Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHạm đội tàu sân bay của TQ: Tham vọng và thách thức

Hạm đội tàu sân bay của TQ: Tham vọng và thách thức

Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (28/11) cho biết, tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc đang tiến hành chạy thử theo kế hoạch. Thời gian thực hiện nhiệm vụ sẽ được xác định tổng hợp theo tiến triển kế hoạch đã đặt ra và tình hình thử nghiệm; khu vực bố trí sẽ quyết định theo mối đe dọa an ninh quốc gia và yêu cầu quốc phòng; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc phát triển tàu sân bay là quyết sách chiến lược quan trọng nhằm vào an ninh quốc gia và toàn cục phát triển, sẽ căn cứ theo tình hình phát triển kinh tế-xã hội, yêu cầu xây dựng quốc phòng và quân đội của nhà nước, xem xét tổng thể vấn đề phát triển xây dựng tàu sân bay.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang thể hiện tham vọng trở thành cường quốc biển, cạnh tranh vị thế siêu cường với Mỹ. Để đạt được tham vọng trên, Trung Quốc buộc phải sở hữu các hạm đội tàu sân bay đủ mạnh và có khả năng tấn công, răn đe an ninh quốc gia của Mỹ vào năm 2050. Theo đó, Trung Quốc độc chiếm Biển Đông; “chia đôi” Thái Bình Dương với Mỹ; tranh giành ảnh hưởng và sức mạnh ở Ấn Độ Dương với Mỹ, Ấn Độ và các nước khác. Để hiện thực hóa chiến lược này, Trung Quốc chủ trương xây dựng một lực lượng hải quân mạnh – Hải quân viễn dương (còn gọi là Hải quân biển xanh) có khả năng khống chế toàn bộ 3 chuỗi đảo trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc và các nước láng giềng để tăng cường sức mạnh biển của Trung Quốc và kiềm chế các nước láng giềng. Chuỗi đảo thứ nhất đã có hạt nhân là Đài Loan; chuỗi đảo thứ hai mở rộng từ Nhật Bản tới Indonesia; chuỗi đảo thứ ba tràn xuống Ấn Độ Dương, đặc biệt là các vùng biển xung quanh quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ.

Để có được một lực lượng hải quân viễn dương mạnh, Trung Quốc chủ trương trước hết phát triển hạm đội tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân. Trung Quốc cho rằng, hoạt động của hải quân hiện đại không thể tách rời sự yểm trợ từ trên không và hộ tống dưới mặt nước, nên tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân đã trở thành trọng điểm xây dựng của Hải quân Trung Quốc hướng tới biển xa. Trên thực tế, tàu sân bay Liêu Ninh mà Trung Quốc đưa vào sử dụng năm 2011 không đơn giản chỉ là trang bị của Hải quân, mà còn trở thành thành phần chủ lực trong lực lượng chiến lược của Trung Quốc. Nó được kỳ vọng sẽ phá vỡ giới hạn binh chủng, tập hợp sức mạnh chiến đấu của hải quân, lục quân, không quân thực hiện tác chiến lập thể, đồng thời có thể cơ động trên biển cách xa đất liền hàng vạn hải lí để phát huy sức mạnh chiến lược của quốc gia. Ngoài chiếc Liêu Ninh đã đưa vào sử dụng, hiện Trung Quốc đang chạy thử nghiệm tàu sây bay nội địa đầu tiên Type-001A và đang khởi công đóng hai tàu sân bay tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải và xưởng đóng tàu Đại Liên, hai tàu này có lượng giãn nước khoảng 60.000 – 65.000 tấn.

Để đạt được tham vọng trên, Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị tích cực. Đầu tiên, Bắc Kinh đã bỏ tiên mua lại tàu sân bay Varga cũ của Ucraina nhằm học hỏi kinh nghiệm và sao chép kỹ thuật chế tạo tàu sân bay. Tiếp đó, Trung Quốc đẩy mạnh cải tạo và nâng cấp xưởng đóng tàu gần thành phố Thượng Hải có thể tạo nên một “nhà máy” chỉ dành cho tàu sân bay. Giới quan sát nhận định xưởng đóng tàu Giang Nam cùng các cảng được cải tạo và mở rộng để sẵn sàng trở thành nơi cho ra đời nhiều tàu sân bay khác bổ sung vào biên chế Hải quân Trung Quốc trong tương lai. Không những vậy, quân đội Trung Quốc đang đẩy mạnh chiêu mộ và đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu, phục vụ tham vọng xây dựng hạm đội tàu sân bay. Theo kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, chương trình tuyển phi công của hải quân nước này cho năm 2019 đã chiêu mộ hơn 20% so với số phi công tuyển mộ trong năm 2018. Hơn nữa, số lượng phi công tuyển cho chương trình đào tạo tiêm kích tác chiến trên tàu sân bay tăng 41% so với năm 2018. Trong số tân binh tuyển mộ cho vị trí phi công, 4.500 người đã vượt qua vòng thi tuyển đầu tiên. Con số này cao gần gấp 2 lần so với năm 2018. Thời báo Hoàn cầu cho biết chỉ có 800 người lọt vào vòng tuyển chọn phi công cuối cùng trong năm 2018. Các chuyên gia nhận định đây là bước đi quan trọng bảo đảm nhân sự cho tham vọng xây dựng một hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai. Chuyên gia Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ không chỉ có nhiều tàu sân bay hơn, mà các tàu sân bay thế hệ kế tiếp sẽ lớn hơn, mang được nhiều máy bay hơn. Vì vậy, quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng có nhu cầu lớn hơn đối với phi công lái máy bay chiến đấu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tiến hành nghiên cứu phát triển các chiến đấu cơ thế hệ mới cho tàu sân bay. Hiện giờ, họ chỉ có 24 chiến đấu cơ J-15, không đủ để trang bị cho các chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên cũng như cho những chiếc khác đang được đóng và cho các đơn vị huấn luyện trên bộ. Chiến đấu cơ tương lai của Trung Quốc có thể sẽ được thiết kế dựa trên các chiếc Thành Đô J-20 hay J-31/FC-31, hai chiến đấu cơ mới thế hệ thứ năm của Trung Quốc.

Được biết, những tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh và Type 001A đều khá nhỏ và có khả năng mang theo tối đa 25 máy bay. Thiết kế sàn tàu có “cầu nhảy” để máy bay chiến đấu xuất kích. Năng lực của tàu thấp hơn các “đối thủ” thuộc biên chế hải quân Mỹ, vốn đủ khả năng chở theo gần 100 máy bay quân sự. Nhiều chuyên gia quốc phòng và giới chức quân sự các nước nhận định Type 001 sẽ đóng vai trò môi trường huấn luyện cho hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc. Những nghiên cứu thời gian qua dự báo Bắc Kinh muốn sở hữu hạm đội gồm ít nhất 6 tàu sân bay, hoàn thành trước năm 2030. Tàu sân bay thứ 3 có thể là tàu sân bay đầu tiên được Trung Quốc sử dụng thiết kế sàn phẳng cùng hệ thống bệ phóng máy bay. Thiết kế này cho phép PLAN trang bị cho tàu sân bay nhiều loại máy bay chiến đấu hơn, đồng thời máy bay có thể vũ trang với hỏa lực mạnh hơn.

Giới chuyên gia nhận định, tàu sân bay Trung Quốc ngày càng được cải tiến về khả năng mang theo các loại hình máy bay chiến đấu. Theo chuyên gia về an ninh quốc gia và quốc phòng Kyle Mizokami, Type 002 của Trung Quốc có thể chở theo nhiều chiến đấu cơ hơn chiếc Liêu Ninh, cụ thể là có thể mang theo tổng cộng từ 32 đến 36 chiếc J-15. Không những vật, một hàng không mẫu hạm thứ ba thuộc một lớp khác, Type 003, hiện đang được đóng tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải có thiết kế hiện đại hơn, tương tự như hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford của Mỹ và HMS Queen Elizabeth của Anh, cụ thể là sẽ có khả năng phóng những chiến đấu cơ nặng hơn, tức là những máy bay chở theo nhiều nhiên liệu và vũ khí hơn, và như vậy tàu sân bay này sẽ được sử dụng như là một căn cứ để triển khai lực lượng chiến đấu khi cần thiết. Chuyên gia Kyle Mizokami tiết lộ, có những thông tin đáng tin cậy còn cho biết là tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc cũng hiện đang được đóng ở cảng Đại Liên. Chiếc này thuộc lớp Type 004, có thể chở theo nhiều máy bay hơn, không chỉ có các chiến đấu cơ như J-15 hay J-31, mà còn cả phi cơ kiểm soát và báo động sớm KJ-600, trực thăng chiến đấu chống tàu ngầm, máy bay không người lái tàng hình. Với những đặc tính như vậy, ít ra là về mặt lý thuyết, Type 004 sẽ là không thua kém gì các hàng không mẫu hạm lớn của Mỹ.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin nhận định Trung Quốc đang đạt bước tiến vượt bậc trong quá trình chế tạo và sản xuất tàu sân bay. Con tàu đầu tiên của dự án này, được gọi là Type 002 được trang bị máy phóng điện từ do chính Trung Quốc thiết kế và sản xuất. Đây là một giải pháp rất phức tạp. Ngay cả ở Mỹ, chỉ có tàu sân bay “Gerald Ford” hiện đại nhất được trang bị máy phóng điện từ. Hệ thống công nghệ cao này, cùng với một số cải tiến khác trong thiết kế tàu Mỹ, dẫn đến những khó khăn đáng kể trong quá trình hướng dẫn nhân viên nắm vững kỹ thuật và vận hành trơn tru. Máy phóng hơi nước, được sử dụng cho đến nay trên hầu hết các hàng không mẫu hạm, sử dụng hơi nước do máy phát điện chính trên tàu tạo ra. Ngược lại máy phóng điện từ đòi hỏi nguồn điện khổng lồ. Đối với một con tàu có  máy phát điện thông thường, điều này có thể trở thành vấn đề lớn. Trên thực tế, hệ thống phát điện chính của tàu là máy phát điện không được kết nối với chân vịt. Và năng lượng do nó tạo ra được phân phối linh hoạt giữa nhiều thiết bị sử dụng khác nhau, bao gồm cả động cơ điện điều khiển con tàu chuyển động, vũ khí, máy móc điện tử, máy phóng… Theo chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin, vào giữa những năm 2020, hạm đội Trung Quốc sẽ có hai tàu sân bay 001/001A đáng tin cậy, nhưng hạn chế về công năng, mở rộng khả năng của lực lượng Hải quân trong phạm vi hai chuỗi đảo đầu tiên. Cùng với chúng, sẽ có hai tàu dự án 002 với máy phóng điện từ, có khả năng bố trí đơn vị không quân lớn, thành phần có thể bao gồm nhiều máy bay chuyên dụng: bao gồm máy bay cảnh báo tầm xa, tác chiến điện tử, huấn luyện và các loại khác.

Tuy nhiên, việc chế tạo và triển khai tàu sân bay trên thực tế chứa đựng nhiều thách thức lớn, với nhiều kỹ thuật mà Trung Quốc cần thời gian để học hỏi và rèn luyện. Với một tàu chiến kích thước lớn như tàu sân bay, vấn đề cốt lõi là Bắc Kinh cần tìm ra cách bảo vệ mục tiêu giá trị chiến lược này bằng hệ thống tàu hộ vệ, tàu ngầm và máy bay. Do đó, Bắc Kinh cũng đang tập trung phát triển các loại hình tầu ngầm hạt nhân thế hệ mới, có thể thực hiện hành trình dài ngày, xa hàng chục nghìn hải lí với tốc độ cao, không chỉ hình thành sự răn đe chiến lược có hiệu quả nhất, mà còn tạo sự bảo vệ chắc chắn, tin cậy cho tàu sân bay. Ngoài ra, từ nhiều năm nay, Hải quân Trung Quốc đã bước vào cao trào đóng mới tàu chưa từng có trong lịch sử. Điển hình như các tàu khu trục lớp “Trung Hoa Aegis” mới có lượng giãn nước gần 10.000 tấn, tàu hộ tống Type 054 có lượng giãn nước trên 4.000 tấn… Để triển khai các dự án trên, Trung Quốc đã thực hiện một loạt dự án kèm theo (tàu hộ tống loại lớn, máy bay tiêm kích trên hạm J-15, trung tâm và căn cứ huấn luyện…) với chi phí khoảng 10 tỷ USD. Dự án phát triển tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đạn đạo (SSBN) mới nhất 094 (lớp Kim), đồng thời đến năm 2025 đóng 5 chiếc loại 095 tiên tiến hơn. Trung Quốc dự kiến chi khoảng 500 triệu USD/năm cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển thuộc dự án này, chưa kể chi phí xây dựng căn cứ tàu ngầm và những vấn đề liên quan đến huấn luyện. Ngoài 2 dự án trọng điểm nêu trên, Hải quân Trung Quốc còn một số dự án nghiên cứu chế tạo tàu ngầm chạy bằng diezel, tàu khu trục… và các loại vũ khí thông thường khác. Hải quân Trung Quốc cũng sẽ thay đổi triệt để kết cấu lực lượng gần bờ truyền thống, trở thành một lực lượng hoàn toàn mới, vừa là gần bờ vừa là biển xa.

Việc Trung Quốc đầu tư, phát triển hạm đội tàu sân bay được cho là sẽ tập trung trang bị cho hạm đội Nam Hải. Từ 10 năm trước, 4 tàu khu trục Lữ Dương I và II cùng nhiều tàu fri-gát và tàu ngầm hiện đại đã được triển khai ra phía trước trong thành phần Hạm đội Nam Hải. Hạm đội Nam Hải cũng đã nhận những chiếc tàu ngầm mới lớp Thanh đầu tiên, loại tàu ngầm này có thể mang theo 6 tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 8.000 km. Tất cả những cuộc diễn tập trên biển của Hải quân Trung Quốc thời gian gần đây chủ yếu sử dụng tàu khu trục, tàu fri-gát và tàu hộ vệ của Hạm đội Nam Hải. Không những vậy, Bắc Kinh còn tiến hành nâng cấp, mở rộng các căn cứ trên đảo Hải Nam, trước hết là căn cứ Du Lâm nằm ở mỏm phía Nam đảo được quân chiếm đóng Nhật Bản thiết lập trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ngày nay, căn cứ hải quân này đang trở thành một tổ hợp được mở rộng, nâng cấp cả cầu tàu và cơ sở hạ tầng, đủ sức phục vụ cho tàu sân bay Liêu Ninh cũng như hoạt động yểm trợ, hộ tống con tàu này. Du Lâm cũng là nơi đóng quân của: Lữ tàu ngầm 33 (gồm 6 tàu lớp Romeo và 4 tàu lớp Minh); Lữ tàu khu trục; Tiểu đoàn tàu tuần tiễu – phóng lôi 22 (thuộc Lữ tuần tiễu – phóng lôi 11 đóng ở Trạm Giang); Lữ tàu tuần tiễu gồm Tiểu đoàn tuần tiễu 2, Tiểu đoàn chống ngầm 73 và Tiểu đoàn quét mìn… cùng một số đơn vị, lực lượng khác. Việc tăng cường các phương tiện có khả năng nhất tới Du Lâm và xây dựng các đường hầm vững chắc cho số tàu đó cho thấy sự chuẩn bị dài hơi cho 2 sư đoàn tàu khu trục và tàu ngầm dành cho những hoạt động của cụm tác chiến có tàu sân bay mở rộng.

Với việc xây dựng một hạm đội tàu sân bay hiện đại có khả năng chiến đấu cao và bố trí ở khu vực Biển Đông; hoặc khi thời cơ chín muồi, xây dựng các căn cứ quân sự quy mô tương đối lớn trên các đảo ở khu vực giữa Biển Đông cho lực lượng hải quân và không quân, Trung Quốc hi vọng lực lượng hải quân của họ ở toàn bộ khu vực Biển Đông có bước nhảy vọt về chất, giúp họ đạt tham vọng khống chế tuyến hàng hải quan trọng cùng nguồn tài nguyên to lớn nơi đây, đồng thời cạnh tranh vị thế siêu cường với Mỹ trên các đại dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới