biển khu vực, trong đó có vùng biển của Việt Nam.  Theo Thứ trưởng, các nhà nghiên cứu chỉ ra 5 thuận lợi và 3 thách thức trên Biển Đông. Nhìn tổng thể, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chung. Chúng ta có Hiến chương về đại dương, chính là UNCLOS 1982, trở thành khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề tranh chấp, đặc biệt là trong quan hệ giữa các nước. Biển Đông nằm trong khu vực được cộng đồng quốc tế quan tâm. Các quốc gia ven biển đều coi trọng thúc đẩy hoà bình ổn định và hợp tác. Chúng ta có kinh nghiệm về hợp tác, về giải quyết tranh chấp chồng lấn thông qua đàm phán và các biện pháp khác nhau, theo đúng Chương 6 của Hiến chương LHQ, là chương về nghĩa vụ giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Đó là các biện pháp tìm hiểu sự thật, trung gian, hoà giải, thương lượng, trọng tài, và tố tụng pháp lý quốc tế. Trong Hiến chương LHQ và UNCLOS có đầy đủ cơ chế để chúng ta áp dụng. Dù trên thực tế cho đến nay vẫn có những vấn đề liên quan đến hợp tác, xử lý các vấn đề chồng lấn, tranh chấp. Ba thách thức được các nhà nghiên cứu cứu chỉ ra gồm: Khi có những vấn đề liên quan đến tranh chấp và khác biệt trong quá trình hợp tác, có phải các nước dựa trên luuật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 để đưa ra lập trường của mình hay không; thực tế là có những vấn đề tồn tại khách quan, trong đó có vấn đề chồng lấn, tranh chấp; làm sao để hợp tác mạnh hơn chứ không để căng thẳng lấn át. Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng cũng cần tìm ra cách thức để các cơ chế đa phương tiếp tục có vai trò quan trọng trong việc bàn bạc, tìm kiếm giải pháp và thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam hy vọng sẽ cùng các đối tác thúc đẩy nâng cao hiệu quả hợp tác của ASEAN để giải quyết các thách thức biển.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện  Ngoại giao, cho biết Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 năm nay sẽ có một số điểm mới đáng chú ý sau so với các năm trước: Thứ nhất, hội thảo khuyến khích một cách nhìn rộng mở về vấn đề biển Đông. Biển Đông không nên được hiểu chỉ là các tranh chấp chủ quyền, tranh chấp vùng biển và tài nguyên giữa các nước ven Biển Đông. Biển Đông cần được nhìn nhận như một vùng biển kết nối giữa các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực, là nơi các quốc gia mong muốn duy trì sự thượng tôn của luật pháp quốc tế và là nơi các nước trong và ngoài khu vực đối thoại, phát triển hợp tác một cách hiệu quả. Đó cũng là biển Đông trong Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mới được ASEAN thông qua. Thứ hai, cần nhìn nhận có sự liên thông giữa lục địa và đại dương và giữa các vùng biển với nhau. Các vùng biển và đại dương được nhìn nhận là một thể thống nhất và là sự kéo dài của các lục địa. Theo đó, Hội thảo năm nay sẽ có 6 phiên bàn tròn song song để bàn về các hợp tác biển và các diễn biến ở các vùng biển khác,không chỉ riêng biển đông mà còn có gồm có biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các vùng địa cực. Thứ ba, các cuộc thảo luận được thiết kế theo hướng thực tiễn hơn, khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của giới hoạch định và thực thi chính sách. Các quan chức chính phủ các nước có cơ hội được chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời tiếp nhận trực tiếp các ý tưởng và sáng kiến của giới học giả. Điểm nhấn đặc biệt là Hội thảo năm nay được tổ chức trong không khí kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Nhân dịp này, Hội thảo dành riêng một phiên để kiểm điểm quá trình hình thành và tầm quan trọng của văn bản được coi là Hiến chương của Đại dương sau một phần tư thế kỷ có hiệu lực.

Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Văn Quyền khẳng định: “Trước những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian gần đây, vai trò và tiếng nói của giới luật gia càng quan trọng trong việc củng cố, duy trì tính tôn nghiêm của môi trường luật pháp quốc tế”. Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam cũng nhấn mạnh: “ Ra đời từ năm 1955, hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp quy tụ hơn 63.000 hội viên hội luật gia trên lãnh thổ Việt Nam, có nguyện vọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Hội Luật gia Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong nhiều thăng trầm của lịch sử, có nhiều đóng góp quan trọng cho việc xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện và phát triển hệ thống pháp luật trong nước. Trong những năm gần đây, cùng với xu thế chung đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, hội Luật gia Việt Nam đã tăng cường hợp tác, trao đổi quốc tế, không ngừng nâng cao học tập kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực lập pháp và thực thi pháp luật, đồng thời có những đóng góp xây dựng luật quốc gia hài hòa với luật quốc tế.

Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) Greg Poling nhận định, “hai năm qua, Trung Quốc tăng nhanh số lượng tàu cảnh sát biển và tàu dân quân trên khắp Biển Đông”. Từ đó, theo ông, các tàu này ở Trung Quốc đang hoạt động rộng khắp khu vực “đường lưỡi bò” ở mức độ chưa từng có. Các tàu Trung Quốc thường xuyên gây rối tàu dân sự của Việt Nam, Philippines và Malaysia. Mục tiêu của Bắc Kinh là gia tăng rủi ro ở vùng biển này để khiến các tàu dân sự các nước khác chấp nhận từ bỏ quyền lợi hợp pháp vì lo sợ. Và Trung Quốc đang ngày càng khiến tình hình trở nên nguy hiểm. Những diễn biến gần đây là một minh chứng”.

Giáo sư James Kraska, Đại học Hải chiến Mỹ cho rằng: “Các nước trong khu vực Đông Nam Á có thể thương lượng cùng nhau để đạt được một thỏa thuận về Biển Đông”. Sau đó, theo ông James Kraska, các nước đã thỏa thuận sẽ ký một bộ quy tắc ứng xử riêng và mời Trung Quốc giữ vai trò quan sát hoặc tham gia một phần. Đồng thời bộ quy tắc này phải bao hàm cả các nội dung cần thiết như tổ chức điều tra chung và phối hợp xử lý các sự cố hàng hải, nhấn mạnh việc tàu chiến và tàu chấp pháp không được dùng vũ lực tấn công tàu dân sự.

Sau 10 năm tổ chức (kể từ năm 2009), chuỗi Hội thảo Biển Đông đã trở thành một trong những diễn đàn an ninh khu vực uy tín, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để thảo luận về các vấn đề có tầm quan trọng đối với hòa bình và phát triển như an ninh biển, luật pháp quốc tế, kinh tế biển và sinh thái biển. Những diễn biến hiện nay cho thấy Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp.

RELATED ARTICLES

Tin mới