Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ, Úc phối hợp ngăn TQ bành trướng ở Thái Bình Dương

Mỹ, Úc phối hợp ngăn TQ bành trướng ở Thái Bình Dương

Solomon cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan tháng 9/2019, sau đó không lâu, rộ lên thông tin về hợp đồng Solomons cho China Sam Enterprise Group của Trung Quốc thuê đảo Tulagi. Sam Group là một tập đoàn của nhà nước được thành lập năm 1985, có trụ sở tại Bắc Kinh, chuyên đầu tư vào công nghệ và năng lượng. Thỏa thuận với tập đoàn Sam Group, ký‎ ngày 22/9, cho phép công ty Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng trên Tulagi và các đảo xung quanh.

Tulagi từng là nơi đặt các căn cứ của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ 2, cũng là cố đô của Solomons, trước khi chuyển đến đảo Guadalcanal. Mỹ, Úc và Đài Loan đã chỉ trích gay gắt Hợp đồng nói trên, cho rằng Bắc Kinh sẽ khiến đảo quốc này lâm vào các khoản nợ.

Các đảo quốc Thái Bình Dương luôn nằm trong ưu tiên chiến lược của các cường quốc, muốn liên minh với các nước này nhằm kiểm soát các vùng biển rộng lớn và giàu về tài nguyên. Nhiều thập kỷ qua, Úc vẫn là nước viện trợ cho khu vực này nhiều nhất và có ảnh hưởng lớn ở khu vực này.

Những năm gần đây, nhằm thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” và đưa Trung Quốc thành cường quốc Biển, Trung Quốc tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng ở khu vực này thông qua các khoản đầu tư cũng như viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương. Điều này khiến nhiều quốc gia thấy lo ngại.

Trung Quốc nổi lên như một nhà đầu tư lớn trong khu vực này. Phần lớn khoản chi của Trung Quốc dưới dạng các khoản cho vay. Từ năm 2011 đến năm 2018, Trung Quốc cho 6 đảo quốc Nam Thái Bình Dương bao gồm Quần đảo Cook, Fiji, Papua New Guinea, Samoa, Tonga và Vanuatu vay 6 tỷ USD, tương đương 21% GDP khu vực, biến các nước này thành các con nợ của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng sử dụng đàm phán các khoản vay để thúc đẩy các mục tiêu chính trị, quân sự của họ như đầu tư xây dựng cảng biển và kèm theo việc đưa đến đó các thiết bị quân sự, biến các cơ sở hạ tầng này thành căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Năm 2018, có tin Trung Quốc đưa thiết bị quân sự đến một cảng lớn mà nước này đang xây, ở đảo quốc Vanuatu cũng tại Thái Bình Dương. Với cách làm này Trung Quốc từng bước mở rộng ảnh hưởng đến các nước mà trước đây là các đối tác quan trọng của Mỹ, New Zealand và Úc.

Một khi đã trở thành con nợ của Trung Quốc mà không thể trả nợ, các nước này phải nhường quyền sử dụng lâu dài các công trình hạ tầng này cho Trung Quốc và biến các vùng đất này trở thành một “thuộc địa kiểu mới” của Trung Quốc.

Các hành động chiến lược của Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng tại các đảo quốc Thái Bình Dương là rất đáng lo ngại đe dọa các lợi ích của Mỹ trong Thỏa ước Hiệp hội tự do được Hoa Kỳ k‎ý với Palau, Quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia. Trước hiểm họa bành trướng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, tháng 8/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới ba đảo quốc Thái Bình Dương – còn gọi là Các quốc gia liên kết tự do (FAS), khu vực có tầm quan trọng chiến lược hơn với Mỹ trong những năm gần đây, nhằm gia hạn thỏa ước chung nói trên nhằm ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo thỏa ước này, quân đội Mỹ có quyền truy cập độc quyền vào không phận và lãnh hải của FAS; đổi lại, ba đảo quốc sẽ nhận được sự hỗ trợ kinh tế từ Washington.

Cũng trong tháng 8/2019, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố nâng chính sách tiếp cận khu vực “lên một cấp độ mới,” với việc công bố hàng loạt gói đầu tư và cho vay hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm đẩy mạnh hợp tác an ninh và kinh tế. Úc tuyên bố sẽ lập một quỹ hỗ trợ phát triển trị giá hơn 1,45 tỷ USD để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại Đông Timor cùng các quốc gia Thái Bình Dương khác; đồng thời lập ra một gói cho vay xuất khẩu trị giá hơn 729 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động đầu tư trong khu vực. Ngoài ra, Canberra hỗ trợ tàu tuần tra và hợp tác xây căn cứ quân sự với Papua New Guinea.

Bên cạnh việc gia tăng các hoạt động gây hấn, hung hăng ở Biển Đông nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc có những bước đi bành trướng ra Thái Bình Dương, đặt ra những thách thức mới cho cả Mỹ và Úc. Do vậy, trong thời gian tới Mỹ sẽ sát cánh cùng Úc để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương tự do, rộng mở với “Bộ tứ” (Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ) cũng là nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ thúc đẩy chiến lược này, Mỹ, Úc còn nhận được sự hợp tác của Nhật, Ấn Độ – hai nước có những tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc về biên giới lãnh thổ.

Sự phát triển của Trung Quốc đi kèm theo đó là hoạt động hiếu chiến hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và sự bành trướng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương đang trở thành một hiểm họa lớn, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Do vậy, cộng đồng quốc tế cần chung tay ngăn chặn.

Sự bành trướng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương không chỉ gây lo ngại cho Mỹ và Úc, hai nước có lợi ích chiến lược ở khu vực này mà còn đang được các nước châu Âu hết sức quan tâm. Trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng và lấn tới, riêng chỉ Mỹ và Úc phối hợp là chưa đủ mà cần sự hưởng ứng, hợp tác của các đồng minh và đối tác của Mỹ trong và ngoài khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới