Friday, May 3, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMục đích của Indonesia khi tăng cường lập căn cứ quân sự...

Mục đích của Indonesia khi tăng cường lập căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna

Thời gian gần đây, giới chức quân đội Indonesia liên tục đưa ra các tuyên bố cho biết nước này sẽ tăng cường thiết lập các căn cứ quân sự mới ở quần đảo Natuna nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích trong khu vực.

Indonesia lập căn cứ hải quân để đối phó với hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông

Trước đây, Indonesia khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với nước nào trên Biển Đông. Quần đảo Natuna cũng nằm ngoài phạm vi “đường lưỡi bò” phi pháp Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng “đường lưỡi bò” trên thực tế có chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Trung Quốc gọi vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna là “vùng đánh cá truyền thống” nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp. Tổng thống Joko Widodo (5/10) cho biết sau khi khánh thành căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna trên Biển Đông, 4 căn cứ khác sẽ được thiết lập tại Biak, Merauke, Morotai và Saumlaki nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và sự phối hợp giữ 3 quân chủng hải, lục và không quân tại các khu vực biên giới trên biển. Ông Joko Widodo cho biết Indonesia đang nỗ lực nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng lục quân, hải quân và không quân, nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc phòng, trong đó có chủ nghĩa khủng bố; nhấn mạnh quân đội Indonesia đang chuyển đổi thành một hệ thống tích hợp hơn, thay vì 3 lực lượng riêng rẽ trước đây; đồng thời cho biết TNI (7/2019) đã thành lập Bộ chỉ huy tác chiến hỗn hợp, quy tụ các lực lượng lục quân, hải quân và không quân. Đáng chú ý, ông Widodo cũng cam kết tăng phúc lợi cho các binh sỹ và tăng ngân sách quốc phòng từ từ 121 nghìn tỷ rupiah (8,6 tỷ USD) trong năm 2019 lên 131 nghìn tỷ rupiah (hơn 9,3 tỷ USD) vào năm 2020.

Giới quan sát nhận định Indonesia ngày càng quan ngại về tình hình an ninh ở Biển Đông với các biến động gần đây, đặc biệt là việc Trung Quốc bồi đắp, xây đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa với ý đồ quân sự hóa. Tham mưu trưởng hải quân Indonesia Ade Supandi khẳng định lập trường của nước này là “cần duy trì an ninh và ổn định ở Biển Đông, đặc biệt với các mối đe dọa gia tăng trong thời gian gần đây”. Ngay từ tháng 9/2014, Trưởng cơ quan điều phối an ninh biển Indonesia Desi Albert Mamahit đã cảnh báo tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là “mối đe dọa thật sự” mà sớm hay muộn gì cũng sẽ ảnh hưởng tới nước này, còn một sĩ quan hải quân cấp cao cho biết các cuộc tập trận thời gian qua trong khu vực Natuna là nhằm “ứng phó những lập trường hung hăng”. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu (6/9/2015) cho biết Indonesia sẽ trang bị cho Natuna một cảng biển và mở rộng đường băng trên đảo chính, đồng thời cho biết sẽ triển khai thêm chiến đấu cơ đến khu vực. Cũng nhằm ứng phó nguy cơ tiềm ẩn ở Biển Đông, Indonesia đã nâng cấp một căn cứ hải quân ở tỉnh Tây Kalimantan trên đảo Borneo, cách không xa Natuna, thành căn cứ hải quân chính của nước này. Để đáp ứng trang thiết bị khí tài triển khai trên đảo Natuna, Indonesia (2015) cũng đang mua 3 tàu ngầm lớp Chang Bogo của Hàn Quốc và 2 chiến hạm lớp Sigma của Hà Lan, 8 trực thăng AH-64E Apache của Mỹ. Jakarta cho biết sẽ điều 4 trong số 8 chiếc Apache ra căn cứ Natuna.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Ngoại giao thuộc Hạ viện Indonesia Mahfudz Siddiq (24/3/2016) cho biết cơ sở mới sẽ giúp Jakarta tăng cường hệ thống phòng thủ trung tâm hiện nay của nước này tại phía Đông và Tây, đồng thời cải thiện tính lưu động của quân đội Indonesia. Theo ông Mahfudz, chính phủ cần 1,3 nghìn tỷ rupiah (tương đương 134 triệu USD) nhằm phát triển cơ sở trên quần đảo Natuna. Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban phụ trách các vấn đề quốc phòng Indonesia Hasanudin nhận định, căn cứ không nhất thiết phải là “nơi nhân viên quân sự hiện diện ở một vị trí đặc biệt để sẵn sàng triển khai” mà là nơi trung chuyển lực lượng, nhấn mạnh Indonesia đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự trong khu vực, nên cần bổ sung nhân sự và thiết bị quốc phòng trong khu vực.

Phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng, ngoại giao và thông tin Hạ viện Indonesia Hanafi Rais (29/6/2016) cho biết Ủy ban này đã đạt được thỏa thuận về đề xuất của chính phủ xây dựng một căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna, ở phía Nam Biển Đông, đồng thời kêu gọi Chính quyền phối hợp tích cực với các nước láng giềng Đông Nam Á để ngăn chặn những đe dọa và hành động quân sự hóa ở Biển Đông.

Mục đích của Indonesia khi lập căn cứ hải quân ở Natuna

Thứ nhất, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh hải và đảm bảo an ninh trong vùng biển; khẳng định quần đảo Natuna và các vùng biển xung quanh là thuộc chủ quyền của Indonesia, không tồn tại tranh chấp chủ quyền giữa Indonesia và Trung Quốc ở khu vực này. Việc lập căn cứ hải quân mới cũng sẽ góp phần đảm bảo an ninh của Indonesia, thúc đẩy việc bắt giữ, trấn áp và đánh đắm tàu cá xâm phạm vùng biển của Indonesia. Thông qua hành động trên, Indonesia muốn khẳng định nước này đang thực thi luật pháp và có chủ quyền không thể tranh cãi đối với khu vực này.

Thứ hai, lập căn cứ hải quân mới sẽ là hành động thiết thực ngăn chặn nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, quản lý và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Việc sử dụng các biện pháp cứng rắn đối với tệ nạn đánh bắt trộm hải sản ở Biển Đông là hành động thiết thực thể hiện quyết tâm của Indonesia trong việc bảo vệ tài nguyên trong vùng biển của mình.

Thứ ba, thông qua việc lập căn cứ hải quân mới sẽ góp phần cảnh cáo, răn đe và ngăn chặn tàu cá các nước đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia. Chính sách cứng rắn của Indonesia đã có hiệu quả răn đe không nhỏ trong việc hạn chế, ngăn chặn tàu cá các nước đến đánh bắt trộm hải sản trong vùng biển của Indonesia. Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng tàu các phi pháp hoạt động trong vùng biển của Indonesia đã giảm đáng kế. Hầu hết các tàu cá chẳng dại gì đến vùng biển này đánh bắt trộm hải sản. Trong bối cảnh tình hình đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia đang ngày càng gia tăng, gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế và hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Indonesia. Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia cho biết, hằng năm Indonesia bị thất thoát khoảng 300.000 tỉ rupiah (23 tỉ USD) do thủy sản bị đánh bắt trộm bởi tàu cá nước ngoài và hằng ngày có khoảng 5.400 tàu cá hoạt động trái phép trong vùng biển của Indonesia. Từ cuối năm 2014 đến nay, các cơ quan chức năng của Indonesia đã thực hiện chính sách đánh chìm tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển của nước này. Tính đến nay, Indonesia đã đánh chìm gần 488 tàu cá nước ngoài, chủ yếu là các tàu cá của Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Papua New Guinea. Việc đánh chìm các tàu cá nói trên chủ yếu được tiến hành tại các căn cứ hải quân: Tarempa (tỉnh Batam), Rinai (tỉnh Riau Islands), Bitung (Bắc Sulawesi), Pontianak và Tarakan (tỉnh Kalimantan).

Thứ tư, đề phòng khả năng Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm vùng biển Natuna của Indonesia.

Dư luận về việc Indonesia lập căn cứ hải quân mới

Chính giới, chuyên gia, học giả và truyền thông Indonesia nhận định việc Indonesia thành lập căn cứ quân sự tại quần đảm Natuna gần Biển Đông là nhằm tăng cường sức mạnh răn đe trước các nguy cơ tại khu vực biên giới. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryazard Ryacudu cho biết mục đích thiết lập căn cứ này là để bảo vệ tài nguyên đất nước. Trong khi đó, các quan chức Bộ Quốc phòng và Ban Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia cho biết kế hoạch trên của Jakarta nhằm phục vụ mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia và giữ gìn chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Tướng Hadi Tjahjanto, Tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Indonesia cho rằng, việc thành lập căn cứ quân sự trên đảo Natuna là nhằm tăng cường sức mạnh răn đe trước các nguy cơ tại khu vực biên giới.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Indonesia thành lập căn cứ quân sự tại quần đảm Natuna gần Biển Đông là nhằm tăng cường khả năng bảo vệ biên giới lãnh thổ và đối phó với sự bất ổn trong khu vực. Nhà nghiên cứu Muhammad Arif thuộc Trung tâm Habibie phi lợi nhuận tại Jakarta (Indonesia) nhận định, căn cứ quân sự nàylà một phần trong chiến lược đối phó của Chính phủ Indonesia trước các mối đe dọa trong khu vực.

Trong khi đó, giới truyền thông Indonesia nhận định đó là một trong những động thái mới của Indonesia nhằm tăng cường hiện diện và bảo vệ Natuna sau khi giới chức nước này nhiều lần ngăn chặn tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở khu vực gần Biển Đông. Trong năm ngoái, Indonesia mở một căn cứ quân sự trên đảo Natuna Besar thuộc Natuna, với hơn 1.000 quân nhân đóng trú và một nhà chứa cho đội máy bay không người lái.

RELATED ARTICLES

Tin mới